Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Nhiều quốc gia trên thế giới khi cần thiết cũng phải tham gia vào can thiệp vào nợ của doanh nghiệp khi cần thiết. Và ở Việt Nam, việc xử lý nợ ở Vinashin cũng chỉ can thiệp vào công ty mẹ. Chi tiết nếu cần chúng tôi có thể trao đổi với đại biểu sau”.
Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi: “Hiện nay nền kinh tế nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, nợ công tăng cao nhưng Bộ tài chính vẫn báo cáo là nợ công an toàn - đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ liệu nợ công có thực sự an toàn hay không? Làm sao chúng ta có đủ khả năng trả nợ, giải pháp nào?”
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời: “Bàn về nợ công cần chú ý đến hai yếu tố quan trọng đó là cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ.
Theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7% (2010); 50,1% (2011); 50,8% (2012) và 54,1% (ước tính 2013). Như vậy, nợ công hiện vẫn ở dưới mức theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội là 65%.
Thời điểm trả nợ rất quan trọng. Về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2- 5 năm.
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua.
Loại trừ các yếu tố đảo nợ, thì hoàn toàn nghĩa vụ trả nợ là dưới 25%, tôi khẳng định nợ công vẫn dưới mức cho phép của Quốc hội”.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: “Trước những băn khoăn về những nhập nhẳng về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã hứa sớm sửa Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng đến nay cách sửa nghị định này cũng khó hiểu, nhập nhằng, gây nên tình trạng Bộ công thương vừa "đá bóng vừa thổi còi". Trách nhiệm của Bộ công thương và Bộ tài chính về vấn đề này như thế nào?”
Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời: “Nghị định 84 vừa qua tương đối đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc điều hành giá xăng dầu trong nửa năm gần đây rất thị trường rồi. Chúng ta có những lúc điều hành giật cục, đáng nhẽ tăng nhưng lại giữ giá thấp, đến lúc thả ra lại thành cao. Tuy nhiên thời gian qua điều hành rất thường xuyên. Tránh tác động tiêu cực đến vĩ mô và lạm phát.
Bản chất người tiêu dùng vẫn trả đủ giá xăng dầu theo giá thị trường. Lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp cũng được điều hành triệt để.Về quỹ bình ổn xăng dầu, từ tháng 3 năm ngoái đã công khai quỹ này.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương sửa đổi Nghị định 84 và tiếp tục chúng tôi sẽ lấy ý kiến thành viên Chính phủ về Nghị định này.
Nghị định 84 sửa đổi sắp hoàn thiện và sớm được ban hành. Và ở Nghị định sửa đổi này, chu kỳ tính giá cơ sở xăng dầu sẽ rút xuống còn 10 ngày, vì càng ngắn thì càng sát giá thị trường.
Chúng tôi cho rằng càng đưa ra quy định mềm dẻo, sát thị trường càng tốt. Trong vòng tháng này, tháng sau chúng tôi sẽ trình Thủ tướng ký Nghị định này.
Về vấn đề yếu kém trong tạm nhập tái xuất xăng dầu, chúng tôi hoan nghênh ý kiến của đại biểu. Mặt trận xăng dầu rất là nóng bỏng trong việc chống buôn lậu. Thời gian qua, Bộ Tài chính tập trung vào tăng cường chống buôn lậu, hàng giả và đã có kết quả. Hải quan đã lập 3 chuyên án về buôn lậu xăng dầu. Qua đấu tranh phát hiện, đã phát hiện hơn 3 nghìn tấn xăng dầu và cơ quan đã tiến hành khởi tố các đối tượng phạm tội.
Trong thời gian vừa qua chúng tôi đã kiến nghị Quốc hội về sửa đổi Thuế, theo đó đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất nói chung và mặt hàng tạm nhập tái xuất xăng dầu nói riêng phải đóng thuế”.
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Thái Bình) nêu câu hỏi: “Vừa qua Thủ tướng đã có quyết định về thành lập Ban chỉ đạo chống hàng lậu, hàng giả. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian tới?
Sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, nhân dân một số tỉnh đã có biểu thị hành động yêu nước, tuy nhiên một số thành phần đã lợi dụng để đập phá, gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Bộ đã có những hành động, đề xuất gì để khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp này?”
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết không trả lời trực tiếp các câu hỏi này mà sẽ trả lời bằng văn bản.
Từ 14h chiều nay 10/6, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn tại Hội trường. Buổi chất vấn này được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII.
Trước đó, nhiều người dự đoán Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời về các nhóm vấn đề sau:
- Vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia; tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
- Việc kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân.
- Vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN và giải pháp thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn.
Trong báo cáo chi tiết của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Dũng phân tích sâu về các vấn đề nợ công, ngân sách.
Theo báo cáo, phân tích theo số tuyệt đối, xu hướng nợ công những năm gần đây là tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều, hiện ở dưới mức theo quy định của nghị quyết Quốc hội là 65%.
Bộ trưởng Dũng cho hay, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích lũy từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua.
"Về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm. Do vậy áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn", Bộ trưởng Dũng nói.
Phân tích nguyên nhân chủ yếu, ông chỉ ra yếu tố thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các NHTM trong khi cơ cấu nguồn vốn của các NHTM chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.
Theo luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công đã bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nợ đọng XDCB phát sinh do cần thiết đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm và cũng do chấp hành kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm.
Bộ trưởng cũng lưu ý, hiện nay, các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không được tính trong nợ công bởi doanh nghiệp là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trả nợ.
Tính toán khả năng cân đối nguồn trả nợ, với tổng mức dư nợ công hiện nay (54,1% GDP) và dự kiến bội chi ngân sách nhà nước đến 2015 và giai đoạn 2016-2020, những năm tới thu phải tăng 12%-14%/năm, cân đối ngân sách nhà nước vững chắc; bội chi hợp lý, dành khoảng 20% tổng thu để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Các khoản vay bù đắp bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển. Cơ bản không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả các khoản vay về cho vay lại. 5 nhóm giải pháp chủ yếu được Bộ trưởng nhấn mạnh, trong đó bắt buộc phải có tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ.