Nuôi thú cưng là điều rất bình thường trong cuộc sống nhất là những người độc thân, họ thường được khuyên nuôi một chú chó, mèo hay chuột hamster để tâm trạng vui vẻ, không cô đơn và có “người bạn” đồng hành khi về nhà.
Gần đây, người Việt còn rộ lên trào lưu nuôi vịt bầu, chuột dừa, gà làm thú cưng khiến không ít người ngỡ ngàng, chẳng tin là thật bởi giống loài đó không mấy sạch sẽ, cách chăm sóc phức tạp... điển hình như 3 câu chuyện dưới đây.
Người đàn ông chăm sóc giúp con trai chú gà đột biến: toàn thân "trần trụi", thích ăn hoa quả
Chú Vinh (Thốt Nốt, Tp Cần Thơ) – chủ nhân của chú gà đột biến cho biết: “Gà do tôi chăm sóc nhưng thực chất là của các con tôi. Chúng nuôi gà kiểng kinh doanh, bỗng dưng thấy giống gà Peru đột biến từ lúc vừa nở thành con nên quyết định giữ lại nuôi nấng. Tôi ở cùng nhà nên cùng nó chăm sóc con gà này suốt thời gian qua”.
Chú gà đột biến chỉ có một ít lông ở đùi và cánh.
Người đàn ông cho biết thêm, năm 2017, con trai chú nhập 2 cặp giống gà Peru từ nước ngoài về nuôi để nhân giống với giá 2.500 USD (gần 57 triệu đồng). Sau khoảng thời gian sinh sản nhiều lứa bình thường thì cặp gà này đẻ ra một con gà không lông. Thấy vậy, con chú quyết định để lại nuôi làm cảnh.
Cũng theo người đàn ông miền Tây, không chỉ ông mà cả gia đình đều “cưng nựng” chú gà đột biến. Bởi nó có hình dáng rất độc lạ: không nhiều lông, chỉ có cài vọng phất phơ trên đùi và cánh; da lúc nào cũng hồng hào và bóng nhẵn; mào to và đỏ…
“Chú gà đột biến này được gần 2 tuổi rồi! Tôi luôn lấy làm kỳ lạ bởi nó sống lâu vậy nhưng luôn khỏe mạnh, chẳng có bệnh tật gì cả, chẳng khác gì gà trai tráng. Trong khi đa số gà không lông có sức đề kháng yếu, khó nuôi, hay bị chết.
Hiện tại chú gà được gần 2 tuổi, nặng 4kg.
Nó cũng trộm vía hơn, hiện tại được 4kg lận. Thức ăn đa dạng lắm, gia đình ăn gì thì nó ăn nấy: ăn cơm, ăn sầu riêng, đu đủ, toàn là rau củ sạch. Đến khi ăn cá nó mổ phần thịt chừa phần xương ra. Nó khôn lắm nên không bao giờ bị mắc xương. Nó ăn ngày 3 bữa cũng như mình không tốn bao nhiêu tiền hết. Nó cũng ăn lúa nhưng ít”, chú Vinh tâm sự.
Mỗi tuần, con trai chú Vinh thường tắm cho chú gà đột biến từ 2-3 lần bằng xà bông thơm, sữa tắm hoặc dùng khăn lau mình cho sạch. Và vì là thú cưng của cả gia đình nên nó được ở một chế độ rất riêng. Con trai chú Vinh làm hẳn một chiếc lồng sắt đặt trong nhà hoặc thích đặt đâu thì để. Anh này còn giăng cả mùng ở bên ngoài lồng sắt nhằm gió không lọt vào, tránh làm lạnh gà.
“Nhiều người thấy gia đình tôi làm vậy kêu kỳ này nọ vì nó chỉ đơn giản là một chú gà bình thường. Song với gia đình tôi, nó rất quan trọng nên phải chăm sóc chu đáo.
Có người trả giá cao để mua, trở thành chủ sở hữu của chú gà nhưng con trai tôi quyết không bán. Thậm chí giờ người ta trả giá 1 tỷ đồng cũng không. Sở dĩ vậy vì con tôi bảo rằng từ ngày nuôi chú gà, nó kinh doanh ổn định, nuôi gà không gặp bất trắc gì cả”, chú Vinh thành thật.
Chú gà có chiếc mào rất to và đỏ.
Sau đó người đàn ông hướng cánh tay về phía chuồng gà – nơi có rất nhiều giống gà Peru đủ lông đủ cánh. Trong khi đó, chú gà cưng được thỏa sức chạy trong nhà, ngoài hiên, ngoài sân. Khi trời nắng hay gió lạnh, nó sẽ được người nhà chú Vinh bế vào trong “tá túc” hoặc cưng nựng trên tay.
Hiện nay, ngoài việc kinh doanh gà kiểng, gà chọi, con trai chú Vinh còn quyết định nhân giống gà không lông đặc biệt và để duy trì nguồn gen, anh đã cho chú gà đột biến sinh sản để giữ giống. Song đối với giống gà không lông, vốn dĩ sức đề kháng yếu, nên sau 2 đợt sinh sản anh chỉ nuôi được một con gà mái tơ không lông.
Người phụ nữ yêu thương chuột như con ruột
Chị Ngân (37 tuổi, Bến Tre) vốn làm mẹ đơn thân, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Chị “bỗng dưng” nổi tiếng khắp vùng bởi cưng chiều một chú thú cưng rất… độc lạ – một chú chuột đực, gần 1 năm tuổi.
Chị Ngân cho biết năm ngoái, chị vô tình thấy một chú chuột chưa mở mắt, to bằng ngón tay cái… rơi từ trên cây dừa xuống, bị chó tha đi khắp nơi. Chị vội vàng chạy lại “nhặt”, đem về nhà tắm rửa và cho uống sữa.
