“Tôi đang làm việc chăm chỉ, giúp bố trả nợ ngân hàng, lo cho vợ con và báo hiếu mẹ”, anh Nguyễn Quốc Vương (34 tuổi, quê Bình Định), hiện đang sống tại TP.HCM mở đầu câu chuyện trong cuộc gặp với chúng tôi mới đây.
Người mẹ mà anh Vương mong muốn được báo hiếu là mẹ kế của anh - bà Nguyễn Kim Thanh (58 tuổi), giáo viên dạy văn ở Bình Định. Trước đó, anh không chịu gọi bà bằng mẹ và thường xuyên làm những việc khiến mẹ buồn: “Mẹ không sinh ra tôi, nhưng là người tôi rất kính trọng. Với tôi, mẹ như phật sống, rộng lượng và từ bi”, anh Vương tâm sự.
Anh Vương cho biết, trở thành một người sống có ích như hiện nay là nhờ công rất lớn của bà Thanh.
Từng là đứa trẻ bất cần đời
20 năm trước, ba mẹ ruột anh Vương ly hôn khi anh mới 5 tuổi. Sau đó, anh cùng mẹ chuyển ra Hà Nội sống. Ba anh đến Bình Định làm việc, sau đó kết hôn với bà Thanh cũng đang làm mẹ đơn thân nuôi con sau khi chồng qua đời. Nghe mẹ nói, ba đã lấy vợ, Vương giận ba, cũng ghét mẹ kế dù chưa được gặp bà. Vì chuyện đó, cùng với những ám ảnh về chuyện ba mẹ ly hôn, Vương trở thành đứa trẻ nghịch phá, thường xuyên bị mẹ ruột đánh mắng.
Học đến lớp 8, cảm thấy ở với mẹ ruột quá áp lực, Vương quyết định rời Hà Nội, vào Bình Định sống cùng ba và mẹ kế. “Lúc đó, người tôi toàn ghẻ lở, các vết bầm tím từ những trận đòn roi của mẹ đẻ”, Vương nhớ lại.
Về sống chung nhà, nhìn thấy con trai riêng của chồng người gầy còm, khắp người đầy vết thương, mặt hốc hác, bà Thanh rất thương, muốn quan tâm, chăm sóc cho đứa trẻ này. Nhưng vì ngại, sợ Vương buồn, bà chỉ biết âm thầm quan sát. Chờ đến lúc Vương đi ngủ, bà mới nhẹ nhàng mang thuốc thoa vào các vết ghẻ lở, dùng trứng luộc lăn lên các vết bầm tím cho con. “Tôi biết nhưng giả vờ ngủ”, Vương kể.
Những lúc con trai riêng của chồng bướng bỉnh, nghịch phá, đánh em khóc bà không đánh mắng, chỉ biết lặng lẽ vào phòng ngồi khóc. Bà luôn dặn con trai ruột: “Anh Vương từ nhỏ đã khổ, chịu nhiều thiệt thòi, con phải biết thương anh, nhường anh”.
Ở trường, bà Thanh là giáo viên dạy giỏi, được học sinh, đồng nghiệp kính trọng. Còn Vương lại nghĩ mình chỉ là một người thừa, muốn hiền lành, sống tử tế cũng không ai cho mình điều đó. Vì vậy, anh cứ quậy phá, chểnh mảng việc học, mấy lần bị đuổi học vì đánh bạn.
Vương chụp ảnh cùng bà Thanh và con trai ruột của bà Thanh. Ảnh: NVCC.
Suốt ngày bị phụ huynh mắng vốn, phải đi năn nỉ đồng nghiệp và ban giám hiệu nhà trường bỏ qua cho con trai riêng của chồng, bà Thanh cũng chỉ biết âm thầm chịu đựng, không than vãn nửa lời. “Lúc đó, tôi chỉ mong mẹ Thanh la mắng, hay đánh cho một trận. Nhưng mẹ không làm gì cả, khiến tôi hiểu sai, nghĩ mẹ là dì ghẻ thì sẽ chẳng thương yêu, quan tâm mình đâu. Vì vậy, tôi nghịch phá hơn. Càng học lên lớp cao, tôi càng thể hiện mình bất cần đời", Vương nói và cảm thấy hối hận về việc mình đã làm.
Đứa trẻ hư được cảm hóa từ những lời nói nhẹ nhàng của mẹ kế
Học xong lớp 12, Vương vẫn ham ăn chơi. Một lần, anh nhậu say nên bị té xe, phải khâu tổng cộng 27 mũi, bà Thanh đã ân cần chăm sóc, động viên con gắng ăn uống. “Mẹ tuyệt nhiên không nhắc đến tại sao tôi thế này, tại sao tôi thế kia. Mẹ chỉ nói: con phải đi đứng cẩn thận lại”.
