Cô Tiểu Nam, đến từ Hàm Ninh, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Hai tháng trước, cô bị sưng tấy ở cả hai chân rồi lan sang vùng cơ thể khác. Sau khi điều trị tại một bệnh viện địa phương để giảm sưng, cô trở về nhà nhưng không lâu sau, các triệu chứng của bà bầu này trở nên trầm trọng hơn.
Vào hôm 12/10, khi mang thai được 27 tuần, cô Tiểu Nam đột ngột bị vỡ nước ối sớm. Bà bầu này được nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Do vùng chân của cô bị sưng tấy và đỏ đã gây ức chế tủy xương nghiêm trọng. Vào thời điểm bà bầu này nhập viện, cô đang trong tình trạng nguy hiểm khi bị nhiễm trùng, tiểu cầu giảm, bạch cầu thấp hơn 1/10 so với người bình thường.
Do tình trạng thai phụ phức tạp và nguy kịch, trong khi điều kiện chữa trị tại bệnh viện địa phương ở Hàm Ninh bị hạn chế, chính vì vậy, các bác sĩ đã chuyển thai phụ này lên khoa Sản của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em thuộc Bệnh viện Trung Nam ngay trong đêm 12/10.
Người mẹ được chăm sóc tỉ mỉ tại bệnh viện.
Sau khi Tiểu Nam sinh em bé, đứa trẻ được chuyển đến khoa Chăm sóc Đặc biệt (ICU). Một đội ngũ gồm 20 nhân viên y tế ngay sau đó đã thảo luận về phương án điều trị cho người mẹ. Theo bệnh viện, sau khi sinh con, cô Tiểu Nam bị suy hô hấp, suy tuần hoàn và suy đa tạng gồm gan, thận.
Các bác sĩ tích cực chăm sóc người mẹ ngày đêm nên đã ngăn chặn được việc nhiễm trùng, việc tuần hoàn, hô hấp và chức năng nội tạng của Tiểu Nam đã được cải thiện. Sau đó, cô không còn phải sử dụng máy thở, lọc máu, sức khỏe dần được ổn định, tính mạng của cô đã thoát khỏi nguy hiểm.
"Bệnh nhân còn rất trẻ nhưng tình trạng diễn biến quá nhanh và tái nhiễm nhiều lần. Không thể loại trừ khả năng mắc bệnh hiếm gặp", bác sĩ điều trị cho biết.
Do vết thương quá lớn, cô Tiểu Nam phải thay thuốc 3-4 lần trong một ngày, có ít nhất hai y tá thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh. Cô Tiểu Nam xúc động nói: "Người nhà chúng tôi rất cảm động trước sự tỉ mỉ và chu đáo của đội ngũ nhân viên y tế. Các bác sĩ và y tá đều đã làm việc rất chăm chỉ".
Những lưu ý dành cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ:
Theo các bác sĩ, với những bà bầu bị bệnh tiểu đường thai kỳ, việc kiểm soát lượng đường trong quá trình sinh nở là mấu chốt. Thai phụ nên chú ý theo dõi lượng đường trong máu, kiểm soát chế độ ăn uống, hạn chế ăn các thực phẩm nhiều đường. Nếu cần thiết, có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để nhận được sự tư vấn cụ thể và đúng đắn.
Đồng thời, các bà bầu bị tiểu đường thai kỳ cần phải chú ý đến sức khỏe tim mạch, khi xuất hiện các triệu chứng như đau tức ngực thì nên tiến hành khám siêu âm tim kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng.
Ngoài ra, căn bệnh này rất dễ bị nhiễm trùng. Phụ nữ mang thai nên chú ý vệ sinh cá nhân, tăng cường khả năng miễn dịch và tìm cách điều trị y tế kịp thời khi có bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào. Ngoài việc bị nhiễm trùng thì tiểu đường thai kỳ còn gây ra một số biến chứng cho người mẹ như: Sinh non, sảy thai, thai chết lưu, đa ối, xơ vữa động mạch, bệnh lý võng mạc...
CHƯƠNG NGỌC