Hình ảnh của con chỉ ở trong… tưởng tượng
Sinh ra trong hình hài không trọn vẹn với đôi mắt bị suy giảm thị lực, anh Nguyễn Trí Nghĩa (SN 1980) và chị Nguyễn Thị Tố Quyên (SN1982) gặp được nhau khi làm việc chung trong một cơ sở massage của người khiếm thị tại Bình Dương. Sự đồng cảm của 2 mảnh ghép không trọn vẹn đã giúp anh chị tìm thấy nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Sau khi kết hôn, cả 2 quyết định lên Sài Gòn thuê một căn phòng nhỏ, tìm kế sinh nhai. Trải qua muôn vàn khó khăn và bất tiện, Trọng Nhân (14 tuổi) và Trúc Như (12 tuổi) chào đời chính là minh chứng rõ nét cho tình yêu của anh chị. Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 20m2, tiếng nói cười rôm rả của 2 đứa trẻ cũng đủ làm đôi vợ chồng thấy hạnh phúc.
Trước ngày đám cưới, gia đình nội ngoại có nhiều trăn trở vì cả hai đều tồn tại khiếm khuyết trên cơ thể. Thế nhưng, bằng tình yêu chân thật, son sắc, anh Nghĩa chị Quyên thuyết phục gia đình để về chung một nhà, cùng nhau xây dựng tổ ấm.
Nghe tụi nhỏ í ới trêu đùa, chốc chốc lại gọi cha, làm nũng với mẹ, chị Quyên nở một nụ cười hạnh phúc, nhớ lại ngày đầu mới kết hôn cùng anh Nghĩa. Dù khi ấy, cuộc sống của anh chị vô cùng khó khăn, mỗi ngày phải đi bộ hàng chục km để bán vé số nhưng chỉ cần có được thu nhập, anh chị không nản lòng, cùng nhau vun vén cho gia đình.
14 năm trước, khi chị Quyên mang thai Trọng Nhân, cảm xúc của 2 vợ chồng vô cùng hỗn độn. Niềm vui vì cả gia đình sắp đón chào một thành viên mới, cùng với đó là nỗi lo cơm áo gạo tiền, lo cho tương lai của đứa trẻ khi có cha mẹ mang trong mình nhiều khiếm khuyết.
“Lúc vợ mang thai, tôi chạy tới chạy lui khắp mọi nơi để kiếm thêm tiền, bán được ngày nào, tôi mừng ngày nấy. Tôi chỉ nghĩ mình phải cày bằng hết sức lực để có tiền nuôi vợ, nuôi con. Sáng tôi thức sớm, mò đường ra chợ, mua cá mua rau rồi quay về nhà nấu ăn. Trưa thì vội chạy ra khu dân cư để bán vé số. Đến tối lại quay về nhà, hôm nào ế thì coi như xui... hôm sau làm lại”, anh Nghĩa tâm sự.
Đến khi chị Quyên mang thai bé gái, anh Nghĩa phải nhờ người quen dưới quê để hỗ trợ chăm sóc vì không còn gồng gánh nổi chuyện nhà với chuyện mưu sinh.
Về phần chị Quyên, với người thường mang thai đã khó, người khiếm thị lại gian truân gấp bội lần. Chị kể trong thời gian thai kỳ, mọi việc trong nhà phải nhờ chồng, nhờ người thân cận, đi đứng chậm rãi nhất có thể. Do không thấy được đồ vật trong nhà, chị đôi lần xém ngã. Thế nhưng, ông trời đã mỉm cười khi chị hai lần chị đều hạ sinh thành công. Dù chưa một lần nhìn thấy vẻ bề ngoài của 2 đứa con do mình dứt ruột đẻ ra nhưng những gì mà chị Quyên, anh Nghĩa cảm nhận được là sự lễ phép, ngoan ngoãn của 2 đứa trẻ.
Cuộc sống anh Nghĩa, chị Quyên đỡ vất vả hơn khi hai con đến tuổi trưởng thành, giúp đỡ việc nhà cho ba mẹ.
Trong trí tưởng tượng của anh chị, hai đứa trẻ có vóc người nhỏ nhắn, con trai giống mẹ, con gái lại giống ba. “Nếu người sáng họ dùng mắt quan sát, chúng tôi dùng những ngón tay để cảm nhận gương mặt những đứa con của mình. Trước giờ, tất cả hình ảnh về gia đình, tôi đều mò mẫm và tưởng tượng ra", anh Nghĩa xúc động nói.
