Bí ẩn giai thoại về ngôi mộ "chôn đứng" của người giàu khét tiếng miền Tây, ai cũng oán hận mỗi khi nghe đến

Google News

Hàng trăm năm nay, ngôi mộ của Tổng đốc Trần Bá Lộc được chôn đứng thu hút sự chú ý. Những giai thoại về ngôi mộ này khiến nhiều người phải dấy lên nỗi oán hận mỗi khi nghe đến. 

Tọa lạc tại khu đất Thánh của ngôi nhà thờ cổ Cái Bè, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè (Tiền Giang) có ngôi mộ lớn bằng đá trắng, chôn quan tài dựng đứng kỳ lạ khiến ai đi ngang quang cũng không khỏi tò mò. Lọt thỏm trong khu dân cư nhưng nghĩa trang buồn và hiu quạnh, những giai thoại bí ẩn chưa được làm rõ về ngôi mộ đặc biệt này luôn khiến nhiều người phải dấy lên nỗi oán hận mỗi khi nghe đến. 

Ngôi mộ chôn đứng kỳ lạ tại Cái Bè, Tiền Giang.

Ngôi mộ độc lạ được thiết kế theo dạng hình tháp cao chừng 4m trên khu đất rộng, xung quanh có hàng rào hình nhân kỳ quái. Gần đỉnh tháp có bức tượng thiên thần chắp tay cầu nguyện, mặt trước có bức tượng bán thân đắp nổi hình một người mặc quân phục, đầu trọc. Dù đã tồn tại hơn trăm năm nhưng màu sơn, kiến trúc vẫn còn nổi bật. Chỉ có các bậc tam cấp bị phủ rêu đen. Bao quanh mộ có 12 trụ cột cao khoảng 60cm, được liên kết với sợi dây xích sắt lớn. 

Ở 4 mặt tháp có gắn 4 phiến đá ghi những thông tin liên quan đến người trong mộ bằng tiếng Pháp pha lẫn tiếng Việt. Phiến đá chính ghi: "Emmanuel Trần Bá Lộc, Tổng đốc Thuận Khánh". Bên dưới là các hàng chữ nhỏ đã mờ, rất khó đọc, như "thành viên Hội đồng tối cao Đông Dương, Bắc đẩu bội tinh. Sinh ở Cù lao Giêng tháng 2/1839. Mất tại Cái Bè ngày 26/10/1899”.

Tấm bia chính ở mặt trước ngôi mộ.

Theo tìm hiểu, chủ nhân ngôi mộ là Tổng đốc Trần Bá Lộc (1839 - 1899). Kỳ lạ là khi nhắc đến vị tổng đốc này, người đời lại hận nhiều hơn là thương bởi hắn từng là kẻ man rợ nổi tiếng với những cuộc tàn sát đẫm máu trong nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp xâm lược miền Nam khi xưa. Những tài liệu xưa ghi lại cho biết, hắn còn độc ác hơn cả người Pháp. Khi gần cửa tử, Trần Bá Lộc cao ngạo trăn trối: “Chôn đứng để chống mắt nhìn đời”. Trong khu đất rộng đều là người trong dòng họ của Trần Bá Lộc, từ bố mẹ cho đến con trai. 

Trong khu đất còn nhiều ngôi mộ thuộc dòng họ Trần Bá Lộc.

Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình công giáo. Năm Trần Bá Lộc vừa tròn 20, thực dân Pháp tấn công Sài Gòn. Ngày ngày chèo ghe đến Mỹ Tho bán cá cho Pháp, lâu dần hắn kết thân với một người là giáo sĩ Marc. Rồi ông chính thức làm việc cho Pháp với chức vụ cai mã tà đóng tại Chợ Gạo (Mỹ Tho).

Chân dung Tổng đốc Trần Bá Lộc, được miêu tả là "người khô ráo dong dảy, môi mỏng, cặp mắt có sát khí".

