Shark Tank Việt Nam chính thức quay trở lại mùa 7 với 42 thương vụ hấp dẫn, chương trình thu hút ngay từ khi công bố 7 vị cá mập ngồi "ghế nóng". Trong đó, Shark Phạm Thanh Hưng, Shark Nguyễn Hòa Bình và Shark Minh Beta là những gương mặt đã xuất hiện từ những mùa trước.
4 cái tên mới toanh khiến dân tình tò mò, bao gồm: Shark Nguyễn Phi Vân, Shark Lê Mỹ Nga, Shark Nguyễn Văn Thái và Shark Tillman Schulz.
Shark Nguyễn Phi Vân
Bà Nguyễn Phi Vân có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Úc chuyên ngành Truyền thông Tiếp thị với hơn 20 năm kinh nghiệm làm quản lý cấp cao về phát triển thương hiệu, bán lẻ và nhượng quyền thương mại trên các thị trường mới nổi toàn cầu như tại Châu Á, Châu Phi và Đông Âu.
Bà còn từng là thành viên Hội đồng Cố vấn của Đề án 844 được phát kiến bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vững mạnh cho Việt Nam đến năm 2025. Bên cạnh đó, bà còn là thành viên Ban cố vấn của Hội đồng Giám đốc Tiếp thị Châu Á Thái Bình Dương (CMO), cố vấn nhượng quyền cho chính phủ Malaysia và Saudi Arabia.
Bà Nguyễn Phi Vân từng lọt top 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong ngành nhượng quyền toàn cầu năm 2019 và 2020, là nhà đầu tư với danh mục gồm 24 công ty.
Vào năm 2013, khi đang giữ cương vị Trưởng phòng Phát triển thị trường của một tập đoàn đa quốc gia phủ tới 100 thị trường, bà Phi Vân gây bất ngờ khi quyết định rời bỏ vị trí để bắt đầu lại từ đầu. Công việc đầu tiên bà chọn sau khi nghỉ việc là trở thành thực tập cho một công ty về công nghệ tại Singapore.
Chia sẻ về “khẩu vị đầu tư” khi tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 7, Shark Nguyễn Phi Vân kỳ vọng vào các startup có định hướng phát triển chuỗi, nhượng quyền thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động như bán lẻ, F&B, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cá nhân, công nghệ giải trí… nhằm xuất khẩu trí tuệ Việt ra thị trường quốc tế với giá trị cao.
Shark Lê Mỹ Nga
Bà Lê Mỹ Nga gây ấn tượng với học vấn "khủng". Bà là NCS TS Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại Thụy Sĩ, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Malaysia, từng tốt nghiệp ngành kinh tế ngoại thương - Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Vị "cá mập" này đã có gần 30 năm kinh nghiệm công tác trong ngành dầu khí, năng lượng và hàng hải, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong tập đoàn. Bà đã góp phần thành công các công trình dầu khí quốc gia Việt Nam và quốc tế từ thiết kế đến xây lắp, quản trị rủi ro vận hành như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất; hệ thống đường ống dẫn khí PVGAS/NCSP; hệ thống giàn khoan ngoài khơi Thang Long JOC,…
Hiện bà Mỹ Nga đang là chủ tịch của một quỹ đầu tư của startup bằng việc thực hiện các hoạt động cố vấn chuẩn hóa, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm hướng đến mục tiêu bước vào thị trường toàn cầu.
Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 7, Shark Lê Mỹ Nga bày tỏ sẽ quyết định đầu tư dựa trên các tiêu chí: Người sáng lập thể hiện được đam mê và quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực; sản phẩm có tính cộng đồng mà người dùng trên toàn cầu đều cần đến và đặc biệt có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề trong các ngành kinh tế giúp tạo ra những giá trị mới cho thị trường.
"Lion" Đức Tillman Schulz
Tillman Schulz được biết đến là doanh nhân thế hệ thứ 3 của một tập đoàn lớn hoạt động đa ngành tại Đức, đồng thời cũng là một Lion (Sư tử - Nhà đầu tư) trẻ, năng động của chương trình The Lion's Den (một chương trình truyền hình của kênh VOX (Đức) tương tự Shark Tank).
Khởi đầu sự nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, đến năm 2015, Tillman thành lập công ty riêng. Ông trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp từ năm 2019 khi thành lập công ty đầu tư mạo hiểm E.V.
Từ năm 2023, Tillman Schulz trở thành nhà đầu tư của chương trình The Lion’s Den, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các startup theo tiêu chí: Có ý tưởng tốt, theo đuổi các mục tiêu xã hội và người sáng lập tự tin, quyết đoán. Sau 2 mùa ngồi ghế “sư tử”, Tillman Schulz đã đầu tư cho 7 startup thuộc các lĩnh vực thực phẩm, thời trang, giải trí.
Nhằm tiếp tục mong muốn duy trì và tiếp tục mở rộng các dự án kinh doanh của tập đoàn tại Việt Nam, Tillman Schulz quyết định trở thành “cá mập” của Shark Tank Việt Nam. Ông cho biết sẽ ưu tiên tìm kiếm các startup hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, dược phẩm, ngành hàng tiêu dùng nhanh có tiềm năng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Shark Nguyễn Văn Thái
Shark Tank Việt Nam mùa 7 chào đón một nhà đầu tư lần đầu gia nhập "bể Cá Mập", đó là ông Nguyễn Văn Thái, chủ tịch một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm.
Khởi nghiệp đã 10 năm, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thái lại là doanh nhân khá kín tiếng báo chí và giới truyền thông.
Sự xuất hiện của ông Thái tại Shark Tank mùa 7 cũng đánh dấu lần đầu một doanh nhân trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm ngồi “ghế nóng”. Bày tỏ quan điểm khi tham gia Shark Tank mùa 7, ông Thái cho biết: "Các startup muốn tạo ra những thay đổi lớn trong ngành mỹ phẩm không chỉ cần vốn mà còn cần sự hỗ trợ toàn diện về công nghệ, năng lực sản xuất, quản trị và phân phối bán hàng… Tôi mong muốn đồng hành cùng các startup chinh phục thị trường và vươn ra thế giới".
3 gương mặt cũ của Shark Tank mùa này cũng có học vấn "siêu đỉnh"
Shark Bùi Quang Minh (Minh Beta) từng là học sinh chuyên toán Trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Tốt nghiệp cấp 3, anh nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Australia và tốt nghiệp bằng ưu tú loại 1 tại Đại học Sydney. Sau đó anh tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại trường ĐH danh tiếng Harvard (Mỹ).
Shark Nguyễn Hòa Bình từng theo học tại Đại học Quốc Gia Hà Nội, sau đó tốt nghiệp Thạc sĩ tin học đô thị trường Đại học thành phố Osaka (Nhật Bản). Theo chia sẻ, shark Bình có niềm đam mê với công nghệ khi mới 15 tuổi. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông quyết tâm thi đỗ ngành công nghệ Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay từ khi còn là sinh viên, shark Bình đã đạt được rất nhiều giải thưởng lớn trong cuộc thi công nghệ như trí tuệ Việt Nam, tài năng tin học trẻ…
Shark Phạm Thanh Hưng có thời gian gắn bó lâu nhất với Shark Tank Việt Nam khi đã đồng hành với chương trình qua 6 mùa liên tiếp. Shark Hưng là Thạc sĩ Kinh doanh (MBA) - Trường Quản trị Kinh doanh, Viện Công nghệ châu Á (Bangkok, Thailand), chuyên ngành Quản trị kinh doanh Quốc tế và chuyên ngành Quản lý và Chuyển giao công nghệ.
H.A