7 món siêu ngon lại dễ làm cho bữa cơm ngày Tất niên thêm ấm áp

Google News

Cả nhà được quây quần bên những món ăn vừa ngon lại nóng hổi này vào dịp Tất niên thì còn gì bằng.

1. BA CHỈ CUỘN MẮC MẬT NƯỚNG

Nguyên liệu:

- 1 miếng thịt ba chỉ nguyên tảng

- Lá mắc mật

- Gia vị ướp thịt: tỏi, hành, ớt, dầu hào, hạt nêm, muối, mắm, tiêu. Tất cả giã nhuyễn.

- Hỗn hợp quét bì: nước cốt chanh, giấm, muối.

- Đồ chua ăn kèm

- Muối, tiêu ớt bột trộn đều để chấm thịt.

Cách làm:

- Chần miếng ba chỉ qua nước sôi (nước đun với gừng và muối) tầm 5-7 phút. Sau đó vớt ra để ráo, lau khô bề mặt bì.

- Dùng xiên nhọn đâm nhẹ hết mặt bì, tiếp tục quét hỗn hợp nước cốt chanh, giấm, muối lên.

Rắc một lớp muối khắp bề mặt và cho vào nồi chiên không dầu sấy ở nhiệt độ 80-100 độ trong vòng 20 phút để bề mặt bì khô lại và ngấm hỗn hợp quét.

- Lấy ra cạo lớp muối bên trên cho sạch. Lau khô.

- Ướp phần thịt với gia vị đã giã nhuyễn, xếp lá mắc mật lên trên. Cuộn phần ba chỉ này lại, dùng dây cột cố định, xiên que phụ kiện của nồi chiên không dầu.

- Lau sạch bề mặt bì, tiếp tục quét hỗn hợp muối chanh giấm một lần nữa.

- Cho cuộn thịt vào nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 200 độ C trong 20 phút. Sau đó nướng thêm 10 phút ở nhiệt 220 độ C để bì nổ đều vàng giòn.

Sau đó chỉ cần cho thịt ba chỉ cuộn lá mắc mật nước ra, thái miếng vừa ăn. Thịt nướng thơm mùi lá mắc mật, có vị ngọt từ nhiên, bì giòn vô cùng hấp dẫn. Món này chấm tương ớt hoặc nước mắm chua ngọt đều thích hợp.

2. CÁ NƯỚNG LÁ CHUỐI

Nguyên liệu:

- 500g cá rô phi phi lê

- 5-7 củ sả; 2 củ hành

- 1 củ tỏi; 1 nhánh gừng; 2 quả ớt hiểm

- Gia vị: Dầu hào, dầu ăn, bột nghệ, bột canh, bột nêm.

- Khế, chuối xanh, rau thơm ăn kèm

- Nem cuốn

- Lá chuối (nếu ở thành phố, bạn có thể tìm mua ở các hàng bán các loại rau thập cẩm)

Cách làm:

Cá phi lê sau khi làm sạch dùng khăn thấm khô và cắt làm 2-3 miếng cỡ vừa (không nên cắt bé vì cá sẽ bị nát).

Sả, hành, tỏi bóc lớp vỏ ngoài, cắt sả thành miếng nhỏ rồi cho vào xay nhuyễn cùng với ớt hiểm.

Đổ hỗn hợp vừa xay ra bát trộn cùng với 2 thìa dầu hào, 2 thìa dầu ăn, 1 thìa bột nêm, 1 thìa hạt tiêu, 1 thìa bột canh, 1 ít gừng thái chỉ. Trộn đều thành khối đồng nhất.

Cho phần hỗn hợp này vào cá, sát phần gia vị đều lên cá và ướp cá khoảng 30 phút trước khi nướng.

Lá chuối rửa sạch, lau khô. Đặt cá vào giữa rồi gấp lại.

Xếp cá nướng vào vỉ và nướng (bạn có thể nướng bằng lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C). Khi thấy lớp lá chuối ngoài khô, giòn, có mùi thơm là cá chín.

Cá chín, xếp ra đĩa ăn kèm với bún chấm mắm gừng chua ngọt.

3. SƯỜN NƯỚNG

Nguyên liệu:

- 0.5kg sườn thăn

- Gia vị: 1 muỗng canh đường, 2/3 muỗng canh sa tế, 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng canh dầu hào; 1 ít nước tương, 2/3 muỗng canh nước mắm, ít ớt khô, hành tỏi băm nhỏ

Lưu ý cách chọn sườn: Sườn nên chọn các khúc non, mềm sẽ ngon hơn

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế sườn

- Sườn chặt khúc vừa ăn, rồi rửa sạch với muối và nước chanh, để ráo.

