Cô Trương (39 tuổi), đến từ Thanh Đảo (Trung Quốc) là một trong những bà mẹ hiếm hoi sinh 3 em bé cùng một lúc, đủ nếp đủ tẻ. Trước đó, cô đã có một cậu con trai lớn 16 tuổi. Vào năm ngoái, cô Trương thụ thai tự nhiên và rất bất ngờ khi biết mình mang thai 3 em bé.
Sau khi kiểm tra thêm, các bác sĩ phát hiện ra cô mang thai 2 bé gái và một bé trai, tức là một bé khác trứng và hai bé cùng trứng. Đây là chuyện cực kỳ hiếm gặp. Theo các bác sĩ, việc mang thai 3 đã thuộc dạng hiếm, nhưng mang thai đủ nếp đủ tẻ như vậy còn hiếm hơn. Tỷ lệ xảy ra trường hợp này là khoảng 1:140 triệu ca. Có thể nói rằng, cô Trương là một người may mắn, có thể được so với việc trúng giải độc đắc.
Trong thời gian mang thai 3 em bé cùng một lúc, cô Trương đã phải trải qua không ít khó khăn. Cô được phát hiện bị bệnh tiểu đường thai kỳ ở tam nguyệt cá thứ 2. Ngay lập tức, bệnh viện nơi cô theo khám đã xây dựng kế hoạch ăn uống và tập luyện cho bà mẹ này. Nhờ được kiểm soát chặt chẽ mà cô Trương cùng 3 thai nhi trong bụng đều khỏe mạnh.
Dựa trên tình trạng thể chất của người mẹ, ê kíp sản khoa đã lên kế hoạch để người mẹ sinh con ở tuần 34. Vào đầu tháng 5 vừa qua, cô Trương cảm thấy bị chướng bụng và đau đớn, lúc này các bác sĩ đã chuẩn bị phòng phẫu thuật để đưa 3 đứa trẻ chào đời an toàn.
Với sự nỗ lực phối hợp của đội ngũ y tế khoa sản, ca mổ thai sinh 3 đã thành công. Bé trai chào đời đầu tiên nặng 2,3kg; bé thứ hai là bé gái nặng 2,05kg; bé gái út cuối cùng có cân nặng là 1,9kg. Ngay sau đó, 3 em bé được chuyển sang khoa Sơ sinh để được chăm sóc, theo dõi và điều trị thêm.
3 em bé khi mới chào đời.
Về sau, cô Trương cùng hai em bé đầu được xuất viện trước, bé út vẫn cần điều trị thêm ở bệnh viện vì nhẹ cân nhất và có sức khỏe yếu hơn các anh chị. 9 ngày sau, em bé thứ 3 đã hồi phục và được trở về nhà đoàn tụ cùng với đại gia đình.
Người mẹ nhớ lại: “Vào thời điểm con út vẫn phải nằm viện, tôi đã mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng mong chờ ngày đoàn tụ với nhau. Sau khi bé út được xuất viện, chúng tôi đều vui mừng và trân trọng niềm hạnh phúc đáng quý này. Chồng tôi mỗi lần đi làm về đều ôm cả 3 con vào lòng âu yếm”.
Việc chăm sóc 3 em bé cùng một lúc không chỉ là một thử thách rất lớn về vật chất mà còn là tâm lý và thời gian. Cô Trương cho biết thêm: “Cứ cách 3 tiếng đồng hồ tôi lại cho các con uống sữa. Khi đứa lớn vừa uống xong sữa và đi ngủ thì đến đứa thứ hai và sau đó là đứa thứ 3”.
3 em bé ngày càng cứng cáp và khỏe mạnh.
Khoảnh khắc có lẽ “ám ảnh” nhất đối với người mẹ này đó là khi cả 3 đứa trẻ cùng la khóc. May mắn thay, nhờ sự hỗ trợ và động viên từ mẹ chồng đã giúp cô Trương xoa dịu được tình hình đôi chút. Cả hai người phụ nữ thay phiên nhau cho 3 đứa trẻ uống sữa, vỗ ợ hơi, thay tã và cho đi ngủ. Được biết, cô Trương dùng cả sữa mẹ và sữa bột để nuôi các con.
“Nếu cho 3 đứa trẻ cùng uống sữa mẹ thì sẽ không đủ sữa. Chính vì vậy, tôi thường ưu tiên cho con út nhẹ cân nhất dùng sữa mẹ, 2 đứa còn lại sẽ cho ăn hỗn hợp sữa bột và sữa mẹ”, cô Trương chia sẻ.
Hiện tại, sức khỏe của 3 em bé đều rất tốt, sự phát triển của 3 em mỗi ngày là động lực để cô Trương và các thành viên trong gia đình cố gắng hơn nữa dù có vất vả, khó khăn.
Vào cuối năm ngoái, ở tỉnh An Huy cũng có một ca sinh ba đặc biệt như vậy. 3 đứa trẻ chào đời ở tuần 31 với cân nặng lần lượt là 1,3kg; 0,9kg và 1,4kg. Mẹ của 3 đứa trẻ cho hay: "Khi biết mình mang thai ba trong lần khám đầu tiên tôi đã không thể tin được và nghĩ rằng bác sĩ đang trêu đùa".
Việc mang thai 3 con cùng một lúc khiến người mẹ này khá vất vả. Khi tuổi thai ngày càng lớn, cô di chuyển nặng nề hơn và sức khỏe cũng kém đi nhiều. Về sau cô bị vỡ nước ối ở tuần 31 và phải mổ lấy thai gấp.
Trình Huệ, bác sĩ sản khoa phụ trách ca sinh này cho biết, phụ nữ mang bầu sinđa thai dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như thiếu máu, tăng huyết áp thai kỳ, nhau tiền đạo và xuất huyết sau sinh. Thai nhi dễ gặp các biến chứng như sinh non, sảy thai, chậm tăng trưởng và tỷ lệ tử vong chu sinh cao. Do đó, phụ nữ khi mang đa thai cần được theo dõi chặt chẽ và tuân theo các chỉ định của bác sĩ.
CHƯƠNG NGỌC