5 món ngon vừa có thể ăn với cơm vừa nhâm nhi rất đã miệng cho cuối tuần

Google News

Món ăn nào cũng dễ nấu, ngon miệng chắc chắn sẽ làm cả nhà thích khi thưởng thức.

1. DẠ DÀY BÒ XÀO DỨA

Chuẩn bị:

600g dạ dày bò, vài tép tỏi, mẩu gừng, 1/2 quả dứa, 1 nắm cần tây, 1 nắm rau răm, dầu ăn, muối, gia vị.

Cách làm:

- Dạ dày bò bóp với muối, giấm, bột mì cho sạch mùi hôi và chất bất rồi rửa lại với nước. Sau đó thái miếng vừa ăn. Khi thái để ý thái ngang thớ để không bị dai.

- Đun nóng dầu ăn trong chảo, phi thơm tỏi và gừng rồi cho dạ dày vào đảo nhanh tay ở lửa lớn. Chỉ đảo khoảng 2 phút, nêm muối hoặc bột nêm cho vừa miệng, thấy dạ dày chuyển màu là cho ra đĩa.

- Vẫn trong chảo đó, cho dứa vào đảo rồi đến rau cần. Khi rau cần hơi tái thì cho dạ dày bò vào xào, thả rau răm vào, nêm nếm lại gia vị.

- Đảo thêm 1-2 phút, dạ dày chín tới thì tắt bếp.

2. NÕN ĐUÔI NHỒI SỤN CHIÊN

Nguyên liệu:

- Nõn đuôi lợn (heo) có một số vùng có tên gọi khác: Một số vùng lại gọi là Khấu linh, khu vực Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,…) lại gọi là Nõn đuôi hay khấu đuôi,...: Cần lượng nõn đuôi dài tổng cộng khoảng 30-35cm (khoảng 300gr)

- Sụn mềm băm nhỏ hoặc xay nhỏ 150-200gr (Lượng sụn này cũng chỉ tương đối vì phụ thuộc vào nõn đuôi to hay nhỏ (nếu nõn đuôi có loại nhỏ thì chỉ cần khoảng 100-150gr).

- Lạc hoặc đỗ xanh đã cà vỏ

- Rau húng quế (còn gọi là húng giổi, húng chó, húng vịt, húng lợn,…): đây là loại rau để tạo mùi vị chủ đạo của món dồi này.

- Rau răm, hành lá, mùi tàu (ngò gai)

- Hành củ, tỏi băm

- Nước mắm, gia vị (hoặc hạt nêm), hạt tiêu xay

Cách làm:

Rửa sạch nõn đuôi bằng dấm hay muối, khi rửa phải bóp thật kỹ, vừa bóp vừa tuốt cho sạch nhớt cả bên ngoài và bên trong.

Các loại rau (húng quế, rau răm, hành lá, mùi tàu) thái nhỏ. Tỏi hành băm nhỏ. Lạc ngâm nước ấm, bóc sạch vỏ rồi băm hoặc xay nhỏ.

Đun sôi nước, nêm chút muối, cho nõn đuôi vào luộc qua. Trộn đều thịt sụn, lạc băm nhỏ, hành củ băm, các loại rau đã thái nhỏ, hạt tiêu, gia vị (mắm, muối).

Luộc qua để nõn đuôi bớt nhớt, bớt hôi và không bị phình không đều khi nhồi. Nếu nõn đuôi tươi, rửa sạch kỹ và nhồi đã có kinh nghiệm thì có thể không cần luộc qua. Đặc biệt nếu bước chế biến sau cùng không rán (chiên) mà nướng thì không cần luộc qua món ăn sẽ thơm hơn.

Buộc một đầu đoạn nõn đuôi, nhồi tất cả thịt đã trộn đều vào thành dồi, lưu ý vừa nhồi vừa vuốt cho đều nhân để món ăn trông tròn đều. Nhồi xong buộc chặt đầu còn lại.

Đun nước với chút muối cho món dồi nõn đuôi đã nhồi vào hấp chín hoặc luộc, khi sôi giảm nhỏ lửa để dồi chín, lưu ý khi luộc hay hấp thỉnh thoảng dùng tăm nhọn xăm lỗ để món dồi không bị phình và bục vỡ. Khi xăm không thấy nước đỏ chảy ra là dồi đã chín.

Nếu sau này không rán mà nướng thì có thể không cần luộc chín mà cho lên nướng ngay món ăn sẽ thơm hơn. Nướng có thể các bạn nướng trong lò điện hoặc nướng trên bếp than hoa. Mình chia sẻ thêm cách chiên món nõn đuôi nhồi cũng là một cách làm nhanh rút ngắn thời gian mà thành phẩm ra vẫn thơm ngon.

Bắc chảo lên bếp, cho mỡ hay dầu ăn đun nóng già, cho dồi nõn đuôi vào rán (chiên) vàng, có thể chiên giòn bên ngoài tùy ý thích.

Món nõn đuôi nhồi sụn thành phẩm có mùi thơm đặc trưng của lá húng quế. Khi ăn thái mỏng, chấm với nước chấm pha mắm, tỏi, tương ớt, nước, dấm (hoặc chanh), hạt tiêu cho có vị chua cay, ngọt.

