Năm học lớp 6, cậu học trò Steve Harvey nhận được bài tập cô giáo giao là "Hãy viết ước mơ của em khi lớn lên". Giống như những bạn cùng lớp, Harvey đã thành thật chia sẻ mong ước được xuất hiện trên tivi của mình.
Khi nhận bài tập, giáo viên của Harvey cho rằng ước mơ của cậu bé thật phi lý. Vì cậu mắc tật nói lắp nghiệm trọng nên cô giáo cho rằng cậu bé không thể nói chuyện bình thường như những người khác. Nghĩ học trò không làm bài nghiêm túc, cô giáo đã gọi Harvey lên trước lớp và xé bài của cậu, sau đó còn gọi điện phản ảnh với cha mẹ Harvey.
Cậu bé Steve Harvey viết ước mơ được lên tivi nhưng bị cô giáo cười chê bởi cậu bị tật nói lắp nặng.
Trở về nhà, Harvey đã rất lo lắng bản thân sẽ bị cha mẹ trách phạt. Mặc dù mẹ của cậu bé rất bực bội nhưng người cha thì không. Ông đã vào phòng của Harvey và nói rằng: “Hãy viết ước mơ của con vào một tờ giấy. Mỗi sáng khi con thức dậy, hãy đọc tờ giấy đó. Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy đọc lại nó”.
Hơn 20 năm sau, ước mơ của cậu bé nói lắp ngày nào đã trở thành sự thật. Không chỉ được lên tivi, Steve Harvey đã trở thành diễn viên hài, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng thế giới, tổ chức nhiều show truyền hình thu hút được lượng lớn người hâm mộ.
Năm 2013, anh nhận được ngôi sao ghi tên mình trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. Nam MC đình đám còn viết những cuốn sách, thành lập công ty và có cuộc sống giàu có, hạnh phúc đáng mơ ước.
Steve Harvey trở thành nam MC đình đám thế giới, còn từng dẫn chương trình Miss Universe.
Sau rất nhiều năm khi đã thành công, Harvey vẫn nhớ về cô giáo năm lớp 6 và mỗi năm đều gửi tặng cô một chiếc tivi. "Tôi đều gửi tặng cô giáo cũ một chiếc ti vi vào dịp Giáng sinh, để cô có thể nhìn thấy tôi trên đó. Cậu bé nói lắp năm ấy đang xuất hiện trên truyền hình, 7 ngày/tuần đấy”, Harvey hài hước nói.
Nam MC Steve Harvey đã xử lý tật nói lắp như thế nào?
Theo Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Bang Ohio (Mỹ), hiện tại không có cách chữa trị tật nói lắp và các lựa chọn điều trị hiện có tập trung vào việc cải thiện sự tự tin và lòng tự trọng của một người. Trẻ em phát triển chứng rối loạn ngôn ngữ này khi còn nhỏ có thể khỏi khi lớn lên, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Vậy Harvey đã làm thế nào để sửa tật nói lắp? Theo chia sẻ của Harvey, có 2 cách mà anh đã thực hiện để thay đổi tật nói lắp của bản thân.
1. Lặp đi lặp lại điều mình muốn nói trong đầu ba lần
Nam MC đình đám gợi ý bạn không nên trả lời bất cứ ai cho đến khi bạn đã tự nhẩm câu trả lời trong đầu mình 3 lần.
2. Thực hành trước gương
"Hãy đứng trước gương và nói to mọi lúc. Sau đó, nhờ một người bạn hoặc người thân đến và để họ đứng phía sau bạn trong gương. Đừng nhìn vào họ khi bạn nói, điều khiến bạn nói lắp là giao tiếp bằng mắt. Việc càng lo lắng khi người khác nhìn vào mình sẽ khiến bản thân dễ nói lắp", Harvey chia sẻ.
Nam MC đã cố gắng cải thiện tình trạng nói lặp của mình bằng cách luyện nói trước gương và nghĩ kỹ trước khi nói.
Nói lắp có chữa được không?
Mặc dù nam MC Harvey đã thoát được tật nói lắp nhưng không phải ai cũng có thể may mắn như vậy. Theo Viện nói lắp Mỹ (AIS), chứng rối loạn này có thể do nguyên nhân di truyền và thần kinh, không phải lúc nào cũng do lo lắng hoặc các yếu tố tâm lý khác.
Nguyên nhân của tật nói lắp vẫn chưa được hiểu rõ và nhiều giả thuyết khác nhau đã được đưa ra trong suốt lịch sử. Nguyên nhân của tật nói lắp được cho là do: vấn đề về cảm xúc, vấn đề về thần kinh, phản ứng không phù hợp của người chăm sóc và các thành viên trong gia đình, khó khăn về vận động lời nói...
Nói lắp thường phát triển trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi. Phần lớn trẻ em bắt đầu nói lắp khi còn nhỏ sẽ tự khỏi, nhưng đối với một số trẻ, nó có thể tồn tại đến tuổi trưởng thành.
Không có cách chữa nói lắp, mặc dù nhiều phương pháp điều trị đã được chứng minh là thành công trong việc giúp người nói giảm số lần nói lắp. Trẻ nhỏ chỉ nói lắp trong một thời gian ngắn có tỷ lệ hồi phục tự nhiên cao, nhưng không thể xác định được trẻ nào có khả năng phục hồi cao nhất và trẻ nào có khả năng tiếp tục nói lắp.
Hầu hết các chuyên gia khuyên nên đánh giá và điều trị sớm nhằm ngăn ngừa sự phát triển của chứng rối loạn giao tiếp mãn tính.
HOÀNG DƯƠNG