Ngày ấy, chú Thành bỏ nhà đi rồi lưu lạc, người cha tưởng chú đã mất nên lập bàn thờ, ngờ đâu sau ngần ấy năm, đứa con tội nghiệp lại trở về trong vòng tay của cha. Hai cha con ôm nhau khóc trong tiếng nức nở của cả nhà, chính họ cũng chẳng thể tin vào sự thật ấy.
Cậu bé 7 tuổi lang thang khắp nơi với mảnh vụn ký ức về gia đình
Vào đầu tháng 4/2024, chú Thành kết nối với kênh Tuấn Vỹ với mong muốn nhờ tìm giúp người thân. Chú cho biết mình đã thất lạc gia đình lúc khoảng 7 đến 10 tuổi. Trong ký ức của chú, tất cả đều rất mơ hồ khi không nhớ được ngày sinh, không nhớ tên cha mẹ, anh em, quê quán. Điều duy nhất chú chắc chắn là cái tên Thành của mình.
Theo chia sẻ của chú Thành, quê chú có thể là ở vùng Phá Tam Giang thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. "Tôi nhớ nhà mình là nhà sàn, xung quanh có rất nhiều tàu đánh cá.
Hàng ngày, tôi cùng mẹ và hai em ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, bơi ra xa bờ. Mẹ thả lưới, loại có cờ cắm ở hai đầu và ngồi chờ. Mỗi lần có tàu đi qua, mẹ hay lấy nón lá ra hiệu tránh lưới”, chú Thành kể lại.
Người mẹ trong ký ức của chú làm nghề thả lưới rồi mang cá ra chợ bán. Ngày bé, chú thường cùng các em ra bãi biển chơi, mọi người xung quanh thường dùng tàu, ghe vào con sông cách 5km để lấy nước ngọt về sử dụng.
Nhắc đến người cha, chú Thành kể lại việc cha bỏ vợ con vào miền Nam lập nghiệp. Tại đó, ông lấy vợ khác và lái xích lô để kiếm sống. Khoảng năm 1976, cha về quê, đón chú vào TP.HCM. Lúc đó, mẹ gửi chú cho ông bà nội, nên không biết chồng đưa con đi xa.
“Chúng tôi đi xe khách vào TP.HCM rất vất vả và mất nhiều thời gian. Vào TP.HCM chưa bao lâu, tôi theo cha và mẹ kế đi vùng kinh tế mới. Tôi không biết ở đâu, chỉ nhớ nơi đó toàn đất đỏ và rừng rậm xung quanh”, chú Thành cho biết.
Theo chia sẻ của chú Thành, chú thường bị mẹ kế đánh đập lúc cha đi làm, chú được hàng xóm đưa sang ở tạm, mẹ kế cũng tìm đến tận nơi mắng chửi. Buồn chán, chú Thành đã bỏ đi bụi. Lần đầu, chú đi mấy tháng thì người thân tìm thấy, đưa về với cha nhưng sau đó, chú lại tiếp tục bị mẹ kế hành hạ.
Vì vậy, chú đã quyết tâm bỏ nhà ra đi, không quay về nữa. Chú quá giang xe máy cày ra chợ rồi lên xe lam, qua hết chuyến này đến chuyến khác, cuối cùng đến được TP.HCM. Ở đó, chú lang thang ăn xin qua ngày. Khoảng năm 1977 - 1978, khi chú đang nằm ngủ trước thềm nhà thì có người đàn ông đến hỏi thăm và đưa về nuôi.
“Nhà mẹ nuôi tôi ở quận 5, TP.HCM. Bà đoán lúc đó tôi khoảng 7 - 10 tuổi. Bà kể, ba nuôi thương tôi lem luốc nên đưa về nhà. Lúc đó, mẹ hỏi con ai, ba nuôi nói thấy tôi ngủ ở chỗ sửa xe. Ông kêu tôi dậy, nhưng tôi cứ khóc lóc, không chịu nín", chú Thành nghẹn ngào nhớ lại.
Lúc ấy, mọi người hỏi gì, chú Thành đều không trả lời. Khi đã gần gũi, chú có nói chuyện với mọi người trong nhà nhưng bằng giọng Huế nên rất khó nghe. Sau đó, chú theo gia đình mới sang Úc định cư. Cũng từ ngày ấy, ký ức về quê hương, cha mẹ đẻ của cậu bé 7 tuổi cũng trở nên nhạt nhòa.
Chỉ với 2 câu nói của cha, đứa con tội nghiệp òa khóc “đúng cha rồi cha ơi”
Với những mảnh ký ức mơ hồ ấy, tưởng chừng như việc tìm về cội nguồn của chú Thành chẳng còn hi vọng, vậy mà phép màu đã đến chỉ sau 1 ngày thông tin được chia sẻ trên kênh Tuấn Vỹ kết nối yêu thương.
