Cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp có nên kết hợp xin tài lộc? Gợi ý cách chuẩn bị lễ cúng chuẩn nhất

Google News

Việc cúng ông Công ông Táo là nét văn hóa lâu đời của người Việt, tuy nhiên khi thực hiện cần phải chuẩn bị những gì và tránh điều gì thì không phải ai cũng biết.

Không nên xin tài lộc hay tình duyên khi cúng ông Công ông Táo

Lễ cúng ông Công, ông Táo là một trong những nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt. Lễ cúng được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm hoặc có thể diễn ra trước ngày, khi thực hiện từ khâu chuẩn bị đến khâu cúng lễ cần phải hết sức lưu ý.

Theo các chuyên gia, cho đến thời điểm này không ai biết chính xác tục cúng ông Công ông Táo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận ngày nay và đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

Theo truyền thuyết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, trong khi ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc. Cả 2 vị thần này được coi là những nhân chứng đáng tin cậy, ghi chép mọi việc làm thiện - ác của con người. Mỗi năm, vào ngày 23 tháng Chạp, họ cưỡi cá chép lên thiên đình để báo cáo về tất cả những việc tốt và xấu của con người, để Thiên đình định đoạt công, tội.

Cúng ông Công ông Táo là nghi lễ có từ lâu đời của người Việt và được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm. Ảnh minh họa. 

Nhiều người tin rằng, viêc cúng ông Công ông Táo không chỉ để xin phước đức mà còn để đảm bảo công bằng, để nhận ra những việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Chính vì thế, khi chuẩn bị và thực hiện nghi lễ cúng cần phải hết sức lưu ý để chuẩn bị các lễ vật tươm tất và đầy đủ.

Chuyên gia phong thủy Phùng Hoài Phương chia sẻ, khi thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo không cần phải quá cầu kỳ, nhưng cần phải trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng của gia chủ.

Chuyên gia Phùng Phương lưu ý rằng, lễ cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp không nằm ngoài việc cung thỉnh chư vị Thần linh, Thổ địa, gia tiên. Vì vậy, việc hành lễ nên được tiến hành tại ban thờ chính, là nơi trang trọng nhất trong nhà. Khi cúng phải tỏ được tấm lòng thành là điều cốt yếu nhất, vì vậy ta cần tránh việc cúng tiền âm phủ, đốt vàng mã quá nhiều; không nên xin tài lộc khi cúng Táo quân.

Chuyên gia phong thủy Phùng Phương cho rằng, khi cúng ông Công ông Táo không nên đặt tiền âm phủ và không xin tài lộc, tình duyên. Ảnh: Chuyên gia cung cấp.

Theo đó, ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm nên việc gia cúng và đốt tiền âm phủ là không phù hợp. Hơn nữa, ý nghĩa thực sự của lễ cúng ông Công ông Táo là tiễn các vị thần lên thiên đình báo cáo tình hình của gia đình trong suốt 1 năm qua. Do vậy, việc cầu xin tài lộc, công danh, tình duyên trong khi làm lễ cúng này là không phù hợp.

Chuẩn bị lễ vật gì khi cúng ông Công ông Táo

Chuyên gia Phùng Phương tư vấn, những lễ vật mà các gia đình cần chuẩn bị để nghi lễ được tiến hành một cách chỉn chu và trang trọng nhất, bao gồm:

- 1 bộ ông Công ông Táo: 3 chiếc mũ, 3 đôi giày, 3 bộ áo, 3 con cá chép giấy.

- Mũ ông Công có 3 chiếc: 2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà. Mũ dành cho Táo ông thường có 2 cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà không có cánh chuồn. Những chiếc mũ này được trang trí bằng các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và dây kim tuyến và màu sắc theo ngũ hành năm.

- Cá chép sống.

Mâm cỗ cúng Táo quân tùy vào điều kiện kinh tế mỗi gia đình nhưng cần phải đảm bảo sự trang nghiêm, đầy đặn. Ảnh minh họa. 

- Mâm cỗ mặn bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, thịt lợn luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng, 1 bát canh mọc hoặc canh măng, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc… Việc chuẩn bị mâm cỗ mặn là tùy điều kiện gia đình, nhưng khi làm cần thể hiện sự trang trọng, đầy đặn.

Sau khi chuẩn bị hết những lễ vật, lựa được thời gian phù hợp, gia chủ bắt đầu tiến hành nghi thức cho phù hợp, gia chủ cần ăn vận chỉn chu, sắp đồ lễ ngay ngắn rồi lên hương, thỉnh lễ.

LÊ PHƯƠNG.