Từ khi tôi về làm dâu út trong nhà, bố mẹ chồng đối xử bình thường không ghét cũng không thương. Trên chồng tôi còn có 2 anh trai nữa. Các bác đều lập gia đình từ lâu nhưng gia trưởng và ăn nói khó nghe lắm. Các bác ấy có nhà riêng ở ngay bên cạnh nhà bố mẹ chồng tôi nhưng hay soi mói em dâu đủ kiểu. Nhất là những dịp cả nhà ăn chung các chị dâu cũng được thể nói em dâu út.
Sau cưới bố mẹ chồng đối xử bình thường với con dâu út. (Ảnh minh họa)
Nhà đông con và bố mẹ chồng thì sợ anh trưởng nên nghe lời răm rắp. Ông bà luôn có tư tưởng sau này già cả phải nhờ hết vào vợ chồng anh trưởng nên vậy. Ngoài mảnh đất anh trưởng đang ở, ông bà bảo sau này căn nhà của bố mẹ chồng cũng cho anh trưởng đứng tên để hương khói gia tiên. Chồng tôi và 1 bác thứ hai chỉ được ông bà cho 1 mảnh đất thôi.
Phận làm dâu lại không phải tài sản của mình nên tôi không bao giờ dám ý kiến. Bố mẹ chồng có cho là tốt. Sau 4 tháng sống chung nhà, ngày biết con dâu út có bầu, bố mẹ chồng cho 2 vợ chồng 1 mảnh đất khác trong làng có sẵn nhà cấp 4 ra ở riêng để tự lập.
Ngày cho ra riêng, vợ chồng tôi cũng thuê 1 chiếc xe chở giường tủ, các đồ sinh hoạt trong phòng đến. Do không dám đòi hỏi bố mẹ cho gì nên có khoảng 30 triệu đồng vợ chồng đi làm dành dụm được, tôi cũng bỏ ra mua bình nóng lạnh với 1 chiếc nồi cơm điện cùng vài vật dụng để dùng.
Mẹ chồng thấy dâu bầu vẫn dồn tiền mua sắm nên sốt ruột bảo:
“Con đang bầu bí, thai kỳ còn chưa biết có gặp vấn đề gì hay không nên phải có tiền phòng thân cho khoản này. Hơn nữa mang thai phải chú ý tẩm bổ, ăn uống và tiêm phòng định kỳ tốn kém cần có 1 khoản. Vì thế những thứ nào thật thiếu yếu mới mua, còn lại phải để dành để chủ động cho thai kỳ biết chưa?”.
Tôi cứ vâng dạ mà chẳng mấy để tâm tới lời mẹ chồng nói. Tôi nghĩ nếu mang thai có vấn đề gì lúc ấy sẽ tìm cách xoay sở sau. Mẹ chồng chỉ lo lắng thế chứ cho 2 con ra riêng cho được thứ gì đâu.
Ngày 2 đứa ra ở riêng, bà ra chơi mang theo được đúng túi gạo nếp bên trong có 5kg. Ấy thế mà cứ giữ khư khư bên mình, ngồi đâu cũng để bên cạnh. Tận lúc khách khứa về hết bà mới đưa tận tay con dâu bảo:
“Có 5 kg gạo nếp nương ngon lắm, bố mẹ cho con dâu bầu nấu cháo chim câu hay cháo cá chép mà ăn dần”.
Thấy bà chỉ cho mỗi gạo nên tôi nói luôn:
“Con chẳng lấy đâu, cháo tuy ngon nhưng con lười lắm nấu lắm, sáng ra đi làm lại vội nữa. Bà cứ mang về mà ăn”.
Tôi nói thẳng như thế để cho mẹ chồng biết bà ăn ở thiên vị. Cùng là con trai mà 2 anh chồng tôi khi ra riêng nghe nói bà đều cho tiền, nhà tôi con út thì chẳng được gì. Nhưng nói vậy mẹ chồng không giận còn cười:
“Cháo cá và cháo chim câu gạo nếp lích kích tí thôi mà ngon và bổ dưỡng cho bà bầu. Hoặc con để mà đồ xôi ăn sáng đều tiện. Đang bầu bí ăn nhiều đồ nếp cũng rất tốt cho sức khỏe”.
Bà vẫn cứ nhìn quanh và lén la lén lút đưa cho tôi 1 chiếc túi vải nâu, bảo bên trong có 5 cây vàng. Đây là số tiền ông bà tích góp mấy năm nay, bà cho 2 đứa ra riêng nhưng không muốn vợ chồng bác cả bác hai biết nên giấu vào túi vải mang sang cùng mấy cân gạo cho họ khỏi nghi ngờ. Bà dặn đừng nói chuyện này với ai kẻo 2 anh chồng và 2 chị dâu lại tị nạnh.
Dâu bầu ở riêng mà bà mang đúng 5kg gạo nếp sang cho, nói bầu bí ăn đồ nếp tốt cho thai kỳ. (Ảnh minh họa)
Trước khi về bà còn dặn, đang mang thai thi thoảng ăn đồ nếp cũng rất tốt. Phải cố gắng ăn uống để mẹ khỏe con khỏe trong thai kỳ mà mẹ tròn con vuông. Nghe mẹ chồng nói mà tôi bất ngờ quá. Tôi cứ tưởng bà chẳng quan tâm đến vợ chồng con út, nào ngờ vẫn được yêu thương.
Bà bầu ăn đồ nếp được không?
Gạo nếp là loại lương thực rất gần gũi trong đời sống. Đồ nếp là những thực phẩm được làm từ gạo nếp như bánh chưng, bánh tét, nấu xôi, nấu chè, làm các loại bánh.
Theo y học cổ truyền, gạo nếp vị ngọt, tính ấm; vào được ba đường kinh tỳ, vị và phế; có công dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế chỉ hãn; thường được dùng để chữa các chứng hư lao (suy nhược cơ thể), tiết tả (đi lỏng) do tỳ vị hư nhược, vị quản thống (viêm loét dạ dày, tá tràng), tự hãn, đạo hãn và đa hãn (rối loạn bài tiết mồ hôi), tiêu khát (đái đường), huyễn vựng (rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não) do huyết hư, ác trở (lợm giọng nôn mửa) ở phụ nữ có thai…
Theo y học dân gian, bà bầu có thể ăn đồ nếp. Ăn đồ nếp với một lượng vừa phải sẽ giúp bà bầu chống được lợm giọng và cảm giác buồn nôn khi thai nghén.
Tuy nhiên, bà bầu nên hạn chế ăn đồ nếp vì chúng có hàm lượng tinh bột cao (cơm nếp, khoai lang, khoai tây, sắn, bánh mỳ). Ăn quá nhiều tinh bột sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ (gestational diabetes).
Ngoài ra, đồ nếp có tính dẻo nên gây cảm giác khó tiêu, đầy bụng, nóng trong người khiến một số bà bầu khó chịu khi mang thai.
THẢO NGUYÊN