Chủng cúm khiến 4 người ở Bình Định tử vong có thật sự nguy hiểm? Dấu hiệu nào để nhận biết và phòng bệnh?

Google News

Chủng cúm A/H1N1 đã khiến nhiều người mắc, trong đó có tới 4 trường hợp tử vong trong thời gian gần đây. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin về chủng cúm này cũng như các dấu hiệu để nhận biết và phòng ngừa.

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, tính đến 20/11, tỉnh này đã ghi nhận 842 trường hợp mắc cúm và giám sát 22 trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus. Đặc biệt, có 9 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1pdm, trong đó 4 trường hợp tại thành phố Quy Nhơn, 3 tại huyện Phù Mỹ, 1 tại thị xã An Nhơn và 1 tại huyện Vĩnh Thạnh. Đáng chú ý, đã có 4 trường hợp tử vong tại huyện Phù Mỹ và Vĩnh Thạnh. Trước tình hình này, ngày 25/11, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã ra văn bản khẩn yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường phòng, chống dịch cúm A/H1N1pdm.

Cúm A/H1N1pdm là gì?

Cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính thuộc dạng cúm theo mùa do chủng virus cúm A/H1N1 (tên khoa học virus pdm09 (A)) gây ra. Tên gọi phân nhóm H1N1 là liên quan đến loại protein kháng nguyên trên vỏ virus: protein hemagglutinin nhóm 1 (H1) và neuraminidase nhóm 1 (N1).

Virus H1N1pdm (pandemic) được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009. Trên thực tế, các chủng virus cúm A hiện được xem là cúm mùa, lưu hành thường niên trong cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, rải rác các địa phương ghi nhận ca nhiễm hoặc tử vong do cúm A.

Bệnh lây lan như thế nào?

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh cúm mùa do chủng cúm A/H1N1 (còn gọi là chủng cúm lợn) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng nên dễ thành dịch trong cộng đồng.

Cúm A/H1N1 rất dễ lây lan qua dịch tiết, vì thế có nguy cơ bùng phát thành dịch. Ảnh minh họa. 

Người mắc cúm A/H1N1 có thể do nguyên nhân sau:

- Do hít phải không khí có chứa dịch tiết của người nhiễm bệnh khi sổ mũi, ho, hắt hơi.

- Tiếp xúc gián tiếp: khi chạm tay vào đồ vật có chứa virus A/H1N1 như mặt bàn, ly uống nước, khăn tắm, bàn chải đánh răng… rồi đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi, miệng, virus sẽ theo đường hô hấp xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh cúm.

- Tiếp xúc trực tiếp: người bị nhiễm cúm A/H1N1 có khả năng lây bệnh cho người xung quanh trong vòng 7 ngày từ khi có triệu chứng của bệnh. Do đó, người bình thường khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua giao tiếp, hôn hoặc quan hệ tình dục thì nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1 là rất cao.

Triệu chứng và biến chứng khi mắc bệnh là gì?

Người nhiễm cúm A/H1N1 thường có các triệu chứng như cúm bình thường, tuy nhiên có kèm theo một số dấu hiệu đặc trưng hơn, cụ thể:

- Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột kèm ớn lạnh. Người bệnh thường sốt cao hơn 38 độ C.

- Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau nhức cơ, biếng ăn, cơ thể suy nhược.

- Đau họng, viêm họng, ho khan.

- Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở.

- Buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy.

Sốt cao, ớn lạnh hoặc rét run, nhức đầu, mệt mỏi, khó chịu ở ngực…là triệu chứng đặc trưng của cúm mùa. Vì vậy, khi có biểu hiện này cần phải cảnh giác với cúm A/H1N1.

Cúm A/H1N1 dễ xảy ra biến chứng, vì thế cần phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Ảnh minh họa.

Về cơ bản, người mắc cúm thường sốt 2 – 5 ngày, trong khi các bệnh về đường hô hấp do virus khác thường hết sốt sau 24 – 48 giờ. Các triệu chứng cúm A/H1N1 thường được cải thiện sau 2 – 5 ngày mặc dù bệnh có thể kéo dài 7 ngày hoặc hơn. Đặc biệt, người bệnh cần phân biệt các triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 và các bệnh lý tương tự như cảm lạnh, cúm thông thường... để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Về biến chứng của bệnh, trả lời trên báo chí, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cúm A/H1N1 có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính, suy đa tạng… và xảy ra tử vong ở những người có sức đề kháng yếu.

Theo ông Hùng, nhóm có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng khi nhiễm cúm A/H1N1pdm là người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền (tiểu đường, bệnh tim, hen suyễn, bệnh phổi mạn tính), người suy giảm miễn dịch (bệnh nhân ung thư, HIV/AIDS) …

Phòng bệnh ra sao?

Để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

-  Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh cúm an toàn và hiệu quả với cả trẻ nhỏ, người lớn. Ảnh minh họa. 

- Tiêm vắc-xin cúm mùa phòng bệnh.

- Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

LÊ PHƯƠNG.