Ngày 16/10 (giờ địa phương) tại Mỹ, sau cuộc họp tại Phòng Bầu dục về chủ đề dịch Ebola, Tổng thống Obama tuyên bố đóng cửa biên giới đối với những người đến từ các nước châu Phi có dịch Ebola là biện pháp phản tác dụng.
Ông nhận định khi đóng cửa biên giới, những người đến từ các nước có dịch sẽ đi đường khác rồi che giấu quốc gia của họ, lúc đó sẽ còn nguy hiểm hơn vì thông tin về người mang vi rút ít hơn.
Ông cho biết tất cả cuộc thảo luận với các chuyên gia đều kết luận đóng cửa biên giới kém hiệu quả hơn kiểm tra y tế ở sân bay. Trước đó đã có nhiều nghị sĩ đề nghị biện pháp đóng cửa biên giới vì sợ Ebola tràn vào Mỹ.
Tại Mỹ, biện pháp kiểm tra y tế đã được tăng cường ở bốn sân bay Liberty (Newark gần New York), O’Hare (Chicago), Hartsfield (Atlanta) và Washington-Dulles.
|
Nữ y tá Nina Phạm tươi tỉnh trên giường bệnh trước khi chuyển viện ngày 16/10. Ảnh: NBC NEWS.
|
Cùng ngày, Giám đốc Viện quốc gia về bệnh nhiễm và dị ứng Anthony Fauci cùng với Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thomas Frieden đã ra điều trần trước Tiểu ban Giám sát và Điều tra thuộc Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện.
Nội dung điều trần liên quan đến chính sách ứng phó với Ebola. BS Thomas Frieden cho biết ông để ngỏ mọi biện pháp bảo vệ người dân trước nguy cơ dịch Ebola.
Ông nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là kiềm chế Ebola đang bùng phát ở ba nước Tây Phi Liberia, Guinea và Sierra Leone vì nếu không, dịch Ebola sẽ lan rộng toàn châu Phi và đe dọa đến Mỹ.
BS Anthony Fauci thông báo tình trạng sức khỏe của nữ y tá gốc Việt Nina Phạm đã ổn định (ca nhiễm Ebola đầu tiên ở Mỹ).
Trong văn bản gửi đến cuộc điều trần, BS Daniel Varga, Giám đốc BV Hội thánh Trưởng lão bang Texas ở Dallas, xin lỗi vì để xảy ra sai sót trong quá trình nhận bệnh đối với bệnh nhân Thomas Eric Duncan (nhiễm Ebola ở Liberia, tử vong ở Mỹ hôm 8/10).
Trong ngày 16/10, đài truyền hình NBC News (Mỹ) đưa tin nữ y tá gốc Việt Nina Phạm đã được đưa lên máy bay chuyển từ BV Hội thánh Trưởng lão bang Texas đến trung tâm lâm sàng thuộc Viện Y tế quốc gia ở Bethesda (bang Maryland).
Bệnh viện cũ chỉ được trang bị để chăm sóc ba bệnh nhân Ebola, do đó phải giữ giường trống để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mới.
Trước khi khởi hành, BS Gary Weinstein là người điều trị cho bệnh nhân Nina Phạm đã quay đoạn băng ghi hình cho thấy cô khá tươi tỉnh.
Cô bật khóc khi bác sĩ cảm ơn cô đã tình nguyện tham gia chăm sóc bệnh nhân Thomas Eric Duncan. Khi bác sĩ nói: “Chúng tôi thực sự tự hào về cô”, cô cười tươi và nói: “Nào đến Maryland thôi, mọi người!”.
BS Gary Weinstein cho biết chuyển viện cho bệnh nhân Nina Phạm là quyết định rất khó khăn vì cô như một thành viên đáng kính trọng và yêu thương trong đại gia đình bệnh viện.
Ông ghi nhận đội ngũ y, bác sĩ rất vui mừng vì sức khỏe cô cải thiện rất nhiều trong thời gian ngắn.
Hãng tin AP cho biết tại bệnh viện mới, cô Nina Phạm sẽ được đội ngũ chuyên gia về lây nhiễm chăm sóc ở phòng cách ly đặc biệt.
Liên quan đến nữ y tá Amber Vinson - ca thứ hai nhiễm Ebola ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thông báo có thể cô này đã phát bệnh từ ngày 10/10, bởi vậy phải tìm các hành khách đi chung chuyến hôm ấy với cô. Ngày 10/10, cô đi chuyến bay của hãng Frontier Airlines từ Dallas (bang Texas) đến Cleveland (bang Ohio). Đến ngày 13/10, cô bay chiều ngược lại. BV ĐH Emory ở Atlanta (bang Georgia) cho biết sức khỏe cô đang ổn.
Tôi rất biết ơn những lời bày tỏ dạt dào yêu thương và ủng hộ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người xa lạ. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và như được tiếp thêm sức mạnh từ tinh thần ủng hộ của họ. Tôi cảm kích mọi thứ đồng nghiệp đã làm để chăm sóc tôi tại bệnh viện.
Bệnh nhân gốc Việt Nina Phạm
Theo Lê Linh - TNL/PLO