“Sau đó tôi quyết định giữ lại và nuôi nấng nó trong nhà giống như chó mèo. Tôi đặt tên cho nó là Lắc. Nó lớn dần, mọc lông giống hệt giống chuột cống chuột dừa và cứ lẽo đẽo theo sau tôi. Do đó tôi đi bán vé số hay bận công chuyện, nó đều theo rồi nhảy lên người vậy. Riết tôi không dám để ở nhà sợ trẻ con nghịch hoặc chó mèo vồ mất. Thế là nó chui vô người tôi, cứ rúc trong đó, thi thoảng mới chạy ra ngoài hóng mát”, chị Ngân kể.
Chuột Lắc của chị Ngân.
Với nhiều người, có lẽ chỉ cần nhìn thoáng qua cảnh Lắc “chạy” khắp người chị Ngân đã cảm thấy rùng rợn, sởn gai ốc. Song chị khẳng định chú chuột này rất sạch sẽ, chưa bao giờ dính bẩn suốt thời gian qua. Chị thường xuyên tắm gội cho nó bằng sữa tắm, vài lần/ngày. Thậm chí chị còn cắt tỉa lông móng, trang điểm cho nó trông thật đẹp.
“Tôi mang chuột trong người đi bán vé số cùng, nhiều người ác tâm buông lời nặng lắm. Họ nói nếu Lắc đến gần, sẵn sàng đập chết ngay lập tức. Tôi sợ, dặn dò nó phải ở trong áo, đừng có chạy ra kẻo “ăn đòn”. Nó dường như hiểu ý tôi và biết lòng người. Ai không thích nó là không dám bén bảng xuất hiện, còn ai yêu thú cưng thì hồn nhiên chạy ra, nhảy sang bên người họ để đùa vui”, mẹ đơn thân 37 tuổi tâm sự.
Có người trả 20 triệu để được sở hữu Lắc nhưng chị từ chối bán. Chị thà để nó chết, đem chôn chứ không vì tiền mà bán đi. “Tôi không thể biết họ mua nó về để làm gì, có thể là nuôi như thú cưng, cũng có thể để thịt cho một loài thú cưng khác ăn. Do vậy tôi không bán được, nghĩ đến cảnh nó bị làm thịt mà xót xa lắm", chị Ngân bộc bạch.
Nhắc đến chuyện Lắc ăn gì mỗi ngày, chị Ngân cho biết chú chuột này có sở thích ăn uống đặc biệt. Nó không thích ăn thịt, chỉ muốn ăn một chút cá với cơm và hoa quả, nhất là dưa hấu. Đó là lý do nó rất hiền tĩnh, chẳng bao giờ cắn chích ai, kể cả khi bị trêu đùa.
Hiện tại chị Ngân vẫn coi Lắc như một người bạn thân thiết, cưng nựng mỗi ngày. Ngoài ra chị có “nhận nuôi” một con chuột khác khiến không ít người không thể hiểu nổi.
Người đàn ông An Giang sở hữu chú gà "pê đê", ai hỏi mua cũng không bán
Năm 2018, dư luận được phen xôn xao trước câu chuyện người đàn ông 42 tuổi ở An Phú (An Giang) sở hữu con gà “pê đê” có biệt tài gáy được 2 giọng trống, mái. Anh Hổ - chủ nhân của chú gà cho biết, giữa năm 2017 bỗng dưng phát hiện trong một ổ trứng gà của nhà anh có một trứng lớn bất thường (to gần gấp rưỡi các trứng khác).
“Lúc đó, tôi cứ ngỡ là trứng gà này có 2 con. Nhưng không ngờ nở ra chỉ có 1 con. Con gà này nở cuối cùng lại to lớn nhất trong đàn có 7 con.
Khi nó càng lớn, tôi nhận thấy có nhiều điều độc đáo và thú vị. Hai màu lông trên thân dần hiện rõ ra sự khác biệt: một bên màu bông vàng, bên còn lại một màu đen huyền.
Chúng còn có một chân màu xanh có cựa dài, y như chân gà trống. Chân còn lại thì màu trắng, không mọc cựa, y như chân gà mái. Ngoài ra, mặt con gà cũng chia làm hai phần, bên có tích đỏ thòng xuống cổ giống gà trống, bên thì tích xoăn và tái như gà mái”, anh Hổ nói.
Chú gà "pê đê" của gia đình anh Hổ.
Thông thường gà 6 tháng tuổi đã có nhu cầu giao phối, theo anh Hổ, con gà lạ này đã 10 tháng tuổi nhưng chưa lần nào “đạp mái” hoặc “chịu trống”. “Mặc dù chưa khám phá bộ phận sinh dục, nhưng tui khẳng định nó là con gà… pê-đê.
Điều hết sức đặc biệt là nó gáy được 2 giọng khác nhau. Từ nhỏ đến giờ tui nghe nó gáy 5 lần. Nó gáy tiếng trước là ò ó o… như gà trống. Đến tiếng sau thì nó gáy khàn như kéo đờm (đàm), giống giọng gà mái”, anh Hổ nói.
Có người ngã giá 6 triệu đồng để mua con gà “pê đê” nhưng anh Hổ không bán vì muốn nuôi làm kiểng xem chơi. Anh sợ mất con gà nên mỗi khi đêm đến đều mang vào nhà nhốt. Thậm chí anh chăm sóc chúng theo một chế độ đặc biệt, ưu ái hơn hẳn các con gà trong vườn nhà.
NGỌC HÀ