Hiện nay, chứng mất trí nhớ không chỉ xuất hiện như một hệ quả tự nhiên của tuổi già mà còn xảy ra ở nhiều người trẻ tuổi. Bên cạnh những yếu tố thường gặp như huyết áp cao hay hút thuốc lá, các nguy cơ ít được chú ý hơn như chấn thương não, ô nhiễm không khí, uống rượu, suy giảm thính lực và thị lực cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự suy giảm nhận thức. Nhận biết và phòng tránh những nguy cơ này là chìa khóa giúp giảm thiểu rủi ro cũng như bảo vệ sức khỏe não bộ.
1. Huyết áp cao
Huyết áp cao (tăng huyết áp) là một yếu tố nguy cơ lớn gây tổn thương mạch máu trong cơ thể, bao gồm cả các mạch máu nuôi dưỡng não. Khi huyết áp tăng, áp lực trong các mạch máu cũng tăng lên, gây ra tổn thương thành mạch, tạo điều kiện hình thành các mảng xơ vữa. Điều này làm giảm lượng máu cùng với oxy cung cấp cho các tế bào não, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động của não bộ. Theo thời gian, tình trạng này dẫn đến teo não, suy giảm trí nhớ và tăng nguy cơ đột quỵ.
Tăng huyết áp từ lâu đã được coi là một yếu tố nguy cơ gây mất trí nhớ. (Ảnh minh họa).
2. Lượng đường trong máu cao
Lượng đường trong máu cao, thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường, có thể gây tổn thương các tế bào thần kinh và mạch máu nhỏ trong não. Điều này dẫn đến hiện tượng viêm mãn tính, rối loạn chức năng nhận thức, đồng thời, tăng nguy cơ mắc Alzheimer – dạng phổ biến nhất của chứng mất trí nhớ.
Thêm vào đó, đường huyết cao làm suy giảm tính linh hoạt của tế bào thần kinh, khiến não gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin và hình thành ký ức mới. Để giảm nguy cơ, cần duy trì chế độ ăn lành mạnh với ít đường, hạn chế tinh bột, kết hợp theo dõi đường huyết định kỳ, đồng thời, vận động thường xuyên để cải thiện độ nhạy insulin.
3. Lipid máu cao
Tăng lipid máu, đặc biệt là cholesterol xấu (LDL), là một yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với sức khỏe tim mạch và não bộ. Cholesterol cao gây xơ vữa động mạch – hiện tượng mạch máu bị thu hẹp do các mảng bám tích tụ. Khi điều này xảy ra ở não, lưu lượng máu và oxy bị cản trở, làm giảm chức năng não, tăng nguy cơ suy giảm nhận thức. Ngoài ra, cholesterol cao còn góp phần vào quá trình viêm trong não, làm tăng tốc độ thoái hóa tế bào thần kinh.
4. Hút thuốc
Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ nghiêm trọng không chỉ đối với phổi và tim mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến não. Các chất độc hại trong thuốc lá, chẳng hạn như nicotine hay carbon monoxide, làm tổn thương trực tiếp các mạch máu trong não, dẫn đến giảm oxy cung cấp cho các tế bào thần kinh.
Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ viêm và stress oxy hóa – hai yếu tố chính thúc đẩy quá trình thoái hóa thần kinh. Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn đáng kể so với người không hút.
Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí lên 30-50%. (Ảnh minh họa).
5. Cô lập xã hội
Cô lập xã hội kéo dài làm tăng nguy cơ trầm cảm, đóng góp trực tiếp vào suy giảm nhận thức. Thiếu sự tương tác xã hội làm giảm kích thích thần kinh, khiến não bộ ít được rèn luyện và dễ thoái hóa. Nghiên cứu cho thấy những người duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực có nguy cơ mắc chứng mất trí thấp hơn nhiều so với người sống cô lập.
6. Thiếu tập thể dục
Lối sống ít vận động không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch mà còn tác động nghiêm trọng đến chức năng não bộ. Thiếu tập thể dục làm giảm lưu thông máu và oxy đến não, ảnh hưởng đến khả năng tái tạo tế bào thần kinh.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục đều đặn có thể kích thích sự sản sinh các yếu tố tăng trưởng thần kinh, giúp duy trì trí nhớ và khả năng nhận thức. Các hoạt động như đi bộ, bơi lội hoặc yoga không chỉ cải thiện tuần hoàn mà còn giúp giảm stress, góp phần bảo vệ não bộ khỏi nguy cơ suy giảm chức năng.
7. Chấn thương não
Chấn thương sọ não, đặc biệt là chấn thương nghiêm trọng hoặc lặp đi lặp lại, là yếu tố làm tăng nguy cơ gặp chứng mất trí nhớ. Khi não bị tổn thương, cấu trúc và chức năng của các tế bào thần kinh có thể bị ảnh hưởng lâu dài. Chấn thương làm tăng nguy cơ hình thành các mảng protein bất thường - một trong những nguyên nhân chính của bệnh Alzheimer. Những người từng bị chấn thương não, chẳng hạn như vận động viên thể thao hoặc người từng gặp tai nạn, nên chú ý bảo vệ sức khỏe não bộ bằng cách theo dõi các triệu chứng suy giảm nhận thức sớm.
8. Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí, đặc biệt là các hạt bụi mịn (PM2.5), có thể xâm nhập vào não qua đường máu hoặc hô hấp, gây viêm và tổn thương tế bào thần kinh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người sống trong môi trường ô nhiễm có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh thoái hóa thần kinh, bao gồm cả chứng mất trí nhớ, nhất là đối với người già và trẻ em.
9. Uống rượu
Uống rượu ở mức độ nặng hoặc kéo dài tác động tiêu cực đến chức năng não bộ. Rượu làm tổn thương các vùng não quan trọng liên quan đến trí nhớ và học tập như vùng hippocampus. Uống rượu nhiều còn có thể gây suy giảm nhận thức tạm thời hoặc vĩnh viễn, thậm chí dẫn đến một loại mất trí nhớ được gọi là hội chứng Wernicke-Korsakoff.
Rượu có thể cản trở khả năng lưu trữ ký ức của não. (Ảnh minh họa).
10. Suy giảm thính lực
Suy giảm thính lực không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Khi khả năng nghe bị hạn chế, não phải nỗ lực hơn để xử lý âm thanh, giảm tập trung vào các chức năng nhận thức khác.
Sự cô lập xã hội do khó giao tiếp cũng là một hệ quả phổ biến làm tăng nguy cơ trầm cảm và suy giảm nhận thức. Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thiết bị trợ thính hoặc các biện pháp can thiệp sớm có thể giảm nguy cơ mất trí nhớ ở người suy giảm thính lực.
11. Suy giảm thị lực
Suy giảm thị lực, giống như thính lực làm hạn chế khả năng tiếp nhận thông tin từ môi trường, dẫn đến sự suy giảm kích thích não bộ. Người bị giảm thị lực thường gặp khó khăn trong việc duy trì các hoạt động hàng ngày, từ đó làm tăng nguy cơ trầm cảm và mất trí nhớ.
Để giảm nguy cơ, cần thực hiện kiểm tra mắt định kỳ, sử dụng kính điều chỉnh và điều trị sớm các bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể hay thoái hóa điểm vàng.
AN THANH