Ngày mới yêu nhau, chồng tôi kể về gia cảnh bi thương của anh ấy. Bố mất khi 2 anh em đang học cấp 3, mẹ mất khi 2 người học đại học. Sau khi bố mẹ mất cả, anh em nội ngoại không ai đứng ra giúp đỡ.
Nếu không có vợ chồng bác Loan hàng xóm đứng ra chu cấp tiền thì 2 anh em không thể hoàn thành chương trình đại học.
Cứ nghĩ ra trường đi làm thì sẽ có tiền trả cho bác Loan nhưng thực tế lại không như mong đợi. Bạn trai tôi dính vào vay nặng lãi và số tiền lên đến 200 triệu. Khi đó anh ấy cầu cứu ông bà và anh em nội ngoại nhưng không ai giúp đỡ. Cuối cùng phải nhờ đến bác Loan cứu giúp.
Vợ chồng bác Loan như là bố mẹ, đã đứng ra trả hết nợ cho bạn trai tôi mà chưa 1 lần nào đòi lại số tiền đó. Những lúc bạn trai tôi gặp khó khăn đều nghĩ đến bác Loan đầu tiên. Anh bảo cả đời không bao giờ quên được công ơn của 2 bác ấy.
Hiện tại, chúng tôi đã là vợ chồng, mỗi lần về quê chơi anh ấy mua rất nhiều thuốc bổ và đồ ngon biếu 2 bác hàng xóm. Đáp lại, các bác lại mua những đặc sản ở quê cho chúng tôi đem ra phố.
Mỗi lần về quê chơi anh ấy mua rất nhiều thuốc bổ và đồ ngon biếu 2 bác hàng xóm. (Ảnh minh họa)
Có lần con bác Loan gặp khó khăn, chúng tôi đã đi vay tiền để trả hết khoản nợ mà bác ấy từng giúp đỡ chồng tôi khi chưa lập gia đình. Tôi cho rằng như thế là giữa 2 bên đã hết nợ nhưng chồng tôi đã giấu giếm vợ 1 việc mà gần 1 năm nay tôi mới biết được.
Tuy bác Loan có 2 đứa con trai nhưng họ chẳng giúp gì được bố mẹ. Thấy hoàn cảnh bác ấy khó khăn, 4 năm nay, tháng nào chồng tôi cũng âm thầm chuyển khoản cho bác ấy 3 triệu.
Khi tôi biết được chồng tốt với hàng xóm còn hơn bố mẹ vợ, tôi giận lắm và khuyên anh dừng chuyển tiền. Nhưng chồng bảo coi bác Loan như mẹ thứ 2, lúc anh khó khăn bác ấy giúp hết lòng, không tính toán thiệt hơn. Bác về già không có thu nhập, ốm đau liên miên, anh biếu bác ấy chút tiền đáng là gì. Chồng làm ra tiền, tôi không thể cản được những việc anh làm nên đành nuốt ấm ức vào trong lòng.
Tuần vừa rồi, nghe tin bác Loan bị ốm nặng, chúng tôi đã về thăm. Mấy tháng không gặp, chúng tôi thật sự đau xót khi biết bệnh tiểu đường của bác Loan biến chứng dẫn đến mù lòa.
Điều chúng tôi đau xót nhất đó là các con của bác ấy rất thờ ơ, không ai quan tâm đến người mẹ mù. May có bà con hàng xóm tốt bụng thay nhau đưa cơm ngày 3 bữa giúp bác ấy. Còn việc tắm rửa vệ sinh thì bác Loan tự làm được.
Tuần vừa rồi, nghe tin bác Loan bị ốm nặng, chúng tôi đã về thăm. (Ảnh minh họa)
Trước khi rời đi, chồng tôi đã đưa cho người hàng xóm bên cạnh thường xuyên giúp đỡ bác Loan 1 khoản tiền công và tiền chi tiêu sinh hoạt trong tháng. Anh còn căn dặn người ấy cứ tiếp tục chăm sóc cho bác Loan và hứa tháng sau sẽ tiếp tục trả tiền công.
Bác Loan có vị trí rất lớn trong lòng chồng nên tôi không có ý kiến gì về việc anh quan tâm đến bác. Nhưng chồng tôi vẫn không yên tâm về bệnh tình của bác Loan, sợ người ta chăm sóc không được tốt, thế nên hôm qua anh ấy nói:
“Bác Loan là ân nhân của anh và em gái. Lúc anh khó khăn nhất thì bác ấy đến bên giúp đỡ. Giờ bác ấy bệnh tật, các con thì thờ ơ không ai quan tâm. Người già cần nhất là có con cái ở bên cạnh, vậy mà bác Loan lại không có ai, phải nhờ hàng xóm giúp đỡ. Nhiều đêm nay nghĩ về tình cảnh của ân nhân, anh không thể nhắm mắt được. Anh định tuần tới về quê đón bác ấy ra thành phố để tiện chăm sóc”.
Chồng vừa nói đến đây tôi phản đối ngay:
“Bố mẹ đẻ mà em chưa nuôi được ngày nào, nhiều năm nay anh quan tâm giúp đỡ nhà bác Loan em đã không ý kiến gì. Anh mà đón bác về nuôi là em sẽ đưa con ra khỏi nhà ngay. Cái gì cũng có giới hạn, bác ấy cũng có 2 người con chứ có phải người già đơn thân đâu”.
Tôi nói đến mức thế rồi mà chồng vẫn muốn đưa bác Loan về nhà nuôi dưỡng đến lúc chết. Vợ chồng tôi đang cãi nhau rất gay gắt. Tôi không biết nói sao để chồng bớt lo chuyện bao đồng nữa?
PHƯƠNG LINH