Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường
Bệnh thần kinh tiểu đường là biến chứng phổ biến ở tiểu đường type 1 và type 2. Do lượng đường trong máu tăng cao gây tổn thương hoặc làm hỏng các dây thần kinh trong cơ thể.
Một nửa số người mắc bệnh tiểu đường bị tổn thương dây thần kinh ở chân, thậm chí là bị mất hoàn toàn cảm giác ở lòng bàn chân. Một số triệu chứng bao gồm: tê, ngứa ran, đau, châm chích,... ở chân hoặc lòng bàn chân.
Mặt khác, tổn thương thần kinh và lưu lượng máu kém khiến người bệnh có nguy cơ bị loét bàn chân. Với bệnh tiểu đường, vết loét bàn chân có thể bị nhiễm trùng.
Nếu tình trạng này không thuyên giảm sau khi điều trị, ngón chân, bàn chân hoặc chân cần phải cắt cụt để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan và đảm bảo an toàn cho tính mạng. Nghiêm trọng hơn, 70% những người bị cắt cụt chi sẽ tử vong trong vòng 5 năm.
Bệnh thần kinh tiểu đường là biến chứng của bệnh tiểu đường type 1, type 2. (Ảnh: Provascularmd).
Bất kỳ ai mắc bệnh tiểu đường đều có nguy cơ gặp biến chứng tổn thương thần kinh, nhưng những người sau có thể gặp phải rủi ro cao hơn khi mức đường huyết khó kiểm soát; bị tiểu đường trong thời gian dài, đặc biệt là khi lượng đường trong máu thường cao hơn mức mục tiêu; người bị thừa cân; trên 40 tuổi; huyết áp cao; có lượng cholesterol cao.
Bệnh thần kinh do tiểu đường không thể phục hồi, chỉ có thể điều trị các triệu chứng. Chính vì vậy việc kiểm soát, giữ lượng đường, lượng mỡ trong máu cũng như huyết áp có thể ngăn ngừa tổn thương xảy ra hoặc làm chậm các biến chứng.
Dây thần kinh tổn thương không thể tự phục hồi. (Ảnh: Provascularmd).
9 mẹo chăm sóc chân, hạn chế biến chứng tiểu đường
Chăm sóc chân đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ biến chứng tiểu đường, bạn có thể áp dụng những mẹo sau:
Kiểm tra chân hàng ngày: để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như vết cắt, vết sưng, đỏ hay vết loét. Đặc biệt, chú ý đến các vùng da bị tổn thương, vì bệnh tiểu đường có thể làm giảm cảm giác ở chân, khiến cơ thể khó nhận biết các vấn đề.
Rửa chân đều đặn: giữ cho đôi chân luôn sạch sẽ bằng cách rửa chân hàng ngày với nước ấm. Tránh sử dụng nước quá nóng để không gây tổn thương cho da. Sau khi rửa, hãy lau khô chân kỹ lưỡng, đặc biệt là các kẽ ngón chân.
Dưỡng ẩm cho da chân: sử dụng kem dưỡng ẩm để giữ cho da chân mềm mịn, tránh tình trạng nứt nẻ. Tuy nhiên, không nên thoa kem vào giữa các kẽ ngón chân vì điều này có thể gây ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Cắt móng chân cẩn thận: móng chân quá dài hoặc cắt không đúng cách có thể dẫn đến móng mọc ngược hoặc gây tổn thương da xung quanh. Nên cắt móng chân thẳng và không cắt quá ngắn. Nếu cần thiết, hãy đến gặp chuyên gia để cắt móng an toàn.
Chăm sóc chân để hạn chế nguy cơ bị biến chứng tiểu đường. (Ảnh: Provascularmd).
Đừng đi chân trần: đi chân trần, đặc biệt là ngoài trời hoặc trên bề mặt gồ ghề, có thể dễ dàng dẫn đến việc bị thương. Luôn mang giày, dép phù hợp ngay cả khi đi trong nhà để bảo vệ đôi chân khỏi những tác động bên ngoài.
Chọn giày dép vừa vặn: giày dép chật hoặc không vừa chân có thể gây cọ xát, dẫn đến vết loét và sưng. Khi chọn giày, hãy đảm bảo rằng giày đủ rộng và êm ái để không gây áp lực lên chân.
Tránh hút thuốc: hút thuốc có thể làm giảm lưu lượng máu đến chân, gây khó khăn cho việc chữa lành các vết thương. Bỏ thuốc lá không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn giúp chân của bạn tránh khỏi các biến chứng.
Vận động thường xuyên: tập thể dục không chỉ giúp kiểm soát lượng đường trong máu mà còn giúp cải thiện tuần hoàn máu đến chân. Cố gắng đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như duỗi chân, xoay cổ chân.
Khám bác sĩ thường xuyên: với người bị tiểu đường, việc khám chân định kỳ là cần thiết để bác sĩ có thể phát hiện sớm các vấn đề. Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa chân thường xuyên để được kiểm tra cảm giác và lưu lượng máu ở bàn chân.
AN THANH