Nếu đi qua phố cổ Hà Nội, chắc chắn bạn sẽ thấy hình ảnh những gánh hàng rong bán đủ các loại hoa quả gọt sẵn. Trong số đó có một loại củ màu nâu tía, gọt ra có màu trắng tinh, ăn giòn và ngọt mát, đó chính là củ mã thầy.
Mã thầy thuộc loại cây thân thảo, sống lâu năm, có thân rễ nhỏ mọc bò dưới nước. Củ có hình cầu dẹt, vỏ ngoài màu tím đen hoặc nâu đen, có vòng đốt rõ, phía trong ruột màu trắng.
Mã thầy vốn là cây mọc dại trong tự nhiên, sau đó được bà con trồng để bán ra thị trường
Loại cây này vốn mọc hoang dại trong tự nhiên, bây giờ được trồng phổ biến tại ao hồ hoặc đồng bằng chiêm trũng ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên.... Ngoài ra, mã thầy có thể được trồng ở vùng Đồng Tháp Mười, chịu được đất phèn.
Nếu như trước đây củ mã thầy không ai biết đến, chỉ có người dân địa phương hái về ăn sống hay hầm xương thì giờ đây chúng trở thành đặc sản nổi tiếng ở thành phố. Trên thị trường, củ mã thầy được bán với giá khoảng 40.000-60.000 đồng/kg. Còn loại gọt vỏ sẵn có giá lên tới 80.000 đồng/kg. Người bán cho biết củ này gọt hết lớp vỏ đen bên ngoài bên trong trắng tinh, ăn mát như củ đậu, nhưng ngọt và thơm hơn rất nhiều. Mua về gọt sạch, ăn sống hoặc nếu thích thì làm canh hầm hay nấu chè đều ngon.
Loại củ này giòn ngọt, làm thành nhiều món ngon
Mã thầy được trồng trong một năm sau đó thu hoạch củ. Do đó, mỗi năm chỉ có một mùa mã thầy, thường thu hái vào tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Thời điểm thu hoặc mã thầy thích hợp là khi mặt đất phía dưới gốc cây chuyển sang màu vàng, điều này chứng tỏ củ mã thầy đã trưởng thành và sẵn sàng để thu hoạch.
Ở miền Nam, mã thầy còn được gọi là củ năng. Những quán chè sẽ có chè củ năng chính là những củ mã thầy ở miền Bắc. Ngoài ra, người ta còn dùng mã thầy để làm nhân trân châu ăn cũng giòn ngon hơn dùng cùi dừa nhiều.
Mã thầy ngon nhưng khó gọt, nhiều khi chúng ta cạo sạch mã thầy rồi dùng dao gọt từng chút một, thậm chí dùng mã thầy trực tiếp bóc. Nhưng dù áp dụng phương pháp nào thì cũng rất tốn thời gian và công sức. Cách đơn giản nhất là dùng dao cắt bỏ phần đầu, phần đầu mã thầy thường nhô ra nên có thể cắt sâu hơn một chút. Sau khi cắt đầu, chúng ta quay mã thầy ra phía sau, đồng thời dùng dao để lột cả phần da trên lưng. Lúc này mã thầy chỉ còn phần vỏ ở vòng tròn chính giữa. Tiếp theo, lấy một dụng cụ gọt vỏ khác và dùng dụng cụ gọt vỏ này để lột vỏ ở giữa mã thầy, để có thể bóc được toàn bộ mã thầy một cách dễ dàng.
Bạn Hoàng Anh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Lần đầu tiên mình biết tới củ mã thầy là năm đầu tiên từ quê ở Nghệ An ra Hà Nội học, thấy người ta bán ở chợ sinh viên. Mình mua ăn thử thấy chúng giòn, ngọt mát nên rất thích, phù hợp để giải nhiệt. Hỏi ra mới biết đây là đặc sản của miền Bắc, ngoài ăn sống còn có thể hầm xương, nấu chè, vừa ngon vừa bổ dưỡng".
PHÚ NGUYỄN