Cây dại mọc bờ mương xưa không ai biết, nay bán 200.000 đồng/kg thành đặc sản nổi tiếng ở thành phố, tốt cho sức khỏe

Google News

Thứ cây dại mọc đầy bờ bụi, bờ mương giờ đây là nguyên liệu làm thành món ăn đặc sản ở thành phố, có nhiều công dụng đối với sức khỏe. 

Cây rau khúc là nguyên liệu được sử dụng làm nên món bánh khúc - món ăn quen thuộc của người dân ở miền Bắc. 

Theo tìm hiểu, cây rau khúc còn có tên gọi khác là thanh minh thảo, thử cúc thảo, thử nhĩ, tên khoa học là Gnaphalium affine, thuộc họ Cúc: Asteraceae. Loại cây này mọc hoang dại ở bờ bụi, bờ mương, bờ ao, nơi đất ẩm ướt, nhiều nhất là tại các tỉnh đồng bằng trung du như Ninh Bình, Hà Nam. 

Rau khúc là nguyên liệu không thể thiếu trong món bánh khúc, xôi khúc

Khoảng tháng 10, tháng 11 hàng năm là thời điểm rau khúc vào mùa. Từ thân đến lá đều được phủ một lớp lông trắng muốt như tơ, sờ vào rất mượt, đó cũng chính là đặc điểm để nhận dạng loại rau dại này. 

Từ xưa, bà con đã hái rau khúc để làm các món ăn dân dã như luộc, xào, nấu canh, nhưng nổi bật nhất vẫn là xôi khúc. Hiện nay, xôi khúc trở thành đặc sản ở thành phố, là món ăn vặt được nhiều người lựa chọn. Tiếng rao "ai xôi khúc đây", "ai xôi khúc không"... trở nên quen thuộc với nhiều người vào sáng sớm hoặc buổi chiều. 

Theo kinh nghiệm của các bà, các mẹ, chọn cây rau khúc về nấu xôi hay nấu canh thì phải chọn cây mập mạp, đưa tay hái thấy được sự giòn rụm, nhựa khúc ứa ra tươi mát, không được chọn cây khẳng khiu, về làm xôi hay nấu canh khi ăn sẽ bị dai. Những cây đã ra hoa thì không nên hái. 

Trên chợ mạng có nhiều địa chỉ bán rau khúc với giá 60.000-80.000 đồng/kg. Rau khúc trữ đông, đóng gói hút chân không có giá 200.000 đồng/kg. Nhiều chị em đặt mua về làm xôi khúc cho cả nhà thưởng thức. 

Lá khúc làm xôi là loại lá bánh tẻ

"Thấy các chị em trên văn phòng làm xôi khúc cho cả nhà ăn sáng nên mình cũng học công thức và mua nguyên liệu để làm thử. Mình được biết rau khúc có 2 loại, rau khúc nếp và rau khúc tẻ, rau khúc nếp làm bánh ngon và thơm hơn nhưng khan hiếm nên khó tìm mua hơn, trên chợ mạng chủ yếu bán rau khúc tẻ", bạn Giang (ở Hà Nội) chia sẻ. 

Theo Đông y, rau khúc có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng hóa đàm, trừ phong hàn. Dùng chữa ho nhiều đờm, suyễn thở, cảm lạnh phát sốt, đau gân cốt, bạch đới, ung thũng.

Rau khúc còn có tác dụng hỗ trợ kháng viêm, se vết thương, liền sẹo, phục hồi nhanh các mô, tế bào hư tổn. Từ xa xưa, người dân dùng rau khúc giã lấy nước ép uống để trị chứng viêm loét và nhiệt miệng.

Rau khúc được nhiều quốc gia sử dụng. Tại Nga, người dân dùng rau khúc trị chứng cao huyết áp. Tại Trung Quốc và Nhật Bản, rau này dùng tạo màu cho món ăn và là thành phần các bài thuốc chữa bệnh tăng huyết áp, cảm lạnh.

Rau khúc thường được dùng trong những bài thuốc chữa ho, long đờm, cảm lạnh, tăng huyết áp,...

Một số bài thuốc từ rau khúc như sau:

Chữa cảm lạnh phát sốt: Dùng cây rau khúc khô 15 - 20g, sắc nước uống trong ngày.

Chữa ho nhiều đờm: dùng rau khúc khô 15 - 20g, đường phèn 15 - 20g, sắc nước uống trong ngày.

Lá khúc có thể kết hợp thành một số bài thuốc, nhưng trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ

Chữa viêm họng, hen suyễn nghẹt đờm: dùng rau khúc khô 30g sắc uống hoặc thêm gừng, hành mỗi vị 10g cùng sắc uống.

Chữa viêm phế quản, suyễn thở do lạnh: dùng rau khúc khô 15g, hoàng giới tử 15g, tiền hồ 9g, vân vụ thảo 9g, thiên trúc tử 12g, tề ni căn 30g sắc nước uống trong ngày, liên tục 5 ngày. Cần uống hàng tháng mới thấy rõ tác dụng.

Chữa tăng huyết áp: rau khúc 30g, lá dâu 20g. Nấu canh ăn hàng ngày.

Chữa gân cốt sưng đau, chân gối sưng thũng: dùng toàn cây rau khúc 30 - 60g sắc nước uống trong ngày.

Chữa thống phong (gút): dùng lá và cành non cây rau khúc giã nát đắp vào những chỗ sưng đau.

Chữa phù thũng do tỳ hư (chức năng tiêu hóa suy yếu): dùng toàn cây rau khúc khô 60g, sắc nước uống trong ngày.

Chữa nhọt đầu đinh mới mọc: dùng lá rau khúc tươi trộn với cơm nguội và vài hạt muối đắp lên nhọt.

Rau khúc tốt cho sức khỏe nhưng một số trường hợp không nên dùng như người dị ứng với các loại rau họ cúc. Nếu dùng rau khúc chữa bệnh, cần tham khảo bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không lạm dụng rau này điều chế thuốc uống có thể gây ra tác dụng phụ. 

H.A