Kim tơ nam mộc là tên loại gỗ quý, xưa kia người ta gọi nó là "gỗ của hoàng đế". Bởi gỗ kim tơ nam mộc là vật liệu được dùng trong xây dựng cung điện do chúng đảm bảo độ bền, chắc chắn, kết cấu bền bỉ theo thời gian.
Gỗ kim tơ nam mộc có khả năng chống phân hủy, không dễ bị mục nát ngay cả khi bị chôn dưới đất hàng nghìn năm. Vì biết điều đó, nên nhiều vị vua đã dùng gỗ kim tơ nam mộc để chế tạo quan tài.
Gỗ này cứng, chắc chắn, không bị biến dạng ngay cả khi trải qua mưa gió dữ dội. Cho nên những gia đình quý tộc xưa rất thích chọn gỗ kim tơ nam mộc để làm các đồ dùng trong nhà như bàn, ghế. Nhờ đó mà đồ dùng bền theo thời gian.
Điều ít người ngờ đến nữa là gỗ kim tơ nam mộc còn tỏa ra mùi thơm độc đáo. Mùi thơm này làm cho căn nhà có hương thoang thoảng, xua tan sự u ám hay mùi khó chịu. Côn trùng khi ngửi thấy mùi này không lại gần.
Gỗ kim tơ nam mộc có nhiều tại Trung Quốc. Hiện, quốc gia này có 3 cây kim tơ nam mộc lớn nằm ở Trùng Khánh và Quý Châu, Vũ Hán. Cây lớn nhất trong đó nằm ở khu bảo tồn thiên nhiên ở Quý Châu.
Trước đây từng có một cành cây kim tơ nam mộc bị gió làm gãy. Cành cây này sau đó được bán với giá 400.000 tệ. Vì giá trị của nó nên gỗ kim tơ nam mộc được xem là loài cây được bảo vệ cấp quốc gia ở Trung Quốc, không được phép chặt hạ bừa bãi.
Tại Trung Quốc, từng có ông Tần sở hữu 3 cây kim tơ nam mộc trong nhà nhưng không hay biết. Ông tiết lộ, từ khi còn nhỏ đã nhìn thấy 3 cây trồng mà ông nội ví là "cây tiền". Theo thời gian, cây ngày càng lớn, ông Tần là thế hệ tiếp theo được thừa hưởng nhưng chưa bao giờ ông nghĩ đến việc bán cây.
Thông qua sách báo, thông tin, ông mới biết đó là kim tơ nam mộc. Ngay lập tức, thông tin về ông Tần sở hữu cây quý được lan truyền. Thậm chí, có người đã trả 280 triệu tệ (khoảng 900 tỷ đồng) để mua 3 cây. Ban đầu, ông Tần định bán nhưng các chuyên gia ngăn cản vì đó là cây gỗ quý, không giá nào có thể mua hay trồng được.
Ngày nay, số lượng cây gỗ kim tơ nam mộc không còn nhiều, nhưng giới đại gia tỏ ra rất quan tâm. Cách đây mấy năm, ông Qu Yingjiang đã chi số tiền lớn để mua cây kim tơ nam mộc.
Được biết, cây này vốn mọc ở vùng Đức Giang, Quý Châu. Tuy nhiên, hồi năm 2013, cây bị trúng sét đánh dẫn đến cháy. Cây bị hư hại nhiều, thân bị gãy đôi, một phần bị bốc cháy dữ dội 3 ngày 3 đêm mới dập tắt được.
Nhìn thấy tiềm năng của cây này sau thảm họa, ông Qu đã chi tiền 17 triệu tệ để mua. Sau khi mua ông đã cho cắt tỉa một số cành, rễ để làm thủ công. Nó được vận chuyển đến Quý Dương, Quý Châu với chi phí lớn. Cây này đã được trồng 4300 năm. Số liệu này được các chuyên gia đưa ra sau khi dùng phương pháp xác định tuổi của cây chứ không phải phỏng đoán.
Khi biết ông Qu sở hữu cây độc đáo, có người hỏi mua 250 triệu tệ nhưng ông không bán. Hiện tại, cây gỗ kim tơ nam mộc này được gia đình ông Qu coi trọng, bảo vệ. Mỗi sáng thức dậy, ông chạy ngay ra chỗ cây kim tơ nam mộc được trồng nhằm kiểm tra tình hình.
Sở dĩ gỗ kim tơ nam mộc đắt không chỉ là ở độ hiếm, chất lượng mà còn do quá trình sinh trưởng, phát triển chậm. Chúng lớn lên lặng lẽ giữa những khu rừng đại ngàn, với biết bao biến thiên của tự nhiên. Mất hàng trăm đến hàng ngàn năm mới có một cây kim tơ nam mộc cổ thụ.
Theo thống kê, phải trải qua 50 năm cây con mới phát triển thành cây trưởng thành. Tỷ lệ trồng thành công là rất khó, cho nên giá trị của nó càng khó có thể đưa ra con số cụ thể.
PHÚ NGUYỄN