3 anh em 24 năm đi tìm ân nhân để báo ơn, bất ngờ ngày gặp mặt

Google News

"Nhìn các em bây giờ sống hạnh phúc, sự nghiệp thành công, thầy thực sự vui mừng và hạnh phúc", “Hy vọng" ôm chặt hai chị em họ Li. Cuộc gặp gỡ sau 24 năm này vừa là lần đầu gặp gỡ, vừa là một cuộc hội ngộ.

Phong bì thư mang tên “Hy vọng”

24 năm trước, tại một gia đình ở làng Lý Gia, thị trấn Hà Lâu, quận Mẫu Đơn, thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, một cặp vợ chồng thường xuyên lo lắng về tiền học phí cho 3 đứa con.

“Hay là để chúng nó nghỉ học đi, nhà mình không đủ tiền nuôi nổi nữa”, người chồng Li Zhonglin nói với vợ.

Li Zhonglin mắc bệnh mãn tính, không thể ra ngoài làm việc, cả gia đình chỉ sống dựa vào việc làm ruộng của vợ. Trong ký ức của cô con gái út Li Wenjuan, 3 anh em nhiều năm không được mua một bộ quần áo mới, thường là chị cả mặc xong để lại cho anh hai rồi đến em út.

Lúc đó, Li Wenjuan học tiểu học, Li Pingjuan và Li Guoxiang đang học cấp 2. “Mỗi lần đóng học phí, 3 chị em tôi luôn là những học sinh đóng muộn nhất. Chúng tôi rất cố gắng trong học tập để đạt được kết quả tốt”, Li Wenjuan nói.

Một bên là tương lai của 3 đứa trẻ, một bên là gánh nặng kinh tế khó khăn, bài toán đặt ra trước mắt vợ chồng Li Zhonglin khiến họ không khỏi day dứt khi các con đối mặt với nguy cơ phải bỏ học. Trong lúc khó khăn đó, “Hy vọng” đã bất ngờ xuất hiện.

“Một người tốt bụng mà chúng tôi chưa từng gặp mặt đã dang rộng vòng tay giúp đỡ, giải quyết khó khăn cho gia đình tôi”, Li Wenjuan nhớ lại.

Lúc đó, anh hai Li Guoxiang nhận được một phong bì do thầy giáo chuyển đến, mở ra bên trong là một phiếu chuyển tiền 300 tệ. Số tiền lớn này đã khiến cả gia đình họ hết sức ngạc nhiên. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Sơn Đông, thu nhập bình quân đầu người của nông dân tỉnh Sơn Đông năm 2000 là 2659,20 tệ, thu nhập bình quân hàng tháng là 221,6 tệ.

Li Wenjuan nhớ rất rõ, trên phiếu chuyển tiền chỉ có hai chữ: “Hy vọng”. “Hy vọng” thực sự đã mang đến hy vọng cho gia đình họ. Mỗi đứa trẻ 100 tệ đủ để trang trải học phí và các chi phí sinh hoạt hàng tháng. 3 chị em khi đó vô cùng phấn khích: “Tuyệt quá! Vậy là chúng con không phải bỏ học nữa!”

Sau đó, “Hy vọng” vẫn thường xuyên gửi tiền cho 3 anh em họ. “Thỉnh thoảng một tháng một lần, đôi khi một hoặc hai tháng một lần, mỗi lần gửi đều là 300 tệ”, Li Wenjuan nhớ lại. Họ đã nhận được sự giúp đỡ này từ năm 2000 và kết thúc vào khoảng tháng 7, 8 năm 2002, tổng cộng khoảng 4000-5000 tệ.

24 năm tìm kiếm "Hy vọng", mong được báo đáp ân tình

“So với bây giờ thì số tiền đó không lớn nhưng chính nhờ sự giúp đỡ đó mà chúng em đã hoàn thành được việc học”, Li Wenjuan nói. “Hy vọng” thực sự đã thay đổi số phận của họ.

Sau này, 3 anh em đều trưởng thành và có công việc ổn định. Hiện tại, Li Pingjuan dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học ở Hà Trạch; Li Guoxiang học chuyên ngành cơ điện, giờ là kỹ sư của một nhà máy ở Tô Châu, Giang Tô; Li Wenjuan tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, đang làm công việc giảng dạy tiếng Anh tại Thiên Tân.

Cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá, nhưng trong lòng họ vẫn luôn nhớ về tình yêu và lòng tốt của người lạ mặt cách đây 24 năm. “Mỗi lần gia đình tụ họp, chúng tôi luôn nhắc đến “Hi vọng”. Chúng tôi muốn được gặp ân nhân, cúi đầu bày tỏ lòng biết ơn trực tiếp”, cô nói.

Trong dịp Quốc khánh Trung Quốc năm nay, 3 anh em đã về quê và bàn bạc về việc tìm kiếm “Hy vọng”. Ngoài dòng chữ “Hy vọng” trên phiếu chuyển tiền, họ còn nhớ mang máng địa chỉ của người gửi là “đường Lịch Sơn Bắc, thành phố Tế Nam”. Hơn 20 năm đã trôi qua, chỉ dựa vào thông tin mơ hồ như vậy để tìm một người gửi tiền ẩn danh, chẳng khác nào mò kim đáy biển.

Không lâu sau, Li Wenjuan đã đến Bưu điện thành phố Hà Trạch và nhờ nhân viên giúp tìm kiếm gốc phiếu chuyển tiền năm đó. Họ còn tìm đến tờ báo địa phương, cố gắng thông qua sức mạnh của truyền thông để mở rộng phạm vi tìm kiếm. Rất nhiều bên đã góp sức trong việc tìm kiếm, nhiều manh mối được thu thập.

“Hy vọng" đã được tìm thấy

Mới đây, một cán bộ của Trường Đại học Ngoại ngữ Sơn Đông sau khi đọc được bài báo đã liên hệ với báo chí. "Ở đây chúng tôi có phiếu chuyển tiền của năm đó", người đàn ông nói tên và địa chỉ của người gửi trên phiếu hoàn toàn trùng khớp với thông tin trên báo. Mặt sau của phiếu có ghi ngày tháng và chữ ký tay: Sun Chengwu.

"Ông ấy là hiệu trưởng của trường chúng tôi!", người đàn ông nói thêm.

Khi phóng viên liên lạc đến, ông Sun Chengwu không khỏi ngạc nhiên. "Nếu không có lần tìm kiếm này, tôi đã quên mất việc quyên góp năm đó. Chỉ là một việc nhỏ mà thôi", ông nói.

Ông Sun Chengwu cho biết, trong một khóa đào tạo năm 2000, ông có nghe các học viên kể về 3 anh em ở Hà Trạch học rất giỏi nhưng gia đình khó khăn. Sau đó, ông liền " xin địa chỉ và tên của họ, chính thức bắt đầu sự giúp đỡ.

"Trẻ em và giáo dục là hy vọng của đất nước", đó là lý do ông để tên là "Hy vọng" trên phiếu chuyển tiền.

Số 2 đường Lịch Sơn Bắc, Tế Nam, địa chỉ gửi tiền cách đây 24 năm giờ đã trở thành nơi để họ đoàn tụ. Ngày 15/12, thầy Sun Chengwu đã đến từ sớm để chờ hai chị em Li Wenjuan và Li Pingjuan.

Khi gặp mặt, Li Wenjuan đã bật khóc và nói: "Thưa thầy Sun, chúng con cảm ơn thầy, những đứa trẻ được thầy giúp đỡ năm xưa giờ đã trưởng thành".

Sun Chengwu vui mừng nói: "Các em đã thành tài, đó chính là ý nghĩa lớn nhất của số tiền này. 24 năm trước khi gửi tiền, thầy không ngờ rằng sự giúp đỡ nhỏ bé đó lại có thể tạo ra một sức mạnh lớn như vậy".

Li Wenjuan lấy ra một phong bì tiền mặt được gói cẩn thận, trịnh trọng trao cho thầy Sun Chengwu. Đây là số tiền mà họ đã nhận được từ "Hy vọng" năm xưa.

"Thầy nhận, nhưng con hãy giúp thầy chuyển số tiền này cho những người cần giúp đỡ, để “Hy vọng” này tiếp tục được lan tỏa", thầy Sun nói.

BẢO BẢO