3. CÁ CHIÊN SỐT CHUA NGỌT

Nguyên liệu:

- Cá chẽm 1 con khoảng 1,2kg – 1,5 kg

- Trứng gà 1 quả

- Bột chiên giòn - tương ớt - dầu hào - mật ong - mứt dâu - hành, tỏi - tiêu - ớt - muối - đường - hạt nêm - nước mắm - dầu ăn...

Cách làm:

Bước 1. Sơ chế cá:

- Cá sau khi mổ đem rửa sạch với rượu và muối, sau đó cắt rời phần đầu cá và thân cá.

- Tiếp theo lọc bỏ phần xương cá ở giữa và 2 bên bụng cá nhưng không làm đứt rời phần thịt cá hai bên ra khỏi đuôi cá.

- Lật mặt thịt bên trong cá ra, dùng dao sắc khứa nhẹ trên thịt cá theo chiều dọc và ngang tạo thành các phần thịt nhỏ hình carô.  Sau đó lật ngược đuôi cá lên trên như hình. Lưu ý: Khi khứa cá cần nhẹ tay, nếu mạnh tay một chút, thịt cá bị đứt sẽ không tạo hình được.

Bước 2. Ướp cá

- Để cá khô và ráo nước rồi ướp vào cá một xíu muối, thoa một lớp trứng lên khắp cá rồi lăn cá qua bột chiên giòn.

Bước 3. Chiên cá

- Dùng một cái chảo to đun sôi nhiều dầu và cho cá vào chiên. Lưu ý: khi cho cá vào phải cố định đầu cá để tạo hình cho cá đẹp mắt. Dầu tốt nhất nên ngập cá để đỡ phải lật làm nát cá.

- Chiên cá lần đầu với lửa vừa, khi cá chín vớt ra để nguội và chiên tiếp lần nữa với lửa to để giữ độ giòn cho cá. Sau đó nhẹ nhàng vớt cá ra đĩa.

Bước 4. Làm nước sốt

- Phi thơm hành, tỏi, cho vào ½ muỗng canh rượu, 1 muỗng canh tương cà, ½ muỗng canh mật ong, ½ muỗng canh đường, ½ muỗng canh nướng mắm, ½ muỗng canh dầu hào, 1 muỗng cà phê mứt dâu, 1 bát nước lọc, 1 muỗng canh giấm trắng, 1 ít bột năng để tạo độ sánh. Đun sôi, nêm lại cho vừa khẩu vị thì tắt bếp.

Bước 5. Thưởng thức

Xếp cá ra đĩa, trang trí thêm rau cho bắt mắt, rưới nước sốt lên cá, thêm 1 ít rau thì là và thưởng thúc thôi. Cá chín, giòn và thơm, tạo hình cá cứng cáp, không bị vỡ, nước sốt có độ sánh vừa phải và vừa ăn theo khẩu vị mỗi người.

4. LÒNG NON NƯỚNG

Nguyên liệu

- Lòng non: 0.5kg

- Ngũ vị hương: 1 gói

- Rau thơm, 1 mẩu gừng, 1-2 quả chanh

- Dụng cụ làm lòng nướng

- Xiên che, than hoa để nướng

Cách làm:

- Lòng bóp rửa sạch với chanh và muối. Luộc lòng trong nước sôi có chút gừng và muối, chỉ luộc từ 1-2 phút.

- Sau đó lấy ra rửa lại với nước, cắt miếng vừa ăn rồi rửa lại lần nữa cho ráo.

- Ướp lòng với 1/2 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm, xíu ngũ vị hương, sa tế, dầu hào vừa đủ, 1/2 muỗng canh nước mắm, tiêu, hành tỏi. Trộn đều tất cả, ướp trong 30 phút.

- Nước mắm hoặc mắm nêm đều được.

- Làm nước chấm bằng nước mắm: 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước sôi để nguội, 1 muỗng nước mắm nấu cho sôi nhẹ, tắt bếp để nguội, khi ăn cho gừng tỏi băm nhỏ, thêm lá chanh (tùy thích).

- Nhóm bếp than hoa lên, sau đó xiên lòng và que xiên, cho lên nướng chín. Thỉnh thoảng lật để lòng chín đều, không bị cháy.

Ăn lòng khi đang còn nóng với nước chấm và rau sống. 

5. VỊT HẤP SẢ MUỐI TIÊU

- Vịt làm sạch, rửa với gừng và giấm cho hết hôi

- Ướp vịt với muối trắng và tiêu rang lên cho thơm + sả + gừng + hành + gia vị. Có thể cho thêm 1 ít rễ mùi, lá chanh và vỏ chanh vàng giúp vịt thơm hơn (không có bỏ qua).

- Hấp vịt 30-40 phút tuỳ kích thước vịt.

- Hấp 40 phút thịt vịt chín vừa tới, mềm ngọt bằng nồi chiên hơi nước. Nếu không có bạn dùng cách hấp như bình thường.

- Pha nước chấm vịt: 2 mắm + 1 chanh + 2 nước + 1 đường + tỏi băm + ớt băm.

Chúc các bạn thành công!

MINH NGỌC