Giữa những ồn ào của phố thị, hình ảnh một người võ sư giản dị truyền dạy võ thuật cho các em nhỏ tại sân đình quận 3 suốt gần một thập kỷ trở thành biểu tượng đẹp của lòng nhân ái. Không bục giảng, không phấn trắng, công cụ giảng dạy của ông là những động tác dứt khoát, sự kiên nhẫn và cả tấm lòng yêu thương dành cho học trò.
Lớp võ của thầy Phạm Đức Thái nơi sân đình.
Chưa một lần muốn từ bỏ
Tháng 6/2016, được sự hỗ trợ của UBND phường 4 (quận 3), lớp võ sân đình của võ sư Thái chính thức thành lập. Ông Thái khi đó đã ngoài 50 tuổi, mang trong mình một khát vọng lớn: biến sân đình thành nơi mà những đứa trẻ cơ nhỡ, thiếu thốn có thể tìm được niềm vui và động lực sống.
Thế là đều đặn mỗi cuối tuần, ông Thái cùng với những người học trò đặc biệt đến luyện võ, vui chơi. Các em theo học ở lớp đa phần có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em là trẻ mồ côi, chậm phát triển, cũng có em là trẻ mắc hội chứng tăng động. Song, đến với lớp võ, em nào cũng nhận sự quan tâm, yêu thương từ ông Thái.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu mở lớp, thiếu thốn trăm bề, ông Thái không ngại làm đủ mọi nghề, từ lái xe, giao hàng đến dạy thêm ở các trung tâm võ thuật, thậm chí có lúc phải vay mượn bạn bè để có tiền duy trì lớp học.
Từng đồng tiền chắt chiu được, cộng thêm một số phụ huynh ủng hộ, ông dành để mua võ phục, dụng cụ học tập, trả tiền điện nước cho lớp và tổ chức những buổi sinh nhật hay lễ mừng lên đẳng cho học trò. Có ít lo ít, có nhiều lo nhiều, tất cả chỉ vì ông mong các em có thể thấy mình cũng được yêu thương, cũng xứng đáng được trân trọng và có cơ hội phát triển như bao người khác.
Biết đến hoàn cảnh của lớp, không ít người ngỏ ý muốn quyên góp tiền, nhưng ông Thái đều nhẹ nhàng từ chối. Ông chỉ nhận những hiện vật phục vụ cho lớp học vì với ông, được dạy võ cho các em là tâm nguyện cả đời, không muốn biến lớp học võ thành nơi kinh doanh hay liên quan đến mục đích thương mại.
Lớp võ của thầy Thái là nơi các em được gieo mầm yêu thương, trao niềm tin và hy vọng.
Đến nay, lớp võ mái đình cũng xem như đã “thoát nghèo”. Song, kinh phí để duy trì hoạt động của lớp, từ việc mua sắm cơ sở vật chất, võ phục, đến thăm hỏi hay hỗ trợ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn chủ yếu từ đồng lương đi dạy thêm ít ỏi của ông Thái.
Dẫu cho không ít lần bị áp lực tài chính bủa vây, nhưng người võ sư già chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Đối với ông, lớp võ không chỉ là nơi rèn luyện thể chất mà còn là mái nhà thứ hai, nơi các em tìm được sự an ủi, định hướng và đặt niềm tin vào bản thân.
“Có những đứa trẻ đến với tôi vì không còn chỗ nào để đi. Hoàn cảnh của các con đã khó khăn lắm rồi. Nếu tôi từ bỏ, các con sẽ đi đâu? Tôi không quay lưng được vì tôi biết lớp võ này là chốn duy nhất cho các con cảm giác được che chở và học tập”, giọng ông Thái trầm xuống khi nhắc đến lý do gắn bó với lớp học.
Chỉ mong các con trở thành người tốt
Không đơn thuần là một lớp học võ, đây còn là mái nhà của những giá trị sống mà ông Thái kiên trì gieo trồng trong suốt 8 năm qua. Với ông, võ thuật không chỉ là rèn luyện kỹ năng mà còn là cách truyền dạy nhân cách, đạo đức. Từ những bài học võ đạo, ông yêu cầu các em phải thực hiện nội quy tôn sư trọng đạo, biết lễ nghĩa và sống nhân hậu.
“Tôi không cần các con phải giỏi võ, nhưng nhất định phải giỏi làm người. Chỉ cần các con lớn lên, trở thành những con người biết yêu thương và sống có trách nhiệm thì mọi hi sinh của tôi đều xứng đáng”, ông Thái nói.
Hành trình này của ông không ít lần gặp thử thách. Có những học trò với cá tính mạnh mẽ, gây ảnh hưởng đến môi trường chung. Nhưng thay vì từ bỏ, ông Thái lựa chọn kiên trì dạy bảo, vì ông tin rằng, bên trong mỗi em luôn có tiềm năng trở thành người tốt. Cũng chính sự kiên trì và tình yêu thương ấy, nhiều học sinh của ông nay đã trưởng thành, bước ra đời với hành trang là những bài học làm người quý báu mà ông trao truyền.
Thầy Thái chỉ mong các em trưởng thành và sống có trách nhiệm.
Nhìn lại chặng đường 8 năm đồng hành cùng các trò nhỏ, ông Thái không khỏi xúc động: “Tôi chỉ mong các con hiểu rằng, cuộc sống có khó khăn đến đâu cũng không được từ bỏ chính mình. Võ thuật dạy ta cách gượng dậy sau mỗi lần ngã, đó cũng là bài học quý giá nhất mà tôi muốn các con ghi nhớ”.
Mặc cho tuổi tác đã gần điểm đến con số 60, người võ sư già vẫn không có ý định “về hưu”. Nhiều người khuyên ông nên nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, nhưng ông chỉ cười xòa: “Còn sức là còn dạy, đến khi không còn sức nữa thì tôi mong mình vẫn có thể đến lớp nhìn các con tập, trở thành cố vấn phía sau của các con, đó cũng là ước mơ của tôi”.
Lớp võ ngày càng đông, học trò đến rồi đi, nhưng hình ảnh người thầy tận tâm, gắn bó với sân đình cũ kỹ vẫn vẹn nguyên trong ký ức của bao thế hệ võ sinh. Trong ánh đèn sáng tỏ tại sân đình nhỏ, người võ sư già vẫn kiên nhẫn hướng dẫn từng thế võ, nụ cười hiền hậu chưa bao giờ tắt trên môi.
AN THANH