Bác sĩ cũng bị mắng khi nhắc bố mẹ cần hạn chế cho con xem điện thoại
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang là một bác sĩ hiện đang “nổi tiếng” trên mạng xã hội và được nhiều người gọi bằng cái tên “bác sĩ yêu con nít” hay “bác sĩ vì con”. Mới đây, anh đã chia sẻ về quan điểm nhiều bố mẹ có thói quen cho con xem điện thoại di động, tivi… đã tạo ra các ý kiến trái chiều.
“Hiện nay, từ ở nhà đến quán ăn, quán cà phê, sân ga, nhà xe, phòng chờ, trạm dừng chân… đều thấy hình ảnh những đứa trẻ ngồi xem các thiết bị điện tử. Bên cạnh là bố mẹ cũng ngồi bấm điện thoại, làm việc hay nói chuyện với bạn bè. Có trường hợp, trẻ chỉ mới 1-2 tuổi cũng sử dụng điện thoại rất thành thạo”, bác sĩ Sang chia sẻ.
Bác sĩ Sang cho biết, nhiều trẻ mới 1-2 tuổi đã nghiện xem điện thoại. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Sang, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, trẻ thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử sẽ dễ có nguy cơ bị mất ngủ, béo phì, ảnh hưởng đến mắt, phát triển trí não và dễ mắc phải hội chứng Tic. Nếu trẻ sử dụng điện thoại 5 giờ/ngày sẽ có nguy cơ bị nghiện game, internet, mạng xã hội thì dễ bị sa sút học tập, giảm chất lượng cuộc sống, mất dần các mối quan hệ ý nghĩa và rất dễ mắc các bệnh về thần kinh. Nếu trẻ mắc phải những điều này mà không được phát hiện và điều trị kịp sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sau.
Vì vậy, khi thấy trẻ xem nhiều điện thoại, bác sĩ Sang có ý nhắc nhở bố mẹ nên hạn chế cho con xem. Thay vào đó, bố mẹ nên tìm cho trẻ các trò chơi lành mạnh khác như đọc sách, vẽ, chơi xếp hình, hay thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời sẽ tốt cho bé hơn. Hay khi gặp những trường hợp trẻ đến khám được bố mẹ cho xem điện thoại, bác sĩ Sang cũng nhắc nhở và phân tích những mặt tiêu cực của thói quen này đối với trẻ.
Bác sĩ Sang cho biết, anh nhắc vậy chỉ nhằm mục đích tốt cho trẻ, vậy mà rất nhiều lần bị “dội gáo nước lạnh”. Có người còn khó chịu, nói: “Bác sĩ nói vậy nhưng bác sĩ đã có con đâu mà biết”. Có người phân bua: “Biết là không tốt nhưng trẻ con nó quậy phá ồn ào, lắm lúc không chịu nổi đành phải đưa cho nó cái điện thoại để được yên một lúc”. Với những người bận làm việc thì: “Biết là không tốt nhưng bất đắc dĩ phải cho con cầm điện thoại, vì bố mẹ bận rộn bao nhiêu việc không có thời gian trông”.
Theo bác sĩ Sang, việc bố mẹ cho con sử dụng thiết bị điện tử để có thời gian làm việc, để trẻ không làm ồn ào trong quán, nơi công cộng chỉ là biện pháp tạm thời, vô tình tạo cho trẻ có thói quen xấu, hại sức khỏe.
Bố mẹ đừng tự làm con mắc bệnh do thiết bị điện tử từ câu nói vu vơ
Theo bác sĩ Sang, trẻ sử dụng thiết bị điện tử, xem các chương trình giải trí phù hợp cũng có thể là việc làm tốt, có lợi cho sự phát triển của trẻ nhưng nó đòi hỏi bố mẹ cùng xem một chương trình phù hợp với lứa tuổi của con và cùng trò chuyện với con về chương trình đó. Nhưng nếu bạn để trẻ xem một mình, cho trẻ xem hàng giờ liền hoặc cho xem nội dung không phù hợp với lứa tuổi của trẻ có thể gây hại cho con.
Trẻ sử dụng thiết bị điện tử nếu không đúng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Sang cho biết, có một điểm chung ở các bố mẹ cho con sử dụng thiết bị điện tử là họ thường nói:
- Con hãy nín đi rồi bố/mẹ sẽ cho xem điện thoại.
- Thôi đừng la hét nữa, hãy cầm điện thoại đi ra chỗ khác cho bố mẹ được yên.
- Nếu con ăn hết chén cơm này, mẹ sẽ cho con xem tivi, điện thoại.
Bác sĩ Sang cho rằng, 3 câu nói trên của cha mẹ tưởng rất bình thường nhưng là nguyên nhân làm trẻ dễ bị nghiện thiết bị điện tử. “Có nhiều bé mê điện thoại, nghiện tivi hơn cả bố mẹ”, bác sĩ Sang nói. Cũng vì vậy, tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ, mắc các bệnh về thần kinh, béo phì, nghiện game, internet và mạng xã hội hiện đang ngày một tăng.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng khuyến cáo, nên tắt tất cả các màn hình xung quanh trẻ sơ sinh và trẻ dưới 18 tháng tuổi. Đối với trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên có thể sử dụng thiết bị điện tử một chút, tuy nhiên không nên quá 1 giờ mỗi ngày.
AAP cũng nhấn mạnh rằng, ngoài đưa ra giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử, bố mẹ cũng phải chọn các chương trình và trò chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ, đồng thời tham gia cùng trẻ trong suốt thời gian sử dụng thiết bị thay vì chỉ giao điện thoại cho trẻ sử dụng như một người trông trẻ điện tử.
Theo Thạc sĩ tâm lý Mai Thị Nguyệt, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, cũng cho rằng, “thế giới ảo” rất có thể dần thay thế “cuộc sống thật” và gây ra các vấn đề về sức khỏe, học tập cũng như các vấn đề về trạng thái như: căng thẳng, trầm cảm, lo âu hay rối loạn giấc ngủ cho trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần làm tốt các điều sau để giúp con có tuổi thơ tốt hơn:
- Hãy là một tấm gương trong việc sử dụng và kiểm soát các thiết bị điện tử với con.
- Dành thời gian tìm hiểu, cùng sử dụng, đặc biệt là hướng dẫn con sử dụng và phòng ngừa tác động xấu từ các thiết bị điện tử.
- Dành thời gian quan tâm, nhắc nhở, xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ, để sớm phát hiện những vấn đề khó khăn, căng thẳng, các vấn đề về tâm lý của con nhằm kịp thời hỗ trợ.
Trẻ sử dụng nhiều thiết bị điện tử rất dễ mắc phải các tật khúc xạ. Ảnh minh họa.
- Khi trẻ có các dấu hiệu nghiện thiết bị điện tử, bố mẹ cần phải gần gũi, kiểm soát việc con sử dụng các thiết bị điện tử và nên hướng con tham gia các hoạt động bổ ích như giải trí, thể thao, hoạt động sở thích, hoạt động tập thể ngoài trời để trẻ có thể dần tránh xa các thiết bị điện tử.
- Khi trẻ có các dấu hiệu như ủ rũ, bồn chồn, khó chịu hoặc dễ bị kích thích khi không được dùng điện thoại, sa sút học tập, giảm chất lượng cuộc sống, mất dần các mối quan hệ ý nghĩa,… cần được đi khám và can thiệp các vấn đề về tâm lý.
DIỆU THUẦN