Dâu tằm không còn là loại cây xa lạ với nhiều trẻ em lớn lên ở vùng nông thôn. Cây dâu tằm có thân mảnh, lá có gai và lông mịn, quả xanh khi chín chuyển sang màu đỏ tím, có vị chua nhẹ. Đây là món quà vặt yêu thích của nhiều đứa trẻ và là loại quả tuổi thơ của nhiều thế hệ. Đặc biệt, dâu tằm còn là loại thảo dược quý, có thể dùng để ngâm rượu, chữa bệnh. Cây dâu tằm còn mang ý nghĩa phong thủy, xua đuổi tà ma.
Bất ngờ hơn, dưới bàn tay của nghệ nhân, các chậu dâu tằm vốn chỉ là cây được mọc bờ bụi, mọc dại ở ven chân núi, hoặc trồng làm cảnh ở trước vườn… nay đã được cắt tỉa thành chậu cây cảnh bonsai vô cùng đẹp mắt. Cây cảnh bonsai này có dáng đẹp, dễ trồng và dễ chăm sóc, rất thích hợp là cây cảnh ngoại thất trang trí sân vườn, thưởng lãm đẹp và rất có giá trị kinh tế.
Những chậu bonsai dâu tằm đẹp mắt.
Anh Tiệp (ở Chương Mỹ, Hà Nội) “hái” thêm tiền triệu nhờ kinh doanh kiểng dâu tằm. Dù ổn định công việc đầu bếp tại một nhà hàng sang trọng tại Hà Nội, nhưng anh Tiệp vẫn đam mê chơi cây cảnh, cây thuỷ sinh, sinh vật cảnh… Năm 2016, anh Tiệp bắt đầu tìm hiểu, chơi dâu tằm và đến nay sở hữu hơn 10 gốc dâu tằm kiểng, với giá trung bình từ 500.000 - 5 triệu đồng/cây. Vườn dâu tằm kiểng của anh Tiệp cũng nổi tiếng khắp MXH.
“Cây dâu tằm ưa nắng nhưng trồng ở vùng đất ẩm nó vẫn phát triển. Muốn có hình dáng đẹp thì ta phải cắt giật hoặc uốn nắn cây. Điểm đặc biệt là cây dâu tằm dẻo nên uốn rất dễ mà không sợ gãy”, anh Tiệp nói. Trồng trong chậu bonsai cây dâu tằm vẫn cho ra trái bình thường, tới mùa thu hoạch trái, anh Tiệp vẫn thường dùng quả dâu tằm để ngâm rượu hoặc làm thức uống giải khát cho mùa hè.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây dâu tằm bonsai, anh Tiệp cho biết muốn cây dâu tằm luôn đẹp thì sau khi thu hoạch nên cắt tỉa tán cây cho gọn để cây mọc nhiều cành và sai quả. Nếu muốn cây ra quả vào dịp Tết Âm lịch thì trước Tết 2 tháng nên cắt nước, không tưới trong 10 ngày. Để cây héo và rụng hết lá, rồi bắt đầu tưới nước trở lại bình thường.
Để chăm sóc những cây dâu tằm bonsai này, kỹ thuật cũng không quá phức tạp.
Cũng đam mê và theo đuổi nghề trồng cây dâu tằm bonsai, anh Nam (28 tuổi, ở TP.HCM) đang sở hữu hơn 30 cây kiểng dâu tằm lớn, nhỏ với giá dao động từ 300.000 - 2,5 triệu đồng/cây. Mỗi tháng anh bán được vài chục cây và phôi.
Theo anh Nam những cây dâu tằm mà anh tâm đắc nhất cũng như có giá trị kinh tế cao, thường mang hình hài với bộ gốc to, cành già và cho nhiều trái. Ngoài ra, cây có bộ rễ đẹp hoặc có hình thù quái lạ thì lại càng có giá trị.
Anh Quý (ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) là một trong những "tay chơi" bonsai dâu tằm có tiếng ở phố núi Pleiku. Số lượng bonsai dâu tằm anh đang sở hữu lên tới hơn 200 cây. Mỗi chậu dâu tằm bonsai anh bán với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, có chậu dáng thế đẹp giá có thể lên tới 30 triệu đồng. Anh Quý cho biết những cây có bộ rễ đẹp hoặc có hình thù quái lạ thì lại càng được nhiều người tìm mua.
Anh Quý đang giới thiệu thành phẩm dâu tằm có thể xuất bán của mình.
"Lúc tôi lấy về chỉ là những cây trần trụi nhưng sau khi ngắm nghía, tìm cách uốn nắn chăm sóc, cây sẽ ra lá, ra cành, lúc đó tôi mới bắt đầu tạo dáng thế", anh Quý chia sẻ.
Đến nay, vườn bonsai dâu tằm hơn 200 cây của anh Quý cho thu nhập ổn định, thu hút nhiều khách hàng gần xa đến tham quan và mua cây cảnh. Anh Quý cho biết, trong tương lai sẽ tiếp tục gắn bó với cây dâu tằm, hoàn thiện kỹ năng nuôi trồng và chăm sóc cây dâu tằm bonsai, đồng thời mở rộng quy mô vườn cây cảnh cũng như thị trường buôn bán.
Từ loại cây bình dân, dâu tằm vào chậu cảnh thành bonsai có dáng thế đẹp mắt, dịp Tết được nhiều người tìm mua về chưng trong nhà, vừa đẹp lại có ý nghĩa về mặt phong thủy.
H.A