Biến cây mọc bờ bụi thành "bonsai" trưng làm cảnh dáng thế độc lạ, có gốc được trả tới 100 triệu đồng

Google News

Qua bàn tay tài hoa của những người trẻ, những phôi tre tưởng chừng không có giá trị trở thành các gốc bonsai độc đáo, giá thành cao ngất ngưởng khiến ai cũng phải trầm trồ.

Tre vốn là loại cây quen thuộc và gần gũi tại các làng quê, gắn bó với đời sống người Việt như một nét truyền thống văn hóa đã có từ ngàn đời. Ngày nay, các cây tre, khóm trúc được nhiều gia đình dùng để trang trí sân vườn hay tiểu cảnh bonsai giúp không gian sống thêm sinh động. 

Theo phong thủy, cây tre được cho mang lại sự thịnh vượng cho gia đình. Có lẽ vì sở hữu ý nghĩa về mặt văn hóa lẫn yếu tố tâm linh, cây tre hiện được nhiều nghệ nhân “biến hóa” thành các loại cây kiểng, bonsai tuyệt đẹp, mang đến giá trị cao.

Điểm đặc biệt, mỗi cây tre tiểu cảnh sẽ sở hữu một dấu ấn riêng, mang đậm tính cá nhân hóa mà người nghệ nhân gửi gắm. Thông qua sự sáng tạo của nghệ nhân, nhiều thế bonsai từ cây tre độc, lạ ra đời như dáng rồng, dáng hình bản đồ chữ S,..., có giá vài trăm ngàn tới vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng. Những sản phẩm có phôi lạ mắt, giá có thể gấp 3, 4 lần.

Cây tre bonsai "Lưỡng long chầu nhật" của chàng trai 9X 

Anh Nguyễn Sỹ Luân bên tác phẩm "Lưỡng long chầu nhật"

Cây tre bonsai "Lưỡng long chầu nhật" thuộc sở hữu của anh Nguyễn Sỹ Luân (29 tuổi, Bắc Giang). Theo chia sẻ, anh Luân bén duyên với thú chơi tre bonsai tính đến nay đã 6 năm.

Trước đó, anh bán được gốm có tiền là tìm nhập tre về trồng như cây cảnh trong nhà. Thú chơi cũng khá tốn kém nhưng thỏa đam mê nên anh cũng không tính toán gì. Sau khi anh Luân có duyên gặp nghệ nhân trà Cao Sơn, vị này đã đưa tác phẩm tre bonsai được tạo tác của anh trang trí trong tiệc trà đặc biệt với 21 tác phẩm được trưng bày.

Trong đó, 12 tác phẩm gồm cả tre ngà và tre gai để hai bên phòng trà, 8 tác phẩm trúc để tại bàn trà. "Lưỡng long chầu nhật" là tác phẩm độc đáo nhất được chọn trưng bày ngay chính diện.

Sau sự kiện ấy, cuộc sống của anh Luân có khá nhiều thay đổi. Số khách hàng tìm đến tham quan, mua cây cảnh, tre bonsai từ vườn nhà anh nhiều hơn. Họ sẵn sàng chi trả từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, từ đó mang về cho anh Luân thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Anh Luân bộc bạch, chậu tre bonsai đắt nhất từng bán có giá 120 triệu đồng. Riêng chậu tre “Lưỡng Long chầu nhật” dù nhiều người hỏi mua nhưng anh không bao giờ bán vì nó là vô giá. Đến nay, anh Luân vẫn kiên trì sáng tạo với các tác phẩm tre mới với một niềm yêu thích, đầy say mê.

Bonsai "tre vô cực" khách trả 100 triệu đồng chủ nhân vẫn không bán

Anh Trần Văn Thọ, trú tại xã Hoà Thuận, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sở hữu gốc bonsai tre "siêu khủng". Anh cho biết gốc tre này được 2 người khác đi làm rẫy và phát hiện nó mọc hoang bên suối, sau đó anh mua lại với giá 14 triệu đồng.

"Ở Việt Nam, chắc chắn không có cây tre thứ 2 mọc tự nhiên mà lại có hình vô cực độc đáo như thế này. Hơn nữa, sau khi lên chậu, cây phát triển rất tốt. Từ gốc đến ngọn đều cực đẹp, cành lá xanh tốt với sức sống bền bỉ", anh Thọ chia sẻ.

Theo anh Thọ, từ khi anh sở hữu gốc bonsai tre có dáng thế độc lạ này, nhiều người ở khắp nơi đổ xô đến xem, có người từng trả 100 triệu nhưng anh quyết không bán.

Đăng hình tre bonsai lên mạng, khách chốt ngay 40 triệu đồng

Đó là chia sẻ của anh Phạm Văn Tùng (33 tuổi, Quảng Ninh). Anh biến đến thú chơi, kinh doanh tre bonsai thông qua các hội, nhóm trên Facebook. Tại đây, mọi người trao đổi, mua bán thành phẩm với giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/cây, cũng như hướng dẫn cách trồng sao cho tốt.

Thấy được giá trị của tre bonsai, anh Tùng cũng quyết định đi mua phôi về uốn nắn để kinh doanh, kiếm thêm thu nhập. Thời gian đầu, anh cũng gặp không ít khó khăn khi nhiều lần làm chết phôi tre. Về sau, anh học hỏi cũng như giao lưu với những người chuyên làm bonsai nên có kinh nghiệm hơn.

Anh Tùng với sản phẩm tre bonsai của mình

Anh chia sẻ, tùy vào gu thẩm mỹ mỗi người sẽ tạo nên các tác phẩm tre bonsai mềm mại, rũ rưỡi hay vươn thẳng, uốn cong. Giá tre bonsai anh bán thường có giá vài triệu đồng/cây.

Riêng những sản phẩm có phôi lạ mắt như hình dạng xoắn hoặc uốn cong tự nhiên từ phôi lên cành hay các đốt tre gần nhau sẽ có giá càng cao. Có đợt, anh Tùng vừa đăng chậu tre bonsai có kiểu dáng như thế lên mạng, khách đã “chốt” ngay 40 triệu đồng. Để nâng cao thu nhập, anh Tùng còn kết hợp sản phẩm với rêu, tượng đá…

Thu nhập "khủng" nhờ tre bonsai

Bên cạnh công việc chính là thiết kế nội thất, anh Huy (34 tuổi, Bắc Ninh) thường đi tìm mua phôi tre của nông dân tận các vùng sâu, vùng xa để về làm bonsai bán, kiếm thêm thu nhập. Anh Huy bắt đầu công việc này từ năm 2022 qua mạng xã hội. 

Anh chia sẻ, để tre bonsai có giá trị cao, anh phải lựa chọn phôi có màu xanh của bánh tẻ, không quá non hoặc quá già, ít sâu bệnh. Sau đó, anh tỉa bớt rễ già, để rễ non có không gian phát triển. 

Anh Huy "hô biến" phôi tre thành bonsai. 

Tiếp đến, anh Huy ngâm xơ dừa vào dung dịch kích rễ để ủ phôi trong vòng 6 giờ rồi đem trồng trong giá thể đã trộn đều đất thịt, cát, vỏ trấu, xơ dừa và rêu.

Hiện tại, anh Huy bán tre bonsai giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/cây. Riêng dáng tre bonsai có phần đế hình thù gồ ghề, được tạo tác bởi thiên nhiên hay do mọt ăn, giá lên đến 100 triệu đồng/cây.

H.A