Vì sao 24h có thể “nấu cháo trên lưng người làm báo” lâu thế?

Google News

Chính các Tổng biên tập đã để cho kẻ gian như kiểu 24h móc túi trong nhiều năm nhưng im lặng, không đưa ra công luận, không kiện ra tòa án.

Việc 24h ăn cắp tin bài, vi phạm bản quyền là việc làm rõ như ban ngày và diễn ra trong nhiều năm qua. Độc giả biết. Những người làm báo biết rất rõ. Cơ quan quản lý cũng biết. Thế nhưng, vì sao gã “đạo chích báo chí” này có thể tồn tại được trong nhiều năm và trở thành kẻ khổng lồ trong làng quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam?

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” – trước khi đề cập đến lý do khác, người làm nghề, đặc biệt là những người đứng đầu các tờ báo phải tự trách mình.

Chính các Tổng biên tập đã để cho kẻ gian như kiểu 24h móc túi trong nhiều năm nhưng im lặng, không lên tiếng, không đưa ra công luận, không kiện ra tòa án.

Khi ngồi bàn luận với nhau, nhiều Tổng biên tập bày tỏ sự bức xúc, khó chịu về hành vi ăn cắp của 24h và một số trang tin khác. Nhưng đến khi hỏi: “Tại sao không dám kiện? Tại sao không dám gửi đơn thư lên lãnh đạo Bộ TT&TT, Thanh tra Bộ…” – Thì hầu hết là nhận được những nụ cười… trừ!

Bị móc túi, bị mất cắp… nhưng cứ đứng giữa đường mà than vãn, chửi đổng thì phỏng có ích gì? Còn với những kiểu làm ăn “bá đạo” như 24h, Zing, Tinmoi, Vietbao… thì chắc chắn họ quan niệm rằng “Mồm liền tai. Thằng nào chửi, thằng ấy nghe”.

Tố cáo không dám tố cáo. Kiện không dám kiện. Và chỉ có những bài báo kêu than, oán thán rồi những phát biểu tại hội nghị nọ, hội thảo kia “ phân tích” về “tệ nạn ăn cắp bản quyền”… thì có tích sự gì đâu. Mà đã là “kẻ cắp chuyên nghiệp” thì chúng sợ gì những lời giáo dục suông.

Một đồng chí lãnh đạo của Thanh tra Bộ TT&TT cho chúng tôi biết: “Điều kỳ lạ nhất là tại sao các ông Tổng biên tập không dám làm đơn tố cáo? Cứ tố cáo cụ thể ra, họ lấy bao nhiêu bài, họ xào xáo ra sao; thủ đoạn ăn cắp là như thế nào? Chắc chắn Thanh tra Bộ không làm ngơ. Còn nếu có chứng cứ cụ thể, mà Bộ không làm tới nơi tới chốn, thì đó là trách nhiệm của Bộ.”

Quả là chính xác. Nói gì thì nói, “án tại hồ sơ”. Không có tài liệu, chứng cứ cụ thể, thì điều tra, xét xử làm sao?

Vậy đó, chính thái độ “dĩ hòa vi quý”, thậm chí nhu nhược (và cả hèn nữa) của nhiều Tổng biên tập các tờ báo đang bị móc túi, là mảnh đất tốt cho những con sâu kiểu 24h nảy nở.

 Thực hiện nghiêm chế độ bản quyền chính là bảo vệ mồ hôi công sức của những người làm báo.

Cũng phải nói thêm rằng, nếu như bị mất cắp tài sản, thì chả ai làm ngơ. Nhưng đằng này, vật bị mất là những tác phẩm báo chí. Mà tác phẩm này là của phóng viên, cho nên thiệt hại vật chất thường không cụ thể, và nếu “chẻ” ra thì cũng nhỏ, cho nên không ai biết xót cho sức lao động của anh em phóng viên.

Việc bị mất cắp cứ thế tồn tại như một nỗi ấm ức mà chỉ khi có diễn đàn gì đó về nghiệp vụ báo chí thì mới được đưa ra nói như để giải tỏa. Khốn nỗi, trong các diễn đàn về nghề báo thì các trang web chuyên “đạo” tin bài lại không có tư cách để tham gia. Và thế là các nhà báo cứ… nói cho nhau nghe.

Trong khi đó, người làm báo có đủ cách để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình: Có phương tiện truyền thông có thể đăng tải tiếng nói, có đầy đủ các phương tiện kiểm đếm sản phẩm bị ăn cắp, có tòa án, có cơ quan quản lý, có mối liên hệ với các cơ quan chức năng để có thể nhanh chóng kiến nghị, phản ánh… Có thể nói, trong trường hợp này, người làm báo đã không dùng hết quyền của mình.

