Bé H.V.T (ở Hải Phòng) dù mới 16 tháng tuổi nhưng đã được các bác sĩ chẩn đoán bị gù vẹo cột sống. Mẹ bé T cho biết, ngay cả khi chưa đi khám, chỉ quan sát bằng mắt thường cũng phát hiện ra con bị gù vẹo lưng.
Theo chia sẻ từ gia đình, từ khi sinh ra bé T đã có dấu hiệu của tình trạng chậm phát triển vận động. Với một đứa trẻ bình thường chỉ 3 tháng đã biết lẫy, nhưng bé T tới 5,5 tháng mới lẫy được và chỉ lẫy ở một bên.
Đến 7 tháng, bé chưa ngồi được nên gia đình sốt ruột và tập ngồi cho trẻ trong một thời gian dài. Chính điều này tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị gù vẹo cột sống, nhất là khi bé T còn bị bại não, có tình trạng tăng trương lực cơ nửa người trái, khiến một bên cột sống bị yếu và một bên bị căng cứng. Do đó, việc bắt trẻ phải tập ngồi sẽ càng khiến cho tình trạng căng vẹo cột sống thêm trầm trọng.
Việc sốt ruột cho trẻ tập ngồi, tập đứng sớm khi trẻ chưa sẵn sàng rất nguy hiểm tới hệ xương khớp của trẻ. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Đỗ Thị Lan, Khoa Y học Cổ truyền và phục hồi chức năng, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, bé T trước đó được gia đình đưa đi khám và chụp chiếu ở một cơ sở khác và xác định