Đứa con của làng Đọi
Làng Đọi Tam xã Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) tự trời cho những thửa ruộng được mệnh danh là "kim ngân kim điền". Cũng chính thế mà độ xuân về hằng năm đều có lệ cày tịch điền. Bây giờ, người làng đã nâng cái lệ ấy thành một nghi lễ với những nghi thức thiêng liêng. Trong những nghi thức ấy, khi trâu cày dưới cánh đồng "kim ngân", không thể thiếu tiếng trống hào hùng như đang xung trận.
Có lẽ, cái nghề làm trống của Đọi Tam cũng bắt nguồn từ lệ cổ cày tịch điền ngày xưa. Được sự ưu ái của vua quan các triều, nên làng nghề được lập và truyền đời cho đến ngày nay. Trong số những thợ giỏi của làng, chỉ còn một người duy nhất có được danh hiệu nghệ nhân cấp Trung ương.
|
Cụ Tịnh là nghệ nhân làm trống duy nhất còn lại của phố cổ. |
Đó là cụ Phạm Chí Tịnh, 83 tuổi ở phố Hàng Nón, Hà Nội. Ly hương đã ngót cả đời người nhưng cụ Tịnh luôn nhận mình là "đứa con của làng Đọi". Cũng nhờ ngôi làng ấy, mà cụ mới thấm được thứ nghề làm trống cổ truyền. Dù đã có lúc, cụ tay ngang làm những nghề khác kiếm sống hoặc cố quên đi thứ nghề mà trước lúc nhắm mắt, ông cụ thân sinh dặn dò: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh".
Mỗi lần về thăm quê, nghe tiếng đẽo đục, tiếng bào da rổn rảng trong các xưởng trống, người nghệ nhân tài ba ấy lại thấy mình còn kém cỏi. Thế nào cụ cũng tạt vào một cái xưởng nhỏ xem con cháu trong làng bây giờ làm tang ra sao, bào da trâu nhẵn đến cỡ nào. Rồi chúng căng da trên mặt trống có phải đứng lên mà giẫm mà đạp như mình không? Nếu chúng có cách làm mới, hay ho một tí là cụ học theo ngay.
Cụ Tịnh thật thà: "Lớp trẻ bây giờ giỏi lắm. Chúng đi nước ngoài nhiều nên cũng học được những cái hay. Mình mà không học hỏi thì cái danh nghệ nhân chẳng có giá trị gì, chỉ tổ để lớp trẻ chúng cười vào mặt".
|
Nghề làm trống không chỉ chú ý đến thanh âm, mà còn cả hình thức.
|
Không ru ngủ trên... kỷ lục
Nói không ngoa, ở Việt Nam nếu tính số trống lớn xứng đáng vào danh sách kỷ lục thì có đến hơn nửa là do cụ Tịnh làm ra. Tưởng điều ấy với cụ là hãnh diện, đủ vinh dự để ngẩng mặt với đời. Nhưng cụ Tịnh lại hay cúi mặt xuống đất, không biết đấy có phải là cái tật cố hữu hay không, nhưng cụ bảo: "Không thể để bản thân ru ngủ trên kỷ lục được. Làm được cái trống lớn thì ai cũng biết là khó, nhưng đánh vào, nó phát ra thứ thanh âm gì mới là quan trọng".
Qua câu chuyện của cụ, mới biết từng có rất nhiều thợ giỏi làm ra những quả trống khổng lồ mà ngay cụ cũng phải ngỡ ngàng. Nhưng khi cầm cái dùi gỗ mà đánh vào thì ôi thôi, trống cứ phát ra cái tiếng phèn phẹt hoặc ùng ục như bụng bị sôi. Hỏi ra mới biết, để phá vỡ kỷ lục này nọ, thợ trống chẳng hiểu sao lại đi nối hai miếng da trâu với nhau. Đấy là chuyện đại kỵ với thợ làm trống.
Cho đến nay, bản thân cụ Tịnh đã làm hàng nghìn quả trống lớn. Ngay cả quả trống lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á mà cụ và vài ba nghệ nhân làng Đọi tận tụy suốt một năm ròng cũng phải hội đủ tiêu chuẩn "da trâu liền mảnh".
Ấy là hồi Hà Nội tổ chức kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Chiếc trống thần của đại lễ với đường kính 3,15m đặt trang trọng trong điện Kính Thiên Hoàng Thành đã vang lên như tiếng sấm rền. Tiếng trống vừa uy nghi hùng dũng lại truyền được khí thế nghìn năm xưa vọng lại.