Đấy là chưa kể, lực lượng làm báo lại là đội ngũ rất am hiểu luật pháp, có liên hệ thường xuyên với các luật sư. Cũng đã có những tờ báo có văn bản gửi các trang web đạo tin bài, tuy nhiên, ngoài các yêu cầu ngừng lấy cắp thì không có động thái nào mạnh mẽ hơn. Thế thì chẳng khác gì việc khẩn cầu tên ăn trộm rủ lòng thương.

Việc bị các trang web lấy tin bài một cách có hệ thống, lẽ ra chỉ cần gửi văn bản ra thời hạn hoặc mạnh mẽ hơn, có thể gửi đơn kiến nghị lên Bộ TT&TT hoặc tòa án, chắc rằng chẳng có trang web nào đủ “liều” để tiếp tục ăn cắp tin bài.

Việc những người đứng đầu các tòa soạn im lặng, một phần họ ngại phiền hà, cũng có thể họ mang tâm lý “sợ bóng sợ gió” sợ có ai đó chống lưng, hỗ trợ cho các trang web ăn cắp bản quyền.

Ngay Tổng biên tập báo Năng lượng Mới - PetroTimes cũng từng phải tiếp một vị đứng đầu một trang web chuyên sống bằng nghề chôm chỉa bài. Khi gặp, anh ta xin nói chuyện riêng và rồi úp mở nói rằng tờ của anh ta là của một cơ quan công an. Và anh ta là người của… công an.

Nhưng tất cả là láo toét. Chính cơ quan an ninh khẳng định chẳng có trang web như thế, và cái gã X. đó, vốn là công an, bị đưa ra khỏi lực lượng. Còn cái trang web đó, cần phải đóng cửa càng sớm càng tốt.

Các cơ quan quản lý phải luôn bảo vệ cái đúng, và cũng phải rất thẳng tay với các vụ vi phạm.

Một ví dụ rất cụ thể từ trường hợp của chính PetroTimes. Khi báo Năng lượng Mới và PetroTimes lên tiếng về việc bị vi phạm bản quyền báo chí và gửi kiến nghị lên Cục PTTH và TTĐT, Thanh tra Bộ TT&TT. Các cơ quan này đều vào cuộc và xử phạt các trang web vi phạm rất nhanh chóng. Và việc ăn cắp tin bài của Petrotimes của một số trang web gần như chấm dứt ngay lập tức.

Các trang web hiện nay đa số hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước không phải cứ thích kiểm tra là kiểm tra và kiểm tra lúc nào cũng được. Vậy nên, phải có phản ánh, phải có kiến nghị, đơn từ để tạo điều kiện cho các cơ quan kiểm tra vào cuộc.

Đây chính là điểm mấu chốt mà các tờ báo cần nắm lấy để làm đúng quy trình, bảo vệ cho chính mình.

Có một bài học từ Apple, hãng điện tử khổng lồ của thế giới. Đó là việc họ có một đội ngũ chuyên đi kiện khắp thế giới để bảo vệ bản quyền sáng chế của mình. Họ bỏ tiền mua rất nhiều bản quyền sáng chế trên mỗi chi tiết sản phẩm nhưng đồng thời cũng bảo vệ từ những thứ rất nhỏ nhặt nhất. Cứ phát hiện ai có dấu hiệu xâm phạm, dù là nhỏ và ở bất cứ đâu trên thế giới là họ phản ứng, đưa đơn, khởi kiện… ngay tức thì.

Chính điều này đã tạo ra sự e ngại với những kẻ có ý định lăm le ăn cắp và sản phẩm của Apple bị làm nhái ít hơn rất nhiều so với các hãng điện tử khác.

Đây có lẽ là bài học mà các tờ báo điện tử ở Việt Nam cần phải học tập.

Người Việt mình vốn DUY TÌNH, cho nên rất ngại kiện tụng, và coi việc phải “lôi nhau ra tòa” là vạn bất đắc dĩ. Nhưng khổ nỗi, những loại trang web chuyên sống và làm giàu bằng nghề chôm bài của người khác thì với họ, “đạo lý”, “giáo dục”, “đạo đức người làm báo”… là những khái niệm xa xỉ.

Cho nên, chúng ta cần phải học, và làm quen với “văn hóa kiện”.

Đã đến lúc những người đứng đầu các tờ báo cần dũng cảm để bảo vệ thành quả lao động cho chính các phóng viên của mình.

Và xin các vị Tổng biên tập, các vị đừng phàn nàn, đừng đổ tại cho ai khác, mà hãy tự trách mình: Hoặc là các vị ngấm ngầm đi đêm với kẻ cắp để kiếm chác trên lưng anh em phóng viên; hoặc là các vị quá hèn nhát, thủ tiêu đấu tranh.

Theo Petrotimes