Ngành công nghệ bán dẫn
Ngành chip bán dẫn hay còn gọi là ngành công nghệ bán dẫn, là một lĩnh vực trong công nghiệp chuyên sản xuất và phát triển các thành phần điện tử dựa trên tinh thể bán dẫn (semiconductor) - loại vật liệu có thể điều khiển dòng điện. Đây là một trong những ngành công nghiệp quan trọng và phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, từ điện thoại thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến việc áp dụng Internet vạn vật (IoT), 5G hoặc lĩnh vực ô tô…
Ngành công nghệ bán dẫn rất có tương lai ở thị trường Việt Nam nhưng theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, hiện nay Việt Nam chỉ cung cấp được 20% nhu cầu nhân lực. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó số lượng kỹ sư về thiết kế vi mạch cần thêm 12.000-15.000 kỹ sư.
Nhân lực ngành này mới ra trường có thu nhập sau thuế mỗi năm gần 220 triệu đồng, với những người có kinh nghiệm lâu năm lên đến 1,5 tỷ đồng. Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM là những trường đi đầu về giảng dạy ngành công nghệ bán dẫn.
Ngành Trung Quốc học
Trung Quốc hiện là quốc gia có số dân đông nhất và được đánh giá là một siêu cường kinh tế có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Vì vậy, Trung Quốc học trở thành một ngành đầy tiềm năng đối với các bạn trẻ tại Việt Nam.
Ngành học này cung cấp đầy đủ các kiến thức về đất nước, bao gồm ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, địa lý, lịch sử, chính trị, nghệ thuật, xã hội của đất nước Trung Quốc. Nói cách khác, ngành Trung Quốc học giúp người học hiểu sâu về con người Trung Quốc để có thể chung sống, hợp tác và cùng phát triển.
Đặc biệt, bên cạnh nhu cầu tuyển dụng các vị trí chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Trung như biên dịch, phiên dịch, giáo viên… nhiều doanh nghiệp còn cần tuyển những vị trí vừa biết tiếng Trung vừa có chuyên môn cho các vị trí như trợ lý tổng giám đốc, trợ lý sản xuất, trợ lý kinh doanh hay nhân viên kinh doanh, hành chính nhân sự, kỹ sư, kế toán, nhân viên thiết kế…
Học viện Ngoại giao, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM,... là những trường đào tạo chuyên ngành này.
Ngành Công nghệ sinh học
Công nghệ sinh học là những ngành học mà thị trường lao động cần rất nhiều nhân lực. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, thực phẩm. Dù tên gọi không hot như các ngành thời thượng nhưng nếu người học tạo được giá trị thì vẫn rất thành công.
Tại Việt Nam, ngành Công nghệ sinh học cũng nằm trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ từ nay cho đến năm 2030, nhằm ứng dụng vào các lĩnh vực như y dược, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ sinh viên trong chăm sóc sức khoẻ để chẩn đoán, điều trị các bệnh nguy hiểm, bệnh mới, ứng dụng công nghệ tế bào gốc; sản xuất vắc-xin, dược phẩm; tạo ra các sản phẩm sinh học phục vụ trong chế biến thực phẩm, chăn nuôi,…; tạo các giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ hải sản có năng xuất, chất lượng và giá trị cao.
Sau khi tốt nghiệp ngành này, sinh viên có cơ hội được làm các công việc: Kỹ thuật viên xét nghiệm – Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, Giáo viên dạy môn Sinh học, Chuyên viên quản lý Khoa học và Công nghệ, Kinh doanh hóa chất và thiết bị vật tư Công nghệ sinh học...
Ngành Kỹ thuật phần mềm
Ngành Kỹ thuật phần mềm (Software Engineering) là lĩnh vực khoa học kỹ thuật liên quan đến việc thiết kế, phát triển và bảo trì các ứng dụng phần mềm. Nó bao gồm phân tích yêu cầu, quản lý dự án, kiểm thử và triển khai, phát triển sản phẩm. Trong ngành này, người ta sử dụng các phương pháp và công nghệ để tạo ra sản phẩm phần mềm có tính ứng dụng, chất lượng cao.
Trong khi đó, báo cáo Thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin của VietnamWorks chỉ ra, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành Công nghệ thông tin đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua. Riêng nhóm ngành Kỹ thuật phần mềm chiếm hơn 50% và có ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành Công nghệ thông tin. Qua đó cho thấy rõ tiềm năng và cơ hội việc làm của ngành học này.
Vì ngành kỹ thuật phần mềm đang là ngành rất "hot" hiện nay nên ngày càng có nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành này. Tiêu biểu phải kể đến các trường: Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM; Đại học Kinh tế TP.HCM; Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM; Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Hoa Sen; Đại học Công nghiệp TP.HCM & Hà Nội…
Digital Marketing
Digital Marketing trở thành ngành học hấp dẫn khi là lĩnh vực có tốc độ biến đổi liên tục, môi trường làm việc năng động, sáng tạo với mức thu nhập hấp dẫn và cực "khát" nguồn nhân lực.
Digital Marketing chính là những hoạt động Marketing được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số (như: Email, Website, Facebook,Tiktok...) thay vì những phương thức truyền thống như trước kia. Thông qua những nền tảng kỹ thuật số, các chuyên gia Marketing sẽ xây dựng và củng cố hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp.
Thống kê trực tuyến trên website việc làm của Vietnamworks.com cũng cho thấy, 49% bản tin tuyển dụng ở Việt Nam hiện nay dành cho những vị trí thuộc lĩnh vực Marketing, trong đó có Digital Marketing và có đến 30% vị trí quản lý doanh nghiệp cấp cao được nắm giữ bởi người từng ở các vị trí khác nhau thuộc ngành này.
Hiện nay, tại Hà Nội có một số trường đào tạo Digital Marketing uy tín, gồm: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông...
H.A