Cây dại mọc bờ bụi xưa không ai biết đến, nay làm thành món đặc sản có hương vị lạ, tốt cho sức khoẻ

Google News

Không chỉ làm thành món ăn ngon và lạ miệng, lá xương sông còn có nhiều tác dụng tốt đối với sức khoẻ, được người thành phố ưa chuộng những năm gần đây.

Nhiều loại cây cỏ mọc hoang dại quanh ta là nguyên liệu làm nên những món ăn lạ miệng, tốt cho sức khoẻ, trong đó phải kể tới lá xương sông. 

Theo tìm hiểu, lá xương sông còn có tên gọi khác là xang sông, húng ăn gỏi, tên khoa học là Blumea lanceolaria. Đây là loại rau gia vị được dùng phổ biến ở các vùng miền của Việt Nam, nhiều nhất là ở miền Tây. 

Xương sông là cây thân thảo, cao 0,6 – 2m, lá hình trứng thuôn dài, hai đầu nhọn, mép có răng cưa, gân nổi lên trên phiến, lá ở trên có kích thước nhỏ hơn ở dưới gốc. Chúng mọc hoang dại ở những bãi đất trống, hoặc được trồng trong vườn nhà. 

Cây xương sông mọc bờ bụi, bờ ao, bìa rừng, có vị đắng nhẹ, cay nhẹ

Trước đây, người dân địa phương hái lá xương sông về làm nhiều món ăn dân dã. Lá này có vị đắng nhẹ, cay nhẹ, ngọt hậu, sau khi chế biến vô cùng thơm ngon và hấp dẫn. Phần lá non của cây có thể dùng làm các món như gỏi cá, ăn như rau sống. Phần lá già hơn có thể băm nhỏ làm chả xương sông, nấu canh, xào cùng thịt… Đây cũng là một loại rau không thể thiếu trong đặc sản rau rừng Tây Ninh dùng để ăn kèm với món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Tại tỉnh Đắk Lắk, lá xương sông khá phổ biến với món gỏi lá trứ danh.

"Cây này mọc ở bìa rừng, ven suối, bờ ao hay các bãi đất trống. Chúng vào mùa từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Sau những cơn mưa, lá xương sông xanh mơn mởn, đó lúc bà con hái về để ăn. Gần đây, thứ rau rừng này được biết tới nhiều hơn, người thành phố tìm mua về đổi bữa cho gia đình. 

Tôi nhớ nhất món chả cuốn lá xương sông. Chỉ cần ra bìa rừng một lúc, chọn lá bánh tẻ, đẹp và dày nhất về để cả nhà cùng làm. Món này chấm cùng mắm tỏi ngon vô cùng, vị khác với chả lá lốt", chị Ngà (ở Gia Lai) kể lại. 

Hiện trên chợ mạng, lá xương sông được bán với giá khoảng 60.000 đồng/kg.

Chả xương sông là món ăn được ưa chuộng ở nhiều tỉnh thành

Lá xương sông còn có thể dùng làm thành nhiều bài thuốc chữa bệnh. Một số nghiên cứu về lá xương sông cũng chỉ ra thảo dược này chứa 0.24% tinh dầu, trong đó chủ yếu là limonene, p-cymene, methylthymol cùng nhiều hoạt chất khác. Ngoài ra, lá xương sông còn cung cấp cho cơ thể nhiều khoáng chất và vitamin như vitamin B1, B2, C, PP, phosphor, sắt, canxi, đường, chất xơ và protein, rất bổ dưỡng. 

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, lá xương sông có vị đắng, cay, thơm, tính ấm, được dùng như một vị thuốc điều trị các bệnh đường hô hấp như cảm cúm, sổ mũi, ho hen, viêm họng, đau họng, tê thấp...

Một số bài thuốc từ lá xương xông:

Chữa thấp khớp

Rửa sạch một nắm lá xương sông tươi, ngâm trong nước muối pha loãng 5-7 phút để diệt vi trùng, vi khuẩn. Giã nhuyễn lá xương sông rồi xào, bọc trong miếng vải mỏng và dùng chườm lên chỗ sưng đau khoảng 15-20 phút. Chú ý độ ấm nóng cho vừa phải để tránh bỏng rộp. Thực hiện 2 đến 3 lần mỗi ngày trong một tuần, các triệu chứng đau nhức do bệnh thấp khớp sẽ giảm. Bài thuốc trị thấp khớp từ cây xương sông chỉ có tác dụng giảm đau khi còn ấm. Do đó, trong quá trình sử dụng, nếu thuốc nguội, nên xào nóng lại hoặc thay đợt thuốc khác. 

Chữa viêm họng

Lấy 5-10 lá xương sông bánh tẻ cùng 20-30ml giấm ăn. Lá xương sông rửa sạch để ráo nước, đập nhẹ (để giải phóng tinh dầu) rồi đem nhúng vào giấm để ngậm. Làm như vậy từ 5 - 7 ngày bệnh sẽ tiến triển rõ rệt. Bài thuốc này có tác dụng tốt với các chứng bệnh như viêm họng cấp mạn tính, viêm amiđan, viêm thanh quản kể cả đã mất tiếng... 

Lá xương sông được dùng làm thành nhiều vị thuốc chữa bệnh

Chữa ho có đờm, trẻ em nôn trớ

Dùng 2-3 lá xương sông bánh tẻ, 5 thìa con mật ong. Lá xương sông rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát con cùng với mật ong, đem hấp cách thủy (đun sôi chừng 10 phút) rồi lấy ra, chắt nước uống nhiều lần trong ngày. Người lớn có thể nhai nuốt cả lá. 

Chữa ho thông thường

Lá xương sông, lá húng chanh, lá hẹ, mỗi thứ 10g, cho tất cả vào hấp đường hoặc mật ong để ngậm. Bài thuốc này dùng chữa chứng ho thông thường do cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản sẽ có kết quả tốt. 

Chữa đầy bụng, khó tiêu

Lá xương sông 30g, tía tô 30g, sinh khương 10g, hậu phác 10g, trần bì 10g, chỉ xác 10g. Cho các vị vào ấm, đổ 3 bát nước, nấu sôi 10 phút, rót ra bát uống dần. 

Chữa đau nhức răng

Rễ xương sông rửa sạch phơi khô 20g, hoàng liên 10g, hai thứ cho vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm, ngâm khoảng 10 ngày là có thể dùng được, dùng bông chấm thuốc bôi vào răng lợi. 

Lưu ý: Trước khi dùng những bài thuốc này cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.

H.A