Ngay sau khi xem được đoạn clip chú Thành chia sẻ, cô Nguyễn Thị Hồng Sâm (SN 1971, Quảng Nam) đã nghi chú là con trai của cậu ruột. Cô nhờ chương trình kết nối với chú Thành.
Cuộc gọi ngay lập tức được diễn ra lúc 3h sáng (theo giờ ở Úc), chú Thành cố lắng nghe từng lời gợi nhớ chuyện cũ của cô Sâm. Cô Sâm khẳng định chú Thành rất giống người em trai tên là Trần Văn Học. Mẹ chú tên Nhơn, cha tên Trần Lỡ (hiện 81 tuổi), nhà ở vùng đầm Phá Tam Giang - Cầu Hai.
“Anh Thành sinh khoảng năm 1968 - 1970. Gia đình tìm kiếm anh rất lâu, nhưng không có kết quả. Mẹ anh mất rồi, chỉ còn cha. Cả nhà tưởng anh chết rồi nên lập bàn thờ cho anh”, cô Sâm nghẹn ngào chia sẻ.
Cô Sâm cho biết, hiện tại ông Lỡ đang sống ở Huế, còn cô lấy chồng tận Quảng Nam. Sau đó ít ngày, cô Sâm tạm gác mọi công việc, hẹn ông Lỡ ra nhà người thân ở Đà Nẵng để trò chuyện với chú Thành. Cuộc trao đổi này còn có thêm chú Học, em trai của chú Thành.
Ngay khi thấy ông Lỡ, chú Thành hỏi ngay: “Cho con hỏi, lúc ở TP.HCM, nhà bác có gì đặc biệt không? Bác làm nghề gì?”. Ông Lỡ run run đáp: “Tôi ở nhà thuê, trước nhà có đường ray xe lửa. Tôi chạy xích lô kiếm sống”.
Ông Lỡ vừa dứt lời, chú Thành xúc động nói: “Đúng rồi, đúng cha của con rồi”. Mọi người bàng hoàng vài giây rồi òa khóc nức nở.
Cha chú Thành năm nay đã 81 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Ông kể quá trình dẫn chú Thành vào TP.HCM và đi khu kinh tế mới ở Tân Uyên, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương). Ông thừa nhận, con trai bị vợ kế chửi đánh, chú Thành thường khóc lóc, đòi cha đưa về nhà mẹ đẻ.
Sau khi chú Thành biệt tích, ông Lỡ đạp xích lô đi khắp TP.HCM tìm con trai. Suốt mấy năm trời không có tung tích, ông đành bỏ cuộc và sống trong hối hận. Chú Thành rưng rưng nước mắt nhớ lại: “Lúc cha đến chợ tìm, con thấy cha nhưng trốn không ra. Con định đi một thời gian, nào ngờ lạc đến TP.HCM".
Ngày 18/4, chú Thành và gia đình ông Lỡ hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm ADN. Tất cả vỡ òa khi xét nghiệm huyết thống trùng khớp. Chú Thành vui mừng, hẹn ngày trở về Việt Nam thăm gia đình. Một tháng sau, ngày 17/5, cuộc đoàn tụ diễn ra.
Biết tin đứa con thất lạc trở về, ông Lỡ ra đầu ngõ đứng chờ. Ông khóc nghẹn, run rẩy khi chú Thành vừa bước xuống xe. Ông suýt ngã quỵ thì chú Thành kịp đến ôm chầm lấy, khóc nức nở.
Đứng trước bàn thờ mẹ, chú Thành nghẹn ngào: “Mẹ ơi, con đã về. Con thắp nén nhang xin phép cất bát hương và ảnh thờ mà mẹ lập cho con…”.
"Mỗi lần buồn, mẹ thường ngồi cắn móng tay. Anh còn nhớ lời hát mẹ ru em ngủ. Dù không nhớ rõ, nhưng suốt tuổi thơ bên ba mẹ nuôi anh luôn ngân nga bài hát ru đó. Mẹ nuôi còn khen anh hát hay", chú Thành kể lại cho em trai nghe.
Chú Thành cũng nhờ các em dẫn ra nhà sàn khi xưa chú sống cùng mẹ. Nhà cũ không còn, chỉ có mênh mông sóng nước. Người đàn ông thất lạc 48 năm nhìn xa xăm, mắt ngân ngấn lệ…
Hiện tại, chú Thành đã quay lại nước ngoài. Từ bên Úc, chú thường xuyên gọi về trò chuyện với cha để bù đắp cho những nhớ nhung suốt bao năm xa cách, chú cũng hứa với cha sẽ trở lại trong một dịp gần nhất.
Nguồn: Tuấn Vỹ kết nối yêu thương
THẢO ANH