Bước 2: Cách ướp sườn

- Ướp sườn với 1 muỗng canh đường, 2/3 muỗng canh sa tế, 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng canh dầu hào; 1 ít nước tương, 2/3 muỗng canh nước mắm, ít ớt khô, hành tỏi băm nhỏ.

- Thêm ít dầu ăn, trộn đều lần nữa cho ngấm gia vị. Ướp sườn từ 1-2 tiếng hoặc lâu hơn trong ngăn mát tủ lạnh.

Bước 3: Cách nướng sườn

- Sau khi ướp sườn vài tiếng thì đem sườn nướng trong lò hoặc bếp than.

- Nếu nướng trên bếp than, dùng cọ hoặc muống phết nước ướp lên đều hai mặt sườn cho đỡ khô và thấm gia vị. Khi sườn chín sém vàng hai mặt là được.

- Cách ướp này bạn có thể áp dụng ướp thịt nướng.

Thưởng thức:

Sườn nướng sa tế thưởng thức với cơm hoặc bún đều rất ngon. Hợp với những bữa cơm ngày lễ hoặc nhà có khách.

4. TÔM NƯỚNG PHÔ MAI

Nguyên liệu:

- Tôm càng xanh (hoặc tôm sú...).

Sốt phô mai:

- Phô mai con bò: 5 miếng.

- Mayonnaise : 120gr.

- Bơ lạt: 10gr.

- Tỏi: 10gr

- 1 muỗng cà phê hạt nêm: 1 muỗng cà phê (không cho cũng đc nha, nhà mình ăn hơi mặn nên cho thêm)

- 1 cái lòng đỏ trứng

- Lượng phô mai Mozzarella: tuỳ thích.

Cách làm tôm nướng phô mai:

- Tôm đem rửa sạch cắt bỏ càng và chân, chẻ phần đầu và thân.

- Cho tất cả các nguyên liệu từ phô mai, mayonnaise, bơ lạt, tỏi, hạt nêm, 1 cái lòng đỏ trứng (trừ phô mai mozzarella) vào. 

- Dùng tay tách phần thịt ở lưng tôm bị rạch ra, lấy thìa xúc sốt phô mai cho vào phần thịt ở lưng tôm.

- Làm lần lượt cho đến khi hết nguyên liệu. Xếp tôm lên khay nướng sau đó chuẩn bị nướng.

- Cho tôm vào nồi chiên không dầu, nướng lần 1 ở nhiệt độ 180 độ C trong 15 phút. Sau đó, lấy ra, rắc phô mai mozzarella và nướng tiếp lần 2 ở nhiệt độ 200 độ C trong 5 phút để mozzarella chảy và sém mặt nữa là được.

Tôm nướng phô mai thơm nức, nóng hổi, béo ngậy sẽ khiến mâm cơm Tất niên thêm ngon và hấp dẫn. Chúc các bạn thành công!

5. GÀ NƯỚNG HẠT DỔI, MẮC KHÉN

Đây là kiểu ướp đặc sản của vùng núi Tây Bắc, vừa thơm ngon vừa lạ miệng.

Chuẩn bị nguyên liệu

- Gà ri (giống gà này mềm thịt, hợp với các món nướng) 1/2 con

- Hạt mắc khén khoảng 1 thìa café

- Hạt dổi: 7 hạt

- Hành, sả, gừng, lá chanh, ớt tươi

- Gia vị khác: mật ong, dầu mè, dầu hào, muối hạt

Cách chế biến

- Rửa sạch gà, để ráo nước

- Hạt dổi, hạt mắc khén nướng thơm. Bọc giấy bạc, cho vào nồi chiên 200 độ C, 5 phút, sau đó lấy ra giã nhỏ, trừ lại 2 hạt dổi để làm muối chấm.

- Muối hạt cũng bọc giấy bạc cho vào nồi chiên, 200 độ 3 phút, giã nhỏ. 1 phần để ướp gà, 1 phần nhỏ để làm gia vị chấm.

- Lá chanh thái sợi. Hành, sả, gừng, ớt cho vào máy sinh tố xay nhỏ.

- Trộn đều hỗn hợp vừa xay, cho hạt dổi, mắc khén, lá chanh vào. Cho mật ong, dầu hào, bột canh, xíu dầu mè cho thơm (mỗi thứ một ít). Sau đó xoa đều mặt trong và ngoài của gà, ướp khoảng 2 tiếng. Trong khoảng thời gian đó, nếu rảnh, 30 phút cứ trở đều và xát đi xát lại 2 mặt thịt gà cho ngấm gia vị.

