Được biết tới là người khá kín tiếng, kiệm lời nhưng trong cuộc gặp với báo giới nhân ngày đầu năm mới 2015 vị tư lệnh ngành tài chính lại khá mở lòng với những tâm sự “lần đầu mới kể”.
“Nói cho đúng, làm cho thật”
Cũng giống như người tiền nhiệm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng là “dân” tài chính. Trước khi ngồi vào “ghế nóng” của Bộ Tài chính, ông từng kinh qua nhiều chức vụ: Chủ tịch tỉnh, rồi bí thư tỉnh Điện Biên, Tổng Kiểm toán Nhà nước… Có lẽ xuất thân từ “người trong ngành” nên Bộ trưởng Dũng thấu hiểu những khó khăn, vất vả và cả những điểm hạn chế của ngành.
Điều hành một trong những lĩnh vực nhạy cảm của đất nước, được ví như “người chủ giữ túi tiền quốc gia”, quan điểm điều hành của ông vì thế cũng khá đổi mới. Đổi mới, công khai luôn là những cụm từ ông quán triệt tới từng cán bộ trong ngành.
“Tính tôi không thích nói nhiều, có như nào nói thế, nói cho đúng làm cho thật. Ngay cả chuyện nhiều người vẫn thắc mắc chuyện “xào xáo” con số thu ngân sách Nhà nước (NSNN), nhưng với tư cách người đứng đầu ngành tôi khẳng định không có chuyện “tô hồng” con số ở đây”- Bộ trưởng Dũng mở đầu cuộc trò chuyện với báo chí.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tâm niệm có như nào nói thế, nói cho đúng làm cho thật. |
Có lẽ xuất thân từ dân kế toán nên tính cách bộc trực, không thích nói nhiều đã “ngấm” vào cả cung cách điều hành của Bộ trưởng Dũng. Không phải vị bộ trưởng nào cũng sẵn sàng “vạch” những yếu kém của ngành mình khi thẳng thắn phê bình cán bộ cấp dưới ngay tại một hội nghị công khai.
“Cán bộ thuế toàn ăn vặt! Đau đầu quá!”, là lời nhận xét thẳng thắn mà xót xa của ông khi tới dự và chủ trì hội nghị của ngành thuế hồi tháng 7/2014. Một loạt những chiêu trò “ăn vặt” của cán bộ ngành thuế được người đứng đầu ngành tài chính trực tiếp mổ xẻ, như lề lối, tác phong làm việc, thái độ sách nhiễu của cán bộ thuế đối với người nộp thuế….
“Tôi vẫn nhắc nhở anh em, đừng điều hành tài chính theo kiểu 1+1=2. Chính sách tài chính phải là chính sách mở, phải làm sao tối ưu nguồn lực và phải là nguồn lực mở. Có như nào nói thế, nói cho đúng làm cho thật” – ông tiếp lời.
Sau những chộn rộn ban đầu, cùng với động thái điều hành quyết liệt của người đứng đầu, các lĩnh vực từ thủ tục hành chính, thuế, hải quan… đã thiết lập một trật tự mới. Mỗi lần nhắc tới chuyện cải cách thủ tục hành chính, ông vẫn coi đây là một thành tích đáng được ghi nhận của ngành khi cơ quan này ban hành 1 Thông tư thay thế 19 Thông tư về cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế.
“Cái gì thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính thì làm trước, tất nhiên là làm đúng luật, nhưng với tinh thần khẩn trương, đổi mới và cải cách”- ông khảng khái.
Với tinh thần “nói cho đúng, làm cho thật”, năm 2014 có lẽ là năm bận rộn nhất của vị tư lệnh ngành tài chính. Có lẽ chưa một vị bộ trưởng nào trước Bộ trưởng Dũng lại nhận nhiều sự chỉ trích và nghi hoặc về con số nợ công của quốc gia như ông. Tuy không phải đăng đàn trả lời chất vấn trước nghị trường tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, nhưng hàng loạt báo cáo số liệu chi tiết, đầy đủ về nợ công lần được đầu tiên được công khai, minh bạch sau nhiều năm để xóa tan những lo lắng của các vị ĐBQH cũng như người dân.
|
Lần đầu tiên những con số về nợ công được công khai chi tiết. (Ảnh minh họa: Internet) |
Theo số liệu công khai của ngành tài chính, nợ công tới cuối năm 2014 là 60,3% GDP, nợ Chính phủ là 46,9% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 39,9% GDP, đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép. Như vậy, nợ công vẫn dưới “chuẩn” nghị quyết của Quốc hội là 65%, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô. Chọn cách công khai con số nợ công và thái độ không né tránh trước nghị trường của Bộ trưởng Dũng được các ĐBQH đánh giá là … khôn ngoan.
“Có thể nhìn vào con số nợ công người dân chưa cảm thấy yên tâm, chưa thấy “êm”, nhưng dù sao việc công khai và sự thẳng thắn của vị trưởng ngành tài chính về nợ công cũng phần nào cho thấy sự không né tránh trước vấn đề lớn của quốc gia. Tinh thần ấy tôi cho là đáng hoan nghênh”- một ĐBQH chia sẻ với Infonet bên hành lang Quốc hội hồi tháng 11/2014.
Kế toán trưởng từng bộ hay kế toán trưởng quốc gia?
Dù có những việc làm trong năm qua khiến bộ trưởng Dũng cảm thấy hài lòng, nhưng còn những điều vẫn làm ông trăn trở.
“Lâu nay các bộ vẫn với thói quen, tư tưởng cũ, biến ông Bộ trưởng Tài chính thành ông kế toán trưởng của bộ, ngành mình” – ông chia sẻ. Đến mức ngân sách đã phân bổ về địa phương rồi, nhưng nếu địa phương nào cần điều chỉnh vài chục triệu thôi cũng phải trình lên Bộ trưởng Tài chính, rồi Thủ tướng ký.
“Đã phân cấp rồi, giao trách nhiệm cho ai thì người đó phải chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng đồng tiền cho có hiệu quả, chứ với kiểu bây giờ Bộ trưởng Tài chính đang là kế toán trưởng của tất cả các bộ, ngành khác. Trong khi thực chất Bộ trưởng Tài chính phải là kế toán trưởng quốc gia. Tiếc rằng chính sách của chúng ta vẫn đang là như vậy, chưa thể cải thiện được”- ông giãi bày và hy vọng khi Luật Ngân sách được sửa đổi sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý, giải trình tại mỗi cấp.
“Nhận diện” những khó khăn đặt ra với ngành tài chính, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, ngoài áp lực sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, thì mối lo giảm thu lớn do giá dầu giảm mạnh sẽ tác động đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô, cân đối tài thu, chi NSNN năm 2015.
Trước những diễn biến, thách thức mới, tư lệnh ngành tài chính thẳng thắn, chính sách tài khóa chặt chẽ vẫn là mục tiêu mà cơ quan quản lý theo đuổi trong năm tới. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ triệt để tiết kiệm, phấn đấu hoàn thành vượt nhiệm vụ thu NSNN năm 2015, với tổng số thu cân đối NSNN là 911,1 nghìn tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 1.147,1 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP.
Theo Nguyễn Hoài/ Infonet