Bà mẹ 53 tuổi sinh con thứ hai, con trai đầu 25 tuổi háo hức được chăm em

Google News

Mặc dù tuổi tác đã cao, nhưng người mẹ này vẫn mong muốn có thêm con.

Khi còn trẻ, nhiều gia đình chưa đủ điều kiện để sinh nhiều con, nhưng đến khi về già, mong muốn có đông con lại thôi thúc họ sinh thêm. Câu chuyện của một bà mẹ 53 tuổi vừa sinh con trai, trong khi con trai đầu đã 25 tuổi, đã thu hút sự chú ý và nhận được nhiều bình luận sôi nổi từ cộng đồng mạng.

Được biết, bà mẹ này ở Thiên Tân, Trung Quốc, con trai chị chính là người đã chia sẻ câu chuyện này lên mạng xã hội. Anh cho biết mẹ mình năm nay đã 53 tuổi, mặc dù tuổi tác đã cao, nhưng bà không ngại khó khăn và nhờ vào y học tiên tiến, bà đã sinh hạ một bé trai khỏe mạnh.

“Cả gia đình tôi rất vui mừng trước sự ra đời suôn sẻ của em trai tôi. Ngay khi em ra đời, người thân trong gia đình đều đến bệnh viện chúc mừng, ai cũng nở nụ cười vui vẻ khi nhìn thấy em trai tôi”, anh chia sẻ.

Anh trai 25 tuổi háo hức chăm em.

Người anh 25 tuổi cũng kể thêm: “Khi tôi chia sẻ niềm vui này với bạn gái, cô ấy và gia đình cũng đã đến thăm hỏi mẹ tôi”.

Làm con 1 suốt 25 năm, giờ đây có em trai, anh trai này tỏ ra rất phấn khởi nói: “Tôi tin rằng trong những ngày sắp tới, hai anh em chúng tôi sẽ luôn giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau”.

Người mẹ hiện tại vẫn đang trong giai đoạn ở cữ. Dù sức khỏe của bà tốt hơn nhiều so với người cùng tuổi, nhưng sau khi trải qua cơn vượt cạn, bà cần nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng.

Bà mẹ 53 tuổi cùng con trai mới chào đời.

Về việc nuôi dưỡng em trai trong tương lai, người anh cũng có những suy nghĩ riêng: “Hiện tại, bố mẹ vẫn còn khỏe mạnh. Nếu trong quá trình nuôi em trai, tôi có thể giúp đỡ được gì, tôi chắc chắn sẽ làm hết sức mình, vì đây là gia đình của tôi”.

Tuy nhiên, một số cư dân mạng lại có suy nghĩ và quan điểm khác. Một người để lại bình luận: “Nói thì dễ, nhưng khi thực sự đến lúc đó, kế hoạch có thể không theo kịp sự thay đổi. Hai anh em cách nhau 25 tuổi, nhiều việc chỉ có bạn giúp được em, ít khi có chuyện em giúp được bạn”.

Một người khác nói thêm: “Bố mẹ đã lớn tuổi như vậy rồi, trách nhiệm nuôi con sẽ rơi vào bạn, điều này không phải là không thể. Mong bạn sớm nhận ra sự thật và có kế hoạch sớm”.

Việc sinh con ở tuổi 53 chắc chắn là một quyết định khó khăn và cả gia đình đã phải bàn bạc rất nhiều. Tại Việt Nam, cũng có những trường hợp tương tự. Cách đây vài tháng, mạng xã hội chia sẻ rần rần đoạn video của cô Hoa khi mang bầu ở độ tuổi U50 nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).  

Vợ chồng chú Hiền cô Hoa làm IVF để thoả mong muốn có thêm con.

Chú Hiền - chồng cô Hoa chia sẻ, vợ chồng cô chú đã có 2 người con. Con lớn đã đi lấy chồng, còn con bé thì đi học xa. Vì vậy, vợ chồng chú thường xuyên ở nhà một mình. Lý do cặp vợ chồng quyết tâm "lên chức" lần nữa ở tuổi xế chiều là vì: "Thích đông con, nhiều cháu cho vui", chú Hiền nói.

Chú chia sẻ: "Tuổi trẻ mang thai đã vất, nhưng U50 còn vất hơn nhiều". Vì thế, chú Hiền luôn là người tự tay làm mọi việc cho vợ: từ đi chợ, nấu cơm, bổ hoa quả, ép nước trái cây, pha sữa, mát xa, đưa vợ đi dạo, đưa vợ đi khám thai, đáp ứng mọi cơn thèm từ bình dân lẫn sang chảnh của vợ... Chú Hiền cũng cho biết, sức khỏe hiện tại của mẹ con cô Hoa tốt với sự theo dõi, đồng hành của các bác sĩ.

Những khó khăn khi mang thai ở tuổi 50 trở đi?

Mang thai ở tuổi 50 trở đi mang lại nhiều thách thức và rủi ro cho cả mẹ và bé. Dưới đây là một số khó khăn phổ biến mà các phụ nữ mang thai ở độ tuổi này thường phải đối mặt:

Rủi ro cao về sức khỏe:

- Bệnh tim mạch: Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, huyết áp cao, và đột quỵ. Mang thai có thể làm gia tăng những rủi ro này.

- Tiểu đường thai kỳ: Nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ tăng lên với tuổi tác, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và thai nhi.

Biến chứng thai kỳ:

- Sảy thai và sinh non: Nguy cơ sảy thai và sinh non cao hơn đáng kể ở phụ nữ mang thai từ 50 tuổi trở đi.

- Tiền sản giật: Đây là một biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong thai kỳ, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Khó khăn trong quá trình sinh nở: 

- Sinh mổ: Phụ nữ lớn tuổi thường có nguy cơ cao hơn cần phải sinh mổ do sức khỏe yếu hơn và khả năng phục hồi sau sinh kém hơn.

- Biến chứng trong quá trình sinh: Các vấn đề như cạn ối, thai nhi bị ngạt, và các biến chứng khác có thể xảy ra nhiều hơn.

Sức khỏe của thai nhi:

- Dị tật bẩm sinh: Nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh tăng lên theo tuổi của người mẹ. Các vấn đề như hội chứng Down và các rối loạn nhiễm sắc thể khác trở nên phổ biến hơn.

- Cân nặng thai nhi: Thai nhi có thể gặp vấn đề về tăng trưởng, dẫn đến cân nặng thấp khi sinh.

Khó khăn về thể chất và tinh thần:

- Mệt mỏi và kiệt sức: Mang thai ở tuổi 50 đòi hỏi sức chịu đựng cao, và cơ thể phụ nữ ở độ tuổi này thường dễ bị mệt mỏi và kiệt sức hơn.

- Sức khỏe tâm lý: Các lo lắng về sức khỏe của mình và của thai nhi, cùng với áp lực xã hội và gia đình, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý của người mẹ.

Hỗ trợ y tế:

- Theo dõi y tế chặt chẽ: Mang thai ở độ tuổi này đòi hỏi sự theo dõi y tế rất chặt chẽ, bao gồm các xét nghiệm và kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn.

- Sự can thiệp y tế: Phụ nữ lớn tuổi có thể cần phải sử dụng các biện pháp y tế hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc các công nghệ hỗ trợ sinh sản khác.

Dù mang thai ở tuổi 50 trở đi đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro, nhưng với sự tiến bộ của y học hiện đại, nhiều phụ nữ vẫn có thể trải qua thai kỳ an toàn và sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự chăm sóc y tế chặt chẽ và ý thức cao về sức khỏe từ người mẹ.

THY DUNG