Nhịn ăn nhịn mặc, nuôi con ăn học
Ban đầu, hai vợ chồng chọn nghề bán vé số mưu sinh. Tuy nhiên, tình hình kinh tế càng khó khăn, bán không được lại lỗ nặng. Cách đây vài tháng, trong lúc đang đi bán, chị Quyên bị kẻ xấu giật mất hơn chục tờ vé số, té giữa đường. Cũng may chị Quyên chỉ bị vết thương ngoài da, được người dân xung quanh hỗ trợ đưa về nhà.
Sau biến cố nhỏ, hai vợ chồng quyết định bán hàng rong, xe hàng gia dụng trở thành công cụ nuôi sống cả nhà. Từ lược, bàn chải, kẹp tóc hay tất tần tật những món thiết yếu trong gia đình đều xuất hiện trên chiếc xe đẩy hàng nhỏ. Mỗi ngày, thu nhập trung bình của cả gia đình khoảng 300,000 đồng, để đủ tiền trang trải sinh hoạt phí, học hành của 2 con, vợ chồng chị Quyên phải dành dụm, tính toán chi li từng đồng.
Hai bé đều học tập tốt, đạt được thành tích học sinh giỏi. Vì không nhìn thấy gì nên mỗi khi nghe người khác khen con mình là vợ chồng anh xúc động.
Mặc dù, con trai lớn cũng có thể phụ giúp gia đình nhưng hai vợ chồng vẫn quyết không cho các con theo phụ bán vì muốn dành mọi điều tốt nhất cho 2 con. “Cứ lang thang ngoài đường, lúc thì nắng đổ lửa, ngày thì mưa mịt mù nhưng cả tôi và vợ đều nghĩ về tương lai của con mà bước tiếp. Động lực nằm ở hai đứa nhỏ, nếu mình không lao động thì ai sẽ là người nuôi con…”.
Dù kinh tế hiện tại thiếu thốn đủ bề nhưng vợ chồng chị Quyên kiên quyết cho con ăn học đến nơi đến chốn. Bởi theo anh chị, đời cha mẹ đã quá khổ vì khiếm khuyết, không thể học hành như mọi người, anh chị muốn 2 đứa con không giống như đời cha mẹ, chỉ có học tập mới mong thoát nghèo, có một tương lai tốt đẹp hơn.
“Giờ 2 vợ chồng chỉ biết ráng cày để hai đứa nó được học đến hết lớp 12, nếu được thì cho nó học đại học. Còn không thì mong nó có nghề nghiệp đàng hoàng. Khi hai đứa lớn, cũng không cần báo hiếu cho cha mẹ, chỉ cần đạo đức tốt, lễ phép với những người xung quanh”, anh Nghĩa chia sẻ.
Bản thân là người khiếm thị nên đôi khi anh Nghĩa cảm thấy chạnh lòng vì không thể tự tay dạy con cách học chữ.
Trong suốt buổi trò chuyện, chốc chốc lại thấy anh Nghĩa, chị Quyên lau nước mắt. Mặc dù cả 2 luôn tích cực, nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ trên môi nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi âu lo mà gia đình anh chị phải đối mặt. Anh chị cảm thấy thương cho 2 đứa nhỏ khi có cha mẹ không lành lặn, cuộc sống gia đình lại gặp nhiều khó khăn, không thể đảm bảo cho tương lai của Trọng Nhân và Trúc Như được như bạn bè trang lứa. Điều mà anh chị có thể làm chính là tình thương, sự hi sinh tất cả những gì cả 2 có được để lo cho các con, trước mắt là được ăn học, được sống trong một tổ ấm gia đình đủ đầy.
Nghe những lời anh Nghĩa, chị Quyên tâm sự, 2 đứa trẻ chạy ùa tới ôm chầm lấy cha mẹ, giọng thỏ thẻ: "Tụi con yêu cha mẹ nhiều lắm, cha mẹ là người tuyệt vời nhất".
Ở tuổi 14, Trọng Nhân hiểu được tất cả những gì mà cha mẹ đã dành cho 2 anh em suốt hơn 10 năm qua. Đó là một nghị lực, hành trình phi thường mà anh Nghĩa, chị Quyên làm được, tất cả đều gói gọn trong 2 tiếng yêu thương. Cảm ơn anh chị vì đã mạnh mẽ và không bao giờ bỏ cuộc, viết nên một câu chuyện đẹp lan toả đến tất cả mọi người.
TẤN PHƯỚC