Quả trống này đã tiêu tốn của cụ Tịnh khá nhiều công sức. Cụ bỏ công bỏ việc ở xưởng đi tìm gỗ mít đại thụ dùng để làm tang, rồi lẽo đẽo, lọ mọ đến vùng Tây Bắc tìm da trâu mộng. Khổ nhọc nào cũng qua, gian nan nào cũng trải để cho ra được tiếng trống mà đôi tai thẩm âm tinh tế nào cũng ưng ý.
Cụ Tịnh cho biết: "Chiếc trống mà chúng tôi làm tỉ mỉ đến từng chi tiết. Nếu chúng ta bảo quản tốt, độ bền của trống có thể lên tới 300 năm có lẻ. Tôi không dám coi đó là một di sản, nhưng tôi dám khẳng định khó ai có thể làm ra được một quả trống có kích thước như thế mà âm vang vẫn chuẩn".
|
Tang trống cổ bằng gỗ mít. |
Kỹ nghệ 80 năm
"Một nghề thì no, dăm bảy nghề thì đói. Đã giỏi một thứ nghề nào đó thì không bao giờ đói, nghề làm trống cũng vậy. Các cụ vẫn nói, sống đèn dầu chết kèn trống, nghề này không bao giờ thất nghiệp nếu giỏi. Tôi cũng từng theo dăm bảy nghề nhưng vì duyên nợ nên lại quay về với trống", cụ Tịnh tâm sự.
Lên 3 tuổi, nghĩa là khi tóc còn để chỏm, cậu bé Tịnh đã được các bậc cha chú cho cầm cái bào mà bào tang trống bằng mít. Lớn lên tí nữa thì được bào da trâu sống rồi đóng tang, bưng mặt da. Đến khi các khâu làm trống đều thạo cũng là lúc chàng trai trẻ xa ngôi làng Đọi.
Lập nghiệp ở phố cổ, cạnh tranh với đủ mọi thợ giỏi của đất kinh kỳ xưa. Không ít lần cụ Tịnh phải lang thang khắp trong Nam ngoài Bắc để học hỏi, bù lại những thiếu sót trong kiến thức làm trống. Rồi một ngày, cụ được Nhà nước vinh danh là nghệ nhân. Bỗng nhìn lại, mới thấy bạn cùng nghề kẻ thân người sơ đã khuất. Hà Nội còn sót lại mình, mình phải có trách nhiệm với nghề.
|
Mặt trống càng căng thì âm thanh càng vang vọng. |
Cụ bắt đầu vực lại nghề bằng cách truyền dạy cho lớp trẻ. Bất cứ ai, bất cứ người nào đến xin học nghề, cụ đều dạy. Cụ dạy một cách công bằng, không phân biệt người nhà người ngoài, nghĩa là công phu kỹ thuật 80 năm tích cóp đều được phô bày ra hết.
Cụ dạy cách tìm da trâu, cách nhìn thớ gỗ mít, cách tạo dáng cho tang trống, đến cách căng da sao cho âm giáng, âm trầm. Lại dạy cách làm trống cơm, trống cái, trống cảm múa. Thậm chí, cụ truyền lại cả cách làm dùi trống sao cho người dùng cầm thấy chắc tay, đanh tiếng.
80 năm làm nghề nên cụ Tịnh tự biết phải dạy những gì, thứ gì không cần thiết. Có hôm cụ biểu diễn cách làm trống mà chỉ mất vài tiếng đồng hồ là hoàn thành. Đệ tử vừa nhìn vừa há hốc ngạc nhiên. Cụ lại nói khích: "Các anh có thích tiền không? Thích tiền thì học đi, giỏi thì ra mà vơ tiền của thiên hạ. Dễ lắm".
Nói vậy, nhưng cụ Tịnh cười mỉm: "Vơ tiền thiên hạ đâu có dễ. Làm trống mà làm dối, làm bừa thì mất khách là cái chắc. Mà khi đã mất khách thì anh có đứng cửa đánh trống mời khách cũng chẳng ai thèm vào".
"Trong các khâu làm trống, khâu bưng mặt trống là quan trọng nhất. Nó quyết định thanh âm có chuẩn hay không. Nhưng bây giờ, có khi khách lại không muốn thanh âm đạt chuẩn. Người thích trầm, người thích bổng, khó hiểu lắm. Thậm chí, có khách hàng kỳ quái vô cùng, họ đặt làm một chiếc trống vuông chỉ để sử dụng vào việc đặt cái mông vào. Có nghĩa là dùng trống thay ghế ngồi".
Nghệ nhân Phạm Chí Tịnh
Trần Hòa