Gen Z làm nghề gì giữa bối cảnh kinh tế suy thoái luôn được người lao động Việt quan tâm. Đa số tò mò những “cậu ấm cô chiêu” vừa tốt nghiệp đại học sẽ ra sao khi phải đối diện với thực trạng thất nghiệp?
Nhiều bạn trẻ đùa rằng không xin được việc sẽ ở nhà trau dồi kiến thức để sau này phục vụ cho công việc, học cao học hoặc chỉ đơn giản “xin bố mẹ nuôi thêm một thời gian”. Song cũng có người dám đối diện với tình hình khó khăn chung, tìm hướng đi khác cho bản thân.
Quỳnh Hoa (22 tuổi, quê Thái Bình) – tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm tại một trường đại học tại Hà Nội tâm sự: “Ngành mình học khá trừu tượng, xin việc cũng không mấy suôn sẻ. Thường mình thấy anh chị khóa trên sau khi ra trường sẽ làm tại các công ty bánh kẹo, bộ phận kiểm nghiệm thực phẩm của vài công ty nhỏ.
Đến lượt mình, các công ty không có doanh số cũng dần cắt giảm nhân sự. Mình nhận thấy dù rải hồ sơ cũng ít có cơ hội gọi đến phỏng vấn chứ đừng nói đến việc được làm tại đó. Vì thế mình đã quyết định tìm một việc làm gì đó vừa sức với bản thân, có đồng lương để chi trả tiền ăn, ở trọ nơi thành phố”.
Quỳnh Hoa (22 tuổi, quê Thái Bình) – tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm tại một trường đại học tại Hà Nội.
Quỳnh Hoa lựa chọn nghề phụ bếp tại một khách sạn để mưu sinh trong tháng ngày kinh tế khó khăn. Sở dĩ cô gái lựa chọn công việc này bởi bản thân yêu thích việc nấu nướng, có thể “học lỏm” được cách chế biến các món ngon từ những đầu bếp. Và nếu cảm thấy phù hợp, cô xác định sẽ học lên cao để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp.
“Công việc phụ bếp đòi hỏi người làm phải có sức khỏe vì nặng nhọc, chịu được áp lực. Bạn lại là con gái, liệu có gắn bó lâu?” khi được hỏi, Quỳnh Hoa cho biết trước khi có ý định làm phụ bếp đã tìm hiểu kỹ lưỡng và xin ý kiến từ người trong nghề. “Người làm phụ bếp đóng một vai trò quan trọng trong ngành thực phẩm và nhà hàng, khách sạn. Họ hỗ trợ đắc lực cho bếp trưởng và nhân viên bếp, đảm bảo bếp vận hành trơn tru.
Công việc của một phụ bếp rất đa dạng, như: sơ chế nguyên liệu, dọn dẹp – vệ sinh, quản lý kho, hỗ trợ bếp trưởng, xử lý chất thải, bảo trì nhà bếp… Ban đầu mình được phân công nhiệm vụ sơ chế thức ăn và thi thoảng hỗ trợ bếp trưởng, khá vất vả nhưng làm mãi cũng quen tay”, Quỳnh Hoa tâm sự.
Cô gái gen Z bắt đầu công việc từ 9h sáng với việc nhặt rau, gọt cắt củ quả và các nguyên liệu khác. Sau đó cô rửa sạch, để ráo nước chờ đầu bếp bắt tay vào việc chế biến, chuẩn bị phục vụ bữa trưa cho thực khách ghé tới nhà hàng. Thậm chí cô còn tham gia vào việc phân chia và đo lường các thành phần theo công thức nấu ăn có sẵn.
“Công đoạn này yêu cầu sự tỉ mỉ và tinh tế của người làm nghề! Khi ấy mình không mất thời gian cho việc cân đo đong đếm này. Nhưng để thành thục, mình và đồng nghiệp phải mất một thời gian “quen tay” mới có thể ước lượng chính xác đến 98%.
Còn việc nhặt rau củ, đem đi rửa cũng cần phải có bí quyết để không làm mất đi độ tươi xanh vốn có. Và khi đầu bếp chế biến, chúng vẫn giữa được độ tươi, màu sắc như ban đầu cùng hương vị tuyệt vời. Lúc đó, món ăn đặt lên bàn tiệc sẽ thu hút thị giác – khứu giác – vị giác của thực khách”, cô gái trẻ tâm sự.
Về phần hỗ trợ cho bếp trưởng, Quỳnh Hoa cho biết sau khi nhặt - gọt rau củ quả xong sẽ "chạy việc" theo sự hướng dẫn của đầu bếp: vận hành thiết bị nhà bếp, bày biện và trang trí các món ăn... Hoặc đầu bếp cần chiếc chảo đang nằm trong bồn rửa sẽ sẵn sàng xắn tay áo lên và rửa. Cô nàng không ngại bất cứ công việc gì bởi luôn đề cao triết lý sống: chăm chỉ sẽ có ngày thành công.
“Mình kể, nhiều bạn bè nghĩ công việc này cũng nhàn. Nhưng mọi người phải làm mới biết vất vả ra sao. Có hôm khách sạn đông khách, mình và đồng nghiệp bận rộn từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Cả ngày chúng mình không được ngồi nghỉ ngơi lúc nào, chân tay cứ liên tục làm cái này cái kia.
Hơn cả, người làm bếp sẽ phải chịu cảnh lúc nào cũng làm việc trong môi trường nóng bức, đầy mùi dầu mỡ và thức ăn, nhất là mùa hè. Song mình vẫn phải luôn tỉnh táo và bình tĩnh để không đứt đoạn công việc của cả ê kíp”, Quỳnh Hoa nói.
Quỳnh Hoa làm việc không có cuối tuần và lễ tết. Cô nàng kể rằng công việc này khác với ngồi văn phòng, không gò bó nhưng khác biệt về thời gian nghỉ ngơi. Ví dụ cô nàng không có ngày nghỉ cuối tuần, thay vào đó là nghỉ 1 ngày trong tuần. Lúc đó cô muốn hẹn hò hoặc tụ tập bạn bè cũng khó bởi ai cũng phải đi làm.
“Ngày lễ tết, bạn bè mình hay rủ nhau đi ăn uống hoặc lên phố cà phê… Mình lại phải đi làm nên đành khất hẹn. Hồi đầu mình thấy khá khó chịu, cảm thấy bản thân rất lạc lõng nhưng giờ cũng quen rồi. Mình có thể đi dạo, ngắm phố phường vào giữa tuần”, Quỳnh Hoa tâm sự.
Với công việc phụ bếp, Quỳnh Hoa được trả lương chừng 7.000.000 đồng/tháng. Số tiền này so với nhiều người không quá cao nhưng cô nàng hài lòng giữa bối cảnh kinh tế suy thoái. Cô hi vọng sắp tới bản thân sẽ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, tự tin “nâng cấp” công việc của mình.
NGỌC HÀ