Đến nay đã tròn 10 năm bén duyên với sự nghiệp sáng tác thơ ca, cô Diệu (53 tuổi) sinh sống ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang khiến nhiều người không khỏi trầm trồ khi có tài năng đặc biệt với nghệ thuật văn học. Bất kể ngày đêm, ở nhà hay ngoài phố, cô Diệu “tức cảnh sinh tình" lại tạo ra nhiều bài thơ có thông điệp tích cực, vừa phê phán, vừa thể hiện giá trị nhân văn, hướng về chân - thiện - mỹ. Điều làm dân tình khó tin hơn là người phụ nữ U60 này chưa từng trải qua trường lớp, kể cả chữ cũng không biết viết và đọc.
Tuy học chưa hết lớp 1 nhưng người phụ nữ này có thể sáng tác văn chương, thuộc hết những bài thơ đã từng sáng tác.
Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình lại đông anh em, cô Diệu học được lớp 1 trong vài tháng đành phải gác lại ước mơ đến trường. Sau đó, cô Diệu ở nhà phụ mẹ quán xuyến chuyện lặt vặt trong gia đình. Đến khi về chung một nhà với chú Sáu - chồng cô Diệu, người phụ nữ này mới được phổ cập kiến thức, dạy đọc và viết cơ bản.
Tuy nhiên, do tuổi đã cao, hơn 40 năm không chạm đến sách vở nên khả năng tiếp thu kiến thức của cô Diệu gặp khó khăn. Thế nhưng, vào 10 năm trước, cô bén duyên với văn chương khi trải qua một số hiện tượng khó tin trong đời sống. Cô kể trong một buổi chiều tháng 3, cô bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn, nhiều luồng suy nghĩ cứ chồng chéo lên nhau làm người phụ nữ U60 bứt rứt, khó chịu.
Chú Sáu là người thương vợ, chấp nhận hy sinh thức khuya để chép văn thơ vì bản thân chú biết nếu không thực hiện, sức khoẻ vợ sẽ giảm sút trầm trọng. Chú Sáu cho biết cũng từng dắt vợ chạy chữa khắp nơi nhưng cũng chẳng tìm ra bệnh.
Sau đó, cô quay sang nhờ sự giúp đỡ của chồng: “Anh lấy giấy viết ra, em đọc cho mấy câu này, anh ghi chép lại giúp em". Thế là, văn chương của cô tuôn trào như thác. Vợ thì đọc, chồng miệt mài ghi chép, chỉ trong vài ba phút một bài thơ đã được hoàn thành. Ngay lập tức, trong lòng cô Diệu thấy nhẹ nhõm, con người trở nên phấn chấn, khoẻ mạnh như bình thường.
Cô Diệu cho biết cảm hứng sáng tác đều đến từ những sự vật, sự việc xảy ra xung quanh mình. Đặc biệt, nếu cô chứng kiến những việc làm sai trái bất lương thì chữ trong cô Diệu đầu cứ tuôn ra thành bài thơ mang tính phê phán hiện thực và ẩn chứa thông điệp nhắc nhở người đời phải luôn hướng về cái thiện. Đến nay, cô đã cho ra đời hàng trăm bài thơ dài ngắn khác nhau, được chồng ghi chép, cất giữ cẩn thận.
“Có những đêm đang nằm ngủ, dòng thơ bất ngờ tuôn trào trong tâm trí, mình cũng bật dậy, mở sáng đèn và nhờ chồng ghi chép ra giấy. Còn nếu không, bản thân tôi sẽ không bao giờ ngủ được" - cô Diệu tiết lộ đôi khi đang ngủ say giấc cũng thức dậy để làm thơ.
Cô Diệu thường dùng thể thơ 7 chữ cho những sáng tác của mình. Dân tình không khỏi trầm trồ trước cách gieo vần vừa chuẩn xác, vừa có ý nghĩa như một nhà văn thực thụ.
Vì yêu thương và lo lắng cho sức khoẻ của vợ nên đôi khi 1-2h sáng, chú Sáu cũng lọ mọ thức dậy, lật đật lấy vở ra ghi chép. “Bản thân tôi cũng không hiểu hiện tượng lạ của vợ. Có khi vợ nổi hứng lên lại muốn đi dạo, hai vợ chồng lên xe chạy vòng vòng khu phố. Tôi vẫn nhớ đợt đó, khi chạy ngang lò trâu, vợ kêu tôi dừng xe gấp để viết thơ. Lúc đó, tôi chỉ mang theo viết, không có giấy ghi chép. Tôi phải viết tạm vào chân rồi về nhà chép lại" - chú Sáu nhớ lại khoảnh khắc khó quên khi đồng hành cùng vợ mọi lúc, mọi nơi, giúp người bạn đời chép lại những vần thơ dạt dào cảm xúc.
Ban đầu, cô Diệu có ý định bỏ những bản thảo ghi chép văn thơ của mình nhưng vì tiếc công thức đêm, dậy sớm để ghi chép mà chú Sáu vẫn quyết định lưu giữ, đóng thành quyển và lưu nhiều bản sao. Không chỉ thế, những bài thơ từng được sáng tác, cô Diệu đều có thể nhớ như in, đọc rành mạch không cần nhìn giấy. Kể cả bài thơ đầu tiên, viết cách đây 10 năm, cô Diệu chỉ cần nhắc câu đầu cũng có thể đọc lại chuẩn xác từng vần thơ.
Khả năng đặc biệt của người phụ nữ U60 được nhiều người biết đến, truyền tai nhau khắp tỉnh. Có người còn lặn lội đường xa, sẵn sàng đến nhà tìm gặp cô Diệu để tâm sự, lắng nghe thơ ca và tận mắt chứng kiến những bài thơ được ghi chép cẩn thận. Ngoài ra, chú Sáu tiết lộ vợ từng được nhiều nhà thơ ở Tiền Giang mời gia nhập các câu lạc bộ thơ ca của tỉnh. Thế nhưng, cô Diệu nhất quyết từ chối vì bản thân muốn cuộc sống an nhàn, không mưu cầu danh lợi.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương.
TẤN PHƯỚC