Mẹ uất hận vì bỏ con, nhớ mãi câu nói trước ngày ly biệt
Chỉ sau vài giờ đăng tải đoạn video tìm kiếm người thân cho bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (54 tuổi, sống tại Gia Lai), kênh Tuấn Vỹ kết nối yêu thương đã liên lạc được với cô con gái của bà Ngọc, người đã mất liên lạc từ 23 năm trước.
Kể về quá khứ, bà Ngọc cho biết vào khoảng năm 2000, bà làm nông, thường xuyên vào rẫy cà phê để thu hoạch. Lúc bấy giờ, bà có hai người con là Anh Tuấn và Trà My. Cuộc sống mưu sinh vất vả, chồng thì bỏ đi, một mình bà gồng gánh nuôi hai con.
Bà Ngọc và tấm hình hiếm hoi chụp chung cùng con gái trước ngày chia ly. Bà kể có những đêm dài trằn trọc không ngủ được, chỉ vì nhớ con, lo lắng không biết con gái đang sống thế nào.
Sau đó, bà quyết định tái hôn với hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, tìm chỗ dựa vững chắc cho ba mẹ con. Song, do bất đồng về quan điểm, hai vợ chồng thường xuyên cãi vã. Con cái phải chịu những trận đòn roi vô cớ. Từ đó, bà Ngọc quyết định gửi con trai lớn cho ông bà ngoại, còn con gái nhỏ Trà My, bà cõng trên lưng, đi lang thang khắp chốn để mưu sinh.
“Tôi đi đâu cũng dắt My theo bên mình. Tôi lên rẫy cà phê, con gái cũng theo. Có những ngày phải lội bộ gần 30 km để kiếm tiền, hai mẹ con lay lắt sống qua ngày” - bà Ngọc bộc bạch. Thế nhưng, đến năm con gái vừa lên 7 tuổi, do hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền mua thuốc, bà Ngọc quyết định gửi My cho gia đình người đồng bào để nuôi dưỡng.
Bà Ngọc kể lại: “Tôi chỉ nhớ khu vực đó nằm ở buôn làng nhỏ, cạnh sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Tôi nói dối con gái, kêu con cứ ở đây chơi, một xíu mẹ quay lại đón con về”. Từ đó, bà Ngọc ngoảnh mặt bỏ đi, cắt đứt liên lạc với con gái.
Nhìn lại hành động và suy nghĩ năm xưa, bà Ngọc cho biết bản thân hối hận rất nhiều. Nếu lúc đó bà vẫn giữ cô con gái, tiếp tục cố gắng mưu sinh, thì giờ đây cả hai đã có cuộc sống hạnh phúc, đoàn tụ bên nhau. Sau hơn 20 năm, bà Ngọc quyết định tìm cách liên lạc với con gái.
Con gái may mắn gặp ân nhân cưu mang hơn 20 năm
Gia đình ông Y Ten (59 tuổi) - người dân tộc Ê Đê cùng vợ đã nhận nuôi Trà My từ 23 năm trước. Hiện tại, gia đình nhỏ sống trong buôn Bầu ở khu vực sông Hinh, đúng như lời bà Ngọc miêu tả.
Trong căn nhà sàn truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ông Y Ten đang sinh hoạt cùng nhau. Khi nghe tin mẹ ruột của My đang tìm kiếm, muốn liên lạc với cô con gái năm xưa, ông Y Ten và vợ vui mừng rạng rỡ.
Khi được nhắc về chuyện cũ, ông Y Ten nhớ lại: “Lúc đó, nhận con gái khoảng 7 tuổi, nó khóc rất nhiều. Vợ chồng tôi chạy ra chợ mua sữa, mua bánh dỗ dành thì mới nín khóc”.
Hơn 20 năm qua, ông Y Ten xem chị My như con ruột trong gia đình. Đến tuổi trường thành, chị My được ba mẹ nuôi chăm lo chuyện gia đình, kết hôn và đã có 3 đứa con kháu khỉnh. Công việc của chị My là làm nông dân, trồng và thu hoạch khoai mì trên mảnh đất của gia đình chồng.