Từ sớm đã bộc lộ được chí khí và sự thông minh, con đường quan chức của Trần Bá Lộc rất hanh thông, trong vòng 1 năm đã có địa vị vững chắc. Bắt đầu từ lính rồi lên cai, đội ở Chợ Gạo và Mỹ Tho. Nhờ có công lớn trong các chiến dịch đàn áp khởi nghĩa ở Nam kỳ, Trần Bá Lộc được thăng tri huyện rồi tri phủ Kiến Phong, Đốc phủ sứ Cái Bè, Tổng đốc Thuận Khánh và cuối cùng là thành viên Hội đồng tối cao Đông Dương. Nhờ đó mà ông có cuộc sống đủ đầy, địa vị vững chắc, phất lên như diều gặp gió. Cũng từ đó, ông càng hăng máu đàn áp các cuộc khởi nghĩa. 

Trần Bá Lộc giúp Pháp đàn áp khởi nghĩa dã man, giết chóc không thương tiếc.

Tống đốc khi bắt được địch thủ, nhất quyết không cầm tù mà tra tấn không thương tiếc. Để đối phó với địch binh không đứng ra quy thuận và ẩn mình nơi thâm sơn cùng cốc, hắn có một cách tuyệt đối đó là sai bắt cha mẹ, vợ con của người ấy, đóng gông cầm tù. Vì vậy ông dẹp loạn ở đâu thì nơi đó không lâu sau mà yên ổn. Hắn tàn sát man rợ người Việt hơn cả người Pháp, người đời ngày nay nhắc lại vẫn còn lắc đầu ngán ngẩm. 

Trần Bá Lộc vừa biết chữ quốc ngữ, vừa biết Hán nên là người đầu tiên được Pháp phong làm tri huyện Cái Bè vào năm 26 tuổi. Hắn vừa có vai trò bình định các cuộc khởi nghĩa, vừa làm cố vấn cho Pháp về an ninh lãnh thổ, hành chính và các chính sách cai trị. Ngồi quận Cái Bè trong 30 năm, công lao đã nhiều, mà vẫn không còn tiến thân được nữa bởi vốn dĩ người Pháp không thích ông và dùng người có giai đoạn vì tính tự phụ, ngạo mạn. Những cuộc đánh dẹp trong Đồng Tháp Mười, Vũng Liêm, Cầu Ngang, Rạch Giá, Phú Quốc... có thể nói bất cứ cuộc khởi nghĩa nào ở Nam Kỳ cũng có Trần Bá Lộc hăng hái dẫn quân đi đàn áp dã man.

Sau khi dẹp yên quân khởi nghĩa, Trần Bá Lộc được thăng làm Tổng đốc nhưng không còn được quân Pháp trọng dụng. Tuy vậy, hắn vẫn là một trong những người giàu nhất miền Nam. Trước khi chết, Trần Bá Lộc còn hơn hai ngàn mẫu ruộng và làm chủ cả cù lao Quới Thiện. 

Biệt thự của Trần Bá Lộc sống những năm cuối đời.

Những năm cuối đời, khi về sống tại biệt thự ven sông ở thị trấn Cái Bè, Trần Bá Lộc xin phép đào kênh trong Đồng Tháp. Công việc đào kênh rất nặng nhọc, giữa đồng nhiều muỗi, vắt, đỉa và thiếu nước uống, khiến cho nhiều người chết vì bệnh sốt rét và dịch tả. Con kênh sau này dài rộng 47km, sau này cũng kéo được nhiều gia đình tới đó làm ăn, được đặt tên thời đó là Trần Bá Lộc, nay đổi lại thành Dương Văn Dương. Kênh này tuy đem lại nhiều lợi ích cho người dân Đồng Tháp đến cả ngày nay, nhưng những tội ác mà Trần Bá Lộc chà đạp lên xương máu dân tộc mình vẫn không thể nào chối cãi. 

H.A