Ở Đồng Nai có một cặp vợ chồng rất đặc biệt – tự lập mộ cho mình dù vẫn còn sống. Thậm chí hai ngôi mộ nằm ngay trong khuôn viên của căn nhà rộng lớn. “Chỉ cần đến Định Quán hỏi thăm cặp đôi tự lập mộ thờ chính mình dù vẫn còn sống thì ai cũng hay biết. Người dân, từ già đến trẻ đều có thể chỉ rõ nơi ở của gia đình đó.
Chúng tôi không biết rõ cụ thể câu chuyện ra sao nhưng nghe loáng thoáng ông bà hiến xác cho y học, rồi lập mộ thờ mình. Thật khâm phục suy nghĩ và hành động của ông bà vì ở tuổi đó hiếm có ai làm được như vậy”, anh Hùng – một người dân sống trong vùng cho hay.
Cặp vợ chồng mà anh Hùng nhắc đến là ông Sơn (SN 1948, quê Nam Định) và bà Nhàn (SN 1953, quê Thái Nguyên). Năm 1980, ông bà rời quê hương vào Đồng Nai mưu sinh bằng nghề làm mộc. Sau đó họ coi nơi “đất lành chim đậu” này là quê hương thứ 2 để lập nghiệp, mua đất, xây nhà và sinh con.
Ông Sơn giới thiệu về hai ngôi mộ của vợ chồng ông được xây dựng từ năm 2020.
Suốt mấy chục năm qua, vợ chồng ông Sơn đã sống một cuộc đời thật đáng, trở thành tấm gương cho bao người noi theo: nuôi dạy con cái trưởng thành, con cháu ngoan ngoãn… Và khi ông ở tuổi 60 đã đưa ra một quyết định đầy ý nghĩa khiến bà xã cũng tự nguyện làm theo – đăng ký hiến xác cho y học sau khi qua đời.
“Vợ chồng tôi có giấy chứng nhận hiến xác cho y học cách đây 16 năm. Ngày đó tôi có suy nghĩ dù mình chết đi thì quyền đối với cái xác vẫn là cao nhất. Tôi muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa cho nền y học nước nhà và cuộc sống nên đi đăng ký hiến xác. Bà xã ngay sau khi nghe tôi trình bày ý tưởng đã gật đầu đồng ý và xin đi cùng.
Sau đó tôi nói với các con về nguyện vọng của hai vợ chồng tôi sau khi qua đời. Chúng nó đều đồng ý với niềm tự hào khôn nguôi về cha mẹ”, ông Sơn nhớ lại.
Qua quan sát, hai ngôi mộ thờ ông Sơn và bà Nhàn có rất nhiều điểm chung thể hiện nghĩa tình phu thê mãi son sắt cho dù đã nằm xuống.
Năm 2020, người đàn ông gốc Nam Định tiếp tục có một ý tưởng táo bạo: lập mộ hai vợ chồng ngay trong vườn nhà. Sở dĩ ông làm vậy vì có lý do riêng của bản thân mà chỉ ông và bà Nhàn thấu hiểu hết.
“Qua thời gian dài tâm sự với bà xã về cuộc đời cũng như cuộc sống, tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó thật ấn tượng để sau này trở thành ký ức của đời mình. Tôi quyết định dùng tảng đá to để tạc mộ của hai vợ chồng.
Thân xác của chúng tôi sau khi chết đã cho đi. Vậy mà tôi vẫn lăn tăn chuyện con người có sinh có diệt – điều đương nhiên của tạo hoá. Song ở đời này vẫn có người có thể trở thành tên sông, tên núi, tên chợ, tên đường, tên cầu… Còn tôi có gì để lại cho con cháu hay không?
Do đó tôi mới tạc mộ của hai vợ chồng. Dưới góc độ gia đình, hai ngôi mộ giống như sự trường tồn của ông bà dành cho con cháu muôn đời sau. Chúng có thể nhìn vào ngôi mộ mà biết gốc gác cũng như tổ tiên của mình”, ông Sơn bộc bạch.
Chồng vừa dứt lời, bà Nhàn vui vẻ nói: “Nhiều người thấy vợ chồng tôi tự lập mộ thờ chính mình khi còn sống hẳn sẽ thấy sợ hãi lắm! Tuy nhiên tôi không hề thấy xui xẻo hay sợ hãi gì cả. Vợ chồng tôi cũng không vì động cơ nào, cũng không làm ảnh hưởng gì đến an ninh xã hội”.
Thi thoảng vợ chồng ông cũng rủ nhau ra ngôi mộ của mình để lau chùi, thắp nén nhang thơm.
Qua quan sát, hai ngôi mộ thờ ông Sơn và bà Nhàn có rất nhiều điểm chung thể hiện nghĩa tình phê thê mãi son sắt cho dù đã nằm xuống. Theo đó trên hai ngôi mộ ghi rõ: Hai trái tim chung một nhịp đập; có thơ khắc ở hai bên rìa ngôi mộ; đều được tạc từ những viên đá lớn.
“Trên mộ của tôi khắc hai câu thơ: Trăm năm tình viên mãn – Trọn đời nghĩa phu thê. Còn mộ của bà xã là cặp câu Kiếp này ta tạm xa nhau nhé – Kiếp sau anh sẽ tìm lại em. Tôi muốn gửi gắm tình yêu thương mà vợ chồng tôi dành cho nhau, đến tậm kiếp sau vẫn còn vấn vương.
Vợ chồng tôi có 4 đứa con trai nên đã đặt 4 hòn đá tảng cao lớn ở xung quanh với biểu tượng 4 người con đứng đây để chầu bố mẹ nằm mãi nơi này”, ông Sơn giải thích.
Chưa dừng ở đó, ông Sơn còn có một quy định đối với con cháu khi đi xa trở về nhà. Đó là bất cứ ai ở xa về cũng phải ghé tới ngôi mộ đầu tiên và thắp nén nhang thơm. Sau đó khi đi họ cũng thắp nhang chào tạm biệt ông bà.
“Tôi muốn con cháu làm vậy để tăng cho chúng lòng tưởng nhớ đến ông bà và lễ nghĩa: “Tiên học lễ - Hậu học văn”. Tôi nói với con cháu rằng giờ vợ chồng tôi sống thì cứ thực hiện đúng quy định của gia đình. Sau này tôi chết, chúng nó muốn thắp nhang hay không thì tuỳ tâm từng đứa.
Thi thoảng vợ chồng tôi cũng rủ nhau ra ngôi mộ của mình để lau chùi, thắp nén nhang thơm”, người đàn ông tâm sự.
NGỌC HÀ