8X khoe cơm nhà ngon, ông xã chưa bao giờ khen nhưng lại nói "các con thật hạnh phúc khi có mẹ nấu ăn giỏi"

Google News

Với chị Hồng Thúy, nấu ăn là việc đơn giản, chỉ cần có đam mê là thực hiện được.

Làm công việc kinh doanh bận bịu nhưng chị Hồng Thúy (40 tuổi, Hà Nội) ngày nào cũng vào bếp để nấu ăn cho cả nhà. Những bữa cơm kỉ niệm hay các buổi tiệc liên hoan của gia đình chị cũng tự tay mua nguyên liệu rồi chế biến. Với chị Hồng Thúy, nấu ăn không chỉ là trách nhiệm chăm sóc gia đình mà còn là một đam mê rất riêng của bản thân.

“Đối với nhiều chị em thì việc vào bếp nấu một bữa cơm hay một buổi tiệc liên hoan cho gia đình cũng là một điều rất khó khăn hay thời gian chế biến cũng rất lâu, nhưng đối với mình thì lại đơn giản và thời gian làm cũng không lâu”, 8X cho biết.

Chị Hồng Thúy rất thích nấu ăn.

Hiện tại mỗi bữa chị sẽ chuẩn bị cho 4 người (2 vợ chồng và 2 con) thưởng thức. Mỗi bữa cơm 3-4 món như vậy chị chỉ mất khoảng 30-60 phút chuẩn bị và có giá dao động từ 100-200 nghìn đồng.

Để nhanh chóng và thuận tiện, mỗi tuần chị sẽ đi chợ từ 1-2 lần mua thực phẩm cơ bản, dễ chế biến như các loại thịt, rau. Sau đó chị sẽ mang về sơ chế sạch sẽ, đem bảo quản tủ lạnh để dùng dần trong tuần.

“Khi nấu ăn trong gia đình điều đầu tiên mình luôn chú trọng tới nguyên liệu khi mua phải đảm bảo tươi ngon và có nguồn gốc rõ ràng nhất là các loại thịt, cá”, bà mẹ 8X cho biết. Chị khẳng định, cho dù có là một nhà đầu bếp tài giỏi, nấu ăn ngon tới mấy mà nguyên vật liệu không đảm bảo thì món ăn làm ra cũng không thể nào ngon được.

Vừa quan tâm đến chất lượng thực phẩm, bà mẹ 2 con còn rất để ý đến dinh dưỡng vì thế bữa ăn nhà chị luôn đủ món ngon nhưng không gây lãng phí đồ ăn. Chị Thúy chia sẻ, thường khi nấu ăn trong gia đình hẳn nhiều người không thể tránh được việc nấu ăn bị trùng lặp các món dẫn đến các thành viên cảm thấy ngán.

Do đó, mỗi khi đi chợ mua đồ, chị thường cân nhắc mua đúng đủ lượng cần thiết, tránh để thừa và tồn sang các bữa sau. Không may nếu có thừa thì tới bữa sau món đó chị sẽ chế biến thành một món mới đồng thời thêm 1-2 nguyên liệu khác vào cho thay đổi hương vị.

Chẳng hạn nếu thừa chút thịt, ít tôm hay phần thừa của miếng cà rốt tỉa hoa và ít cơm nguội, chị Thúy linh hoạt chế biến thành món cơm rang thập cẩm. Bữa đó 8X sẽ nấu ít cơm trắng đi mà các thành viên trong gia đình vừa thấy  ngon miệng lại không lãng phí đồ ăn.

Sau khi nấu xong, bà mẹ 2 con còn rất thích bày biện mâm cơm sao cho bắt mắt để kích thích vị giác cho cả nhà. Theo chị, mọi người đều “ăn bằng mắt” trước rồi mới cảm nhận bằng các giác quan. Đối với những món mà có thành viên trong gia đình không thích, chị thường chế biến dưới dạng hình thù đẹp mắt nào đó hay tổng hợp chúng ăn kèm trong đồ ăn khác mà khi thưởng thức mọi người khó lòng nhận ra được.

Chị còn bật mí thêm, để các con hứng thú hơn với các món mà mình không thích, cả nhà sẽ chơi trò đoán đồ ăn. “Từng thành viên nhắm mắt vào và sẽ được ăn 1 món sau đó sẽ trả lời là món gì. Nếu thành viên đó đoán đúng sẽ được cả nhà khen thưởng. Đó cũng là một mẹo nhỏ để cho các bạn nhỏ ăn món ăn mà các bạn không thích nhưng vẫn ăn với một hào hứng vui vẻ”, chị vui vẻ kể.

Không chỉ chuẩn bị những bữa ăn hàng ngày, bà mẹ 2 con còn chuẩn bị những bữa sáng tại nhà. Các món thường được chị nấu vào bữa sáng như bún miến phở, các loại bánh, xôi để tiện cho các thành viên trong gia đình ăn sáng đi làm, các con đi học được đảm bảo sức khỏe.

Riêng cuối tuần, bà mẹ đảm đổi thực đơn, nấu các loại lẩu, món cuốn, các món ăn Âu để các thành viên không cảm thấy ngán và cũng để thay đổi không khí trong gia đình. Ngoài ra, vào các dịp mùng 1, ngày Rằm, chị còn làm những mâm cơm chay dâng lên ông bà, tổ tiên.

“Mọi người vẫn hỏi mình rằng ai là người đem lại cảm hứng nấu ăn cho mình thì thật sự đó chính là gia đình của mình. Từ nhỏ bố mẹ mình đã truyền cho mình niềm cảm hứng nấu nướng. Tới khi lớn lên, lập gia đình thì gia đình nhỏ của mình là nguồn động viên lớn nhất cho mình khi nấu ăn. Chồng và conluôn hỗ trợ và động viên mình rất nhiều và cũng chính là những nhà phê bình tại gia cho tất cả các món ăn mà mình làm ra”, chị Thúy hạnh phúc nói.

Không chỉ nấu ăn ngon, chị Thúy còn hay vào bếp làm các món bánh hay các một số món tủ gửi tặng bạn bè, hàng xóm và được mọi người hết lời khen ngon, đẹp mắt.

Ông xã chị vốn kiệm lời nên rất ít khi khen vợ. Nếu chị hỏi “anh ăn thấy ngon không” thì ông xã chỉ nói “tạm được”. Thế nhưng anh lại nói với các bé rằng “Các con thật hạnh phúc khi có một người mẹ nấu ăn giỏi như vậy”. Khi nghe được những lời nói chân thành của chồng, thì dù có vất vả hay mệt nhọc tới đâu chị Thúy vẫn rất rất vui và hạnh phúc vô cùng.

Với chị Hồng Thúy, nấu ăn vừa là một cách để thư giãn, vừa là sợi dây giúp các thành viên trong nhà xích lại gần nhau hơn. Mỗi bữa ăn không chỉ giúp mỗi người nạp năng lượng mà còn là thời điểm để cả nhà chia sẻ những buồn, vui xảy ra trong ngày. Chị Thúy đã rất tự hào khi mình thành công trong việc tạo ra mối liên kết ấy thông qua các bữa ăn tự làm.

NGỌC LAN