Lần khác, Vương đánh nhau với bạn nhậu, phải nhập viện điều trị trong thời gian dài. Dù con trai ruột đang trong thời gian thi tốt nghiệp lớp 12, chồng đi làm xa, bà Thanh phải xin nghỉ việc, tay xách nách mang vào bệnh viện chăm Vương.
Nếu như những người khác sẽ rất giận khi con cái để xảy ra chuyện như Vương, bà Thanh lại rất nhẹ nhàng. Bà chỉ nói với Vương: “Con làm gì, tiếp xúc với ai cũng cần phải bình tĩnh, giữ mình. Con đánh nhau với người ta như vậy là không đúng. Bây giờ con đánh nhau chỉ bị thương như vậy, nhưng sau này có chuyện gì xảy ra, ba mẹ biết phải làm sao”. Chính những lời nói nhẹ nhàng như vậy đã giúp Vương nhận ra, mẹ Thanh rất thương, lo lắng cho mình.
Vương càng hối hận, nhận ra những việc mình làm trước đây đã sai khi nhìn thấy hai chân của bà Thanh sưng phồng, thâm tím, phải đi khập khiễng. “Mẹ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch từ lâu, nhưng cố chịu đựng một mình, bệnh mỗi ngày một nặng. Mỗi khi trái gió trở trời là mẹ bị đau nhức. Vậy mà, có lần tôi nhìn thấy toàn người mẹ mồ hôi nhễ nhại, mặt nhăn nhó, có lẽ vì đau do căn bệnh giãn tĩnh mạch đã không quan tâm, nghĩ chắc mẹ chỉ giả vờ. Tôi còn gây ra đủ chuyện, tự làm bản thân bị đau, khiến mẹ là người bị bệnh phải đi chăm người khỏe, lại còn là thanh niên vô tâm”, Vương ngậm ngùi nói.
Vương chụp ảnh cùng mẹ Thanh trong lần đưa gia đình đi chơi ở Đà Lạt. Ảnh: NVCC.
Cũng từ đó, anh bắt đầu thay đổi, quyết tâm làm người tốt, sống có ích để mẹ Thanh không còn phải khóc, lo lắng vì mình.
Hai mẹ con cùng khóc khi con trai xin được gọi mẹ
Năm 2012, anh Vương cưới vợ. Lúc đó, ba anh làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất. Thương Vương phải chịu nhiều thiệt thòi, bà Thanh bàn với chồng đi vay mượn, tổ chức cho con một lễ cưới đủ đầy để bù đắp. “Lễ cưới của tôi, mẹ lo như vậy. Còn lễ cưới của con trai ruột, mẹ tổ chức rất đơn giản. Tôi được mẹ ưu tiên hơn con ruột, vậy mà...”, Vương tâm sự.
Lúc làm lễ gia tiên, đứng giữa hai bên họ hàng, Vương xin bà Thanh cho hai vợ chồng được gọi bà bằng mẹ. Được con trai riêng của chồng gọi bằng mẹ, mắt bà Thanh đỏ hoe vì hạnh phúc. Vương cũng xúc động khi lần đầu thay đổi cách gọi bà Thanh từ cô sang mẹ. “Giây phút đó với tôi rất ý nghĩa”, Vương nói.
Cùng từ lúc đó, anh thấy cuộc sống thật ý nghĩa, thường xuyên trò chuyện, chia sẻ những chuyện vui buồn trong cuộc sống với mẹ Thanh. Bản thân Vương cũng hiểu được, mẹ Thanh không bao giờ mắng chửi mình là vì thương, không phải cứ dì ghẻ là ghét bỏ con chồng như trong những câu chuyện anh từng được kể lúc nhỏ.
Hơn một năm qua, anh Vương đi làm xa nhà, ít có điều kiện về thăm gia đình, bà Thanh trở thành chỗ dựa tinh thần của con dâu và các cháu nội. Còn anh Vương lúc nào cũng nhớ nhà, nhớ đến người mẹ không phải là máu mủ ruột rà vì mình mà khổ, giờ được nghỉ hưu lại lo cho vợ con anh. “Một tháng nữa, vợ tôi sẽ sinh con thứ 3, tôi đang ở xa, chắc mẹ lại thêm vất vả”, anh Vương chia sẻ.
DIỆU THUẦN