Bơi chải Bạch Hạc gợi nhớ tích xưa

Google News

Nằm ngay bên bờ sông Lô thơ mộng, cửa ngõ của vùng đất Tổ Phú Thọ, đã nhiều đời nay người dân vùng này rất giỏi nghề sông nước.

Truyền thuyết bơi chải Lô giang
Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu về đội chải của khu dân cư xóm Thượng, khu đoàn kết Bạch Hạc, ông Nguyễn Văn Thành (54 tuổi), đội trưởng đội chải Bạch Hạc dẫn chúng tôi ra đền Tam Giang cách nhà ông vài chục mét nằm ngay trên bờ sông Lô. Sở dĩ đền được đặt tên là Tam Giang bởi nơi đây là điểm họp mặt của 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Ngay trước cửa đền là pho tượng tướng quân Trần Nhật Duật.
Boi chai Bach Hac goi nho tich xua
Ông Thành đang kiểm tra những chiếc thuyền đua của đội nhà. Ảnh: G.T 
Hiện nay thuyền không làm bằng gỗ mà được làm bằng sắt. Mỗi thuyền đua có 27 người, gồm 24 tay chèo, một người gõ nhịp, một người lái chính và một người tát nước.
Lịch sử ghi lại rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, triều đình nhà Trần đã nhiều lần chọn ngã ba Bạch Hạc làm nơi huấn luyện quân sĩ và bơi chải cũng là một môn rèn luyện binh sĩ cũng như khích lệ thủy quân tham gia rèn luyện, thi tài cùng nhau. Vào ngày Tết Thượng nguyên năm Ất Dậu (1285), tướng quân Trần Nhật Duật đã cắt tóc thề với thần linh, tổ tiên nguyện đem hết lòng trung thành để báo ơn vua rồi chỉ huy binh sĩ ra trận, kiên cường mưu trí ngăn cản bước tiến công và tiêu hao sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần năm 1287. Để tỏ lòng biết ơn công lao của vị anh hùng dân tộc, người dân nơi đây đã thờ ông trong đền Tam Giang.
Hàng năm, vào tháng 3 âm lịch, tại Tam Giang - Bạch Hạc diễn ra lễ hội nổi tiếng vùng đất Phú Thọ. Lễ hội chính là dịp diễn lại tích thần Thổ Lệnh đưa tiễn Tản Viên khi ngài đến thăm Bạch Hạc, ca ngợi các vị nữ thần tự nhiên như một tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp.
Không những thế, lễ hội thi bơi chải Tam Giang - Bạch Hạc được tổ chức vào dịp tháng 3 âm lịch cũng chính là nhắc lại tích thần Thổ Lệnh đưa tiễn thần Tản Viên được lưu từ đời này qua đời khác trong dân gian. Hội thi bơi chải giữa Bạch Hạc và các làng xung quanh được tổ chức ngay trước cửa đền Tam Giang với 4 phe giáp, mỗi phe có một chải (thuyền) sơn một màu: Vàng hoặc xanh, trắng, đỏ. Tất cả các tay chèo đều mặc quần áo một màu với chải.
Boi chai Bach Hac goi nho tich xua-Hinh-2
Đội ông Thành tham gia thi đấu giao hữu. Ảnh: G.T 
Ông Nguyễn Quang Sáng - Phó ban Quản lý di tích đền cho hay, điều đặc biệt khiến chải ở Bạch Hạc khác với chải ở nơi khác là không dùng ván ghép mà là độc mộc đẽo bằng thân cây gỗ. Mỗi chải có 50 tay chèo và một người cầm lái, một người cầm cờ, một người gõ mõ làm nhịp. Sau lệnh xuất phát, 4 chải lao vun vút như những con thoi trong tiếng reo hò, cổ vũ. Các chải đua từ cửa đền xuống ngã ba sông, vòng lên phía trên một đoạn rồi mới quay lại đích phía trước cửa đền. Khi chiếc chải đầu tiên vượt đích, cả vùng ngã ba sông dậy tiếng reo hò, các chải giơ cao mái chèo, cờ lệnh trong niềm vui chiến thắng.
Vận động vì màu cờ sắc áo
Tham gia bơi chải và làm đội trưởng đội bơi hơn 20 năm nay, ông Dương Văn Thành những ngày qua bận rộn tuyển chọn và tập luyện đội chải của xóm mình.
Ông Thành cho biết: “Hiện giờ thuyền không được làm bằng gỗ mà làm bằng sắt. Mỗi thuyền đua có 27 người, gồm 24 tay chèo, một người gõ nhịp, một người lái chính và một người tát nước. Trên thuyền, ông gõ nhịp giữ vai trò quan trọng. Ông này là người điều tiết để các tay chèo đồng loạt chèo đều nhau, không người trước người sau, mất lực. Tiếp theo là đến ông lái chính, như đội chèo của chúng tôi có ông Xô, là người cầm lái đã hơn 20 năm, cực kỳ thạo sông nước luồng lạch trên sông Lô, biết đưa chải đi tránh những chỗ nước chảy bất lợi cho tốc độ của đội đua. Nhưng để cho thuyền đua nhanh thì quan trọng nhất là những tay chèo, phải cắm mái dầm sâu, và chèo đều tay. Để làm được điều này, những người tham gia bơi phải khỏe, dẻo dai và những ngày tham gia đua không được gần đàn bà, con gái”.
Ông Thành chia sẻ thêm, do quê ông là vùng sông nước nên tập hợp một đua rất thuận lợi. Để có kinh phí phục vụ cho đội đua tập luyện thì ở đây bà con ủng hộ rất lớn, mỗi một mùa hội quyên góp lên tới hàng trăm triệu đồng, nếu đội đua mà giành giải nhất thì có thể được thưởng cao hơn nữa. Nhưng những người tham gia vào đội bơi chải chúng tôi không coi việc bà con ủng hộ là quan trọng nhất mà điều quan trong hơn là giữ gìn truyền thống cổ xưa của cha ông để lại gây dựng lên được, nâng cao tinh thần đoàn kết cho bà con trong khu xóm, cũng là cách rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe cho những người dân quan năm làm nghề sông nước tàu bè.
Ông Thành cũng cho biết thêm. năm nay hội đền Hùng mùng 10.3 âm lịch, đội chải của khu dân cư Bạch Hạc sẽ tham gia hội đua chải cấp tỉnh Phú Thọ, tại công hồ công viên văn hóa Văn Lang TP.Việt Trì, tranh tài cùng 7 đội chải khác, trên toàn tỉnh, như Thanh Bà, Thanh Thủy.
Nói về tinh thần của bà con tham gia cỗ vũ đội chải của địa phương, chị Bích Hồng (sinh năm 1976) là một cổ động viên nhiệt tình của đội chải quê nhà. Chị Hồng cho biết: “Mỗi khi có đội đi thi đấu, bà con đều đi cổ vũ rất đông. Vừa qua, đội đi thi ở Thanh Thủy, bà con cũng đi hàng chục xe ôtô theo đội nhà để cổ vũ, tất cả vì màu cờ, sắc áo sẵn sàng tham gia quyên góp kinh phí để cho đội nhà tập luyện và thi đấu”.
Theo Khánh Gia/Dân Việt