Trong giây phút xúc động, bà Ngọc không kiềm được nước mắt khi trò chuyện cùng My và người cưu mang con gái của mình. Bà thừa nhận lỗi sai năm xưa đã khiến cuộc sống của con gái bị đảo lộn.
Cuộc sống của chị My và gia đình ba mẹ nuôi gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế thiếu thốn, nhà lại nằm ở khu vực vùng sâu vùng xa. Bà con trong khu vực này nếu muốn đi học cũng phải di chuyển hơn 5km để đến thị trấn. Vì thế, từ thuở nhỏ chị My chỉ học đến lớp 3, sau đó ở nhà phụ giúp gia đình. Chị còn đi chăn bò, làm rẫy phụ ba mẹ nuôi để có thu nhập, trang trải cuộc sống.
Đến nay, khi biết tin mẹ ruột tìm lại mình sau hơn 20 năm xa cách, chị My vừa mừng, vừa lo. Bởi lẽ, trong trí nhớ của cô gái năm nay bước sang tuổi 30 đa phần là hình ảnh của gia đình ba mẹ nuôi, buôn làng và cuộc sống đầy vất vả, khổ cực mà My đã đối diện trong hàng chục năm qua.
Trò chuyện qua màn hình điện thoại với con gái thất lạc, bà Ngọc không giấu được nỗi xúc động. “Mẹ sợ con nhớ chuyện năm xưa, sẽ hận mẹ rất nhiều. Thế nhưng, bây giờ con nhận ra mẹ thật sự trong lòng mẹ vui, không từ nào diễn tả được” - bà Ngọc vừa khóc, vừa nói.
Đối với chị My, dù đã nhiều năm không được kề cận, sống trong vòng tay chăm sóc của mẹ nhưng bản thân chị không hờn giận, trách móc, chị cứ nghĩ mẹ ruột đã qua đời. Tuy nhiên, khi được kết nối với mẹ sau thời gian dài mất liên lạc, chị cũng rất vui vì mẹ còn sống tốt cùng chị em, họ hàng.
Trong đôi mắt của chị My, đâu đó vẫn chất chứa nỗi buồn lòng. Sau khi tâm sự với mẹ, chị My tiết lộ khi sống với gia đình ba mẹ nuôi, một số người xung quanh lời ra tiếng vào về xuất thân của chị. Song, chị My đều bỏ ngoài tai và tập trung phụng dưỡng ba mẹ nuôi đã cưu mang mình: “Ba mẹ nuôi của mình cũng lớn tuổi nên cần phải được chăm sóc. Từ đó, mình tự cố gắng làm việc, trồng khoai kiếm tiền lo cho ba mẹ, người đã nuôi dưỡng mình trong thời gian qua”.
Con gái bà Ngọc năm nay đã 30 tuổi, trong trí nhớ của cô gái trẻ là những hình ảnh đau lòng về chuyện gia đình tan vỡ. Hiện tại, cô đã quen với nhịp sống của người Ê Đê, tuy không biết viết chữ nhưng cô có thể giao tiếng bằng tiếng địa phương với ba mẹ hay những người trong buôn.
Chị My liên tục hỏi han, quan tâm đến cuộc sống hiện tại của mẹ. Tuy nhiên, giờ đây chị My đã lập gia đình và có 3 con nhỏ, kinh tế khó khăn nên chị tập trung lao động nên khó sắp xếp thời gian về quê thăm mẹ. Bà Ngọc cho biết sắp tới sẽ sắp xếp thời gian đến thăm nhà của chị My và gia đình. Bà mong muốn sẽ có cơ hội trò chuyện, trực tiếp gửi lời cảm ơn đến ân nhân đã cưu mang con gái suốt hơn 20 năm qua.
Nguồn: Tuấn Vỹ kết nối yêu thương.
TẤN PHƯỚC