Cây dại mọc bờ bụi, có vị đắng ngắt nhưng được dân thành phố ưa chuộng vì hương vị lạ, càng ăn càng mê

Google News

Những năm gần đây, măng đắng thành đặc sản được bán khắp nơi, giá tới 180.000 đồng/kg vẫn nhiều người mua về thưởng thức. 

Từ vùng núi Tây Bắc đến miền Trung, măng đắng đã trở thành món ăn quen thuộc mà thiên nhiên ban tặng. Loại măng này mọc tự nhiên trong rừng, từ xưa đã được người dân hái về để chế biến món ăn. 

Măng đắng còn có tên gọi khác là măng vầu, măng lành hanh. Chúng vừa có vị đắng, vừa có vị ngọt, khi chế biến thành món ăn có hương vị vô cùng độc đáo. Mấy năm gần đây, thứ "lộc trời" này thành đặc sản được người thành phố ưa chuộng.

Măng đắng Ngàn Me giòn, có vị đắng, mùi thơm đặc trưng.

Ở Thái Nguyên, măng đắng Ngàn Me là nổi tiếng nhất. Đầu năm, khi có những cơn mưa xuân là thời điểm măng đắng trong rừng Ngàn Me cựa mình, đâm chồi non báo hiệu một mùa măng bắt đầu. 

Người dân địa phương cho biết trước đây măng đắng gắn với bữa cơm dân dã của người nghèo, được cho là món ăn cứu đói một thời của người dân nơi đây. Càng cuối vụ măng càng già và đắng. 

"Măng đắng có 2 loại là măng củ và măng cái. Măng củ vốn đặc ruột, nằm sâu trong lòng đất, chưa nảy tai xanh. Loại măng này ít đắng, ít xơ, thường được luộc cả củ rồi chấm với mắm tôm. 

Cây măng đắng vào vào mùa từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hàng năm

Măng cái là loại đã lên tai xanh, có vị đắng rất riêng. Loại này phải đem luộc kỹ với muối, sau đó ngâm với nước lạnh chừng một tiếng để giảm bớt vị đắng của măng sẽ dễ ăn hơn. Hoặc cũng có thể thái thật mỏng phần thân măng, xào với tỏi cháy cạnh thì ăn sẽ rất tuyệt. Lúc đầu là vị đắng ngang, sau khi nhai từ từ sẽ cảm nhận được vị ngọt dịu, đậm đà, ăn một lần sẽ muốn ăn thêm những lần sau", chị Hải (ở huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) chia sẻ.

Theo chị Hải, muốn hái được măng phải tinh ý nhìn những vết nứt dưới những bụi tre um tùm ở chân núi. Phía dưới là cả một ổ măng hàng chục chiếc. Hoặc nhìn tai của chúng nhú lên khỏi mặt đất rồi lấy cuốc, thuổng hay dao để đào măng lên. Bây giờ măng đắng mang lại giá trị kinh tế, nên nghề đào măng mang lại thu nhập cho người dân. 

Ở thành phố và trên chợ mạng, măng đắng được bán với giá từ 25.000-40.000 đồng/kg. 

Chị Loan (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ 3 năm trước, chị được đồng nghiệp cho thử món măng đắng nướng chấm muối ớt. Từ đó chị mê cái vị đắng đặc trưng của loại măng này, năm nào cũng phải tìm bằng được về làm đủ món.

“Loại măng này chỉ có một mùa nên cứ ra Tết tôi phải đặt mua cả yến về ngồi bóc hết vỏ, luộc sơ rồi hút chân không, cấp đông. Lúc nào ăn chỉ việc mang ra rã đông rồi rửa sạch, luộc chấm mắm tỏi ớt, xào tỏi hoặc xào thịt đều ngon”, chị Loan chia sẻ.

Măng đắng khô có thể sử dụng quanh năm, trước khi chế biến phải đem ngâm vài tiếng

Ngoài măng đắng tươi, trên thị trường còn có măng đắng khô. Loại này có thể bảo quản được lâu và dùng rất tiện lợi bởi mùa măng tươi chỉ có những tháng đầu năm. Măng đắng khô được bán với giá 180.000 đồng/kg.

H.A