5 thói quen tưởng vô hại nhưng cực nguy hiểm cho sức khoẻ, người tiết kiệm thường hay mắc phải

Google News

Chọn thực phẩm không có nhãn mác, dùng chung dụng cụ ăn uống, hâm thức ăn nhiều lần... là những thói quen nhiều người hay mắc phải, nhất là các bà nội trợ muốn tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Những thói quen ăn uống thường ngày tưởng chừng vô hại có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. (Ảnh minh họa).

Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, chi phí sinh hoạt ngày càng cao, tiết kiệm là một thói quen tích cực giúp chúng ta quản lý tài chính tốt hơn và tránh lãng phí. Tuy nhiên, tiết kiệm không đúng cách, đặc biệt khi liên quan đến thực phẩm, ăn uống có thể mang đến nhiều rủi ro cho sức khỏe. Rất nhiều người vì thói quen hoặc muốn tối ưu hóa chi tiêu đã vô tình bỏ qua các nguyên tắc an toàn thực phẩm, dẫn đến nguy cơ ngộ độc và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe gia đình.

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng xảy ra khi chúng ta ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn, vi sinh vật có hại hoặc chứa hóa chất độc hại gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng,... Trong một số trường hợp nghiêm trọng, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến suy giảm chức năng cơ thể hoặc thậm chí tử vong. 

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm.

Dưới đây là 5 hành vi tiết kiệm trong bếp tưởng bình thường nhưng lại ẩn chứa nhiều mối nguy hại cho sức khỏe:

1. Sử dụng thực phẩm không ghi hạn sử dụng

Không có hạn sử dụng rõ ràng, chúng ta khó biết được thực phẩm đã hết hạn hay chưa, dễ dẫn đến việc sử dụng đồ ăn đã bị hỏng và chứa vi khuẩn, nấm mốc gây hại. 

Bên cạnh đó, thực phẩm không rõ nguồn gốc thường không được kiểm định chất lượng, nguy cơ cao không được bảo quản đúng cách, có thể bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng hoặc chứa các hóa chất độc hại vượt mức cho phép. Vì vậy, mặc dù việc mua thực phẩm giá rẻ có thể giúp tiết kiệm chi phí, nhưng cũng dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: đau bụng, tiêu chảy và thậm chí là ngộ độc cấp tính cần phải cấp cứu.

2. Dùng chung dụng cụ ăn uống

Ngay cả các thành viên trong gia đình cũng có quan niệm khác nhau về thói quen vệ sinh cá nhân và thực hiện mức độ vệ sinh khác nhau, điều này ảnh hưởng đến số lượng vi khuẩn trong khoang miệng. Do đó, việc dùng chung dụng cụ ăn uống có thể khiến vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác có thể dễ dàng truyền từ người này sang người khác qua nước bọt, thức ăn hoặc bề mặt tiếp xúc. 

Chẳng hạn, khi nhiều người cùng dùng chung một chiếc đũa, muỗng hoặc bát, vi khuẩn từ miệng và thực phẩm có thể bám vào dụng cụ, lây nhiễm qua lần sử dụng kế tiếp.

Dùng chung dụng cụ ăn uống có thể khiến vi khuẩn lây lan từ người sang người. (Ảnh minh họa).

3. Hâm đi hâm lại thức ăn

Để tiết kiệm, không ít người chọn giữ lại đồ ăn thừa, để qua đêm, sau đó thâm lại và sử dụng vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, thức ăn thừa khi bảo quản không đúng cách dễ bị nhiễm vi khuẩn như: Salmonella, E. coli, và Listeria - các vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến.

Đặc biệt, thực phẩm như: cơm, thịt hoặc rau củ nấu chín nếu để ngoài nhiệt độ phòng quá 2 tiếng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ. Việc sử dụng thức ăn bằng cách hâm lại nhiều lần không chỉ khiến chất lượng món ăn giảm mà còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao.

4. Trữ đồ ăn đầy tủ lạnh

Cuộc sống quá bận rộn khiến nhiều gia đình có thói quen mua thực phẩm với số lượng lớn, đặc biệt là các loại thực phẩm đông lạnh hoặc đồ hộp, để dự trữ cho nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần. 

Tuy nhiên, thời gian bảo quản thực phẩm quá lâu khiến nhiều loại thực phẩm dù còn trong hạn sử dụng nhưng đã mất đi một số chất dinh dưỡng quan trọng hoặc dễ bị oxy hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Thực phẩm đông lạnh, khi để lâu, có thể bị biến đổi chất hoặc thậm chí nhiễm vi khuẩn do sự thay đổi nhiệt độ trong tủ đông. Việc tiêu thụ những loại thực phẩm này không chỉ làm giảm giá trị dinh dưỡng mà còn tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Tủ lạnh chứa quá nhiều đồ ăn là môi trường thuận lợi cho vị khuẩn phát triển. (Ảnh minh họa).

5. Đậy thức ăn qua loa

Che, đậy thức ăn bằng các vật dụng như: dĩa, giấy báo hay màng bọc thực phẩm,… có thể khiến thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn và nấm mốc từ môi trường xung quanh, đặc biệt trong điều kiện ẩm. Bụi bẩn, côn trùng, hơi nước tích tụ làm giảm chất lượng cũng như gây hại cho sức khỏe.

Ngoài ra, một số thực phẩm như thịt cá tươi cần được bảo quản ở ngăn đông, rau củ cần để ở ngăn mát để giữ được độ tươi ngon và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Nếu không bảo quản đúng cách, thực phẩm dễ bị hỏng, mất dinh dưỡng, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc.

AN THANH