- Lót giấy bạc, cho gà vào (nhớ gạt bớt hỗn hợp ướp để đỡ bị cháy). Chiên dần từ nhiệt độ thấp - thời gian dài cho gà chín đều trong ra ngoài, sau đó chiên nhiệt lớn cho gà ruộm vàng và giòn.

Lần 1: chiên 125 độ 20 phút

Lần 2: lật mặt chiên 130 độ 15 phút. Kiểm tra xem gà chín chưa, còn chảy nước màu hồng không. Con gà của mình là giống gà ri nên tương đối bé, và nhanh chín.

Lần cuối: 190 độ 7-10 phút để gà ruộm vàng và giòn là được.

- Gia vị chấm: trộn ít muối rang giã nhỏ cùng hạt dổi giã nhỏ + lá chanh băm nhỏ + vắt chanh. Nhưng gà ướp kiểu này tương đối vừa miệng nên không cần làm gia vị quá nhiều.

6.  BA CHỈ QUAY

Thịt lợn mua miếng to, thịt chia làm nhiều lớp cho ngon. 

Thịt trụng nguyên phần bì vào nước sôi 2 phút, sau đó lau khô, khứa vài đường trên bì, dùng máy sấy tóc khò cho khô bì.

Lót 1 lớp giấy bạc, trải lá móc mật ra. Sau đó đặt úp thịt lên trên lá móc mật.

Bọc giấy bạc xung quanh, giấy bạc cao hơn mặt bì.

Phủ kín muối hạt to. Cho vào nồi chiên không dầu 200 độ C trong 30 phút.

Sau 30 phút muối đã đóng tảng như thế này.

Gỡ hết muối đi. Lúc này sẽ còn nhiều muối thừa trên thịt dễ bị mặn. Có 1 cách để muối đi hết, đó là dùng máy sấy tóc ấy bật chế độ gió to nhất thổi bay hết muối đi.

Muối đã sạch, lá móc mật vẫn để ở dưới, lại bọc thịt lại bằng tờ giấy bạc khác cho sạch. Cho vào nồi chiên không dầu ở 200 độ C trong 40 phút. Bạn nào dùng nồi chiên không dầu truyền thống tuyệt đối lúc đang nổ bì không được mở nồi nhé sẽ làm giảm nhiệt bì không nổ được. Còn nế dùng nồi chiên không dầu có nắp kính, ngắm bì nổ cũng vui mắt.

Hết thời gian, bì nổ xong trông vô cùng đẹp mắt. Khi ăn chặt miếng vừa miệng.

Pha nước chấm xì dầu tỏi ớt chấm thịt quay: Băm nhỏ tỏi và ớt. Cho xì dầu ra bát (mình sử dụng xì dầu càng cua mua siêu thị). Sau đó thêm đường và nước chanh nếm thấy ngon thì thôi. Cuối cùng là thêm tỏi, ớt băm vào khuấy đều.

7. CÁ NƯỚNG SA TẾ

Nguyên liệu:

- 1 con cá chép (con cá nặng 1.5kg).

- Hỗn hợp sốt: 2 thìa dầu hào - 1 thìa tương ớt - 2 thìa nước - 1 thìa dầu ăn - 1 thìa đường - 2 thìa sa tế tôm - 2 củ hành khô, 1 củ tỏi, 1 củ sả.

Cách làm:

- Cá mổ và rửa sạch sau đó thấm khô. Dùng dao khía vài đường lên hai mặt cá.

- Băm nhỏ hành, tỏi, sả.

- Phi thơm dầu ăn + hành, tỏi, sả.

- Cho các nguyên liệu chuẩn bị cho sốt còn lại vào nồi. Đun sôi tới khi hỗn hợp sánh quyện.

- Rưới nước sốt lên 2 mặt cá. Dùng cọ phết đều rồi ướp cá 30 phút để cá ngấm gia vị.

- Nướng lần 1: 20 phút - 180 độ C. Sau đó, lấy cá ra, phết thêm lớp sốt lần nữa.

- Nướng lần 2: 10 - 15 phút mỗi mặt cá.

Lưu ý: Mỗi nồi có công suất khác nhau, vì thế tùy theo nồi nhà mình, các bạn hãy nướng sao cho thời gian phù hợp nhé!

- Sau khi nướng có thể rưới thêm chút dầu hành lên thân cá nếu muốn ngậy hơn và đẹp mắt hơn.

Cá nướng ăn cuốn cùng bún và các loại rau gia vị rất ngon!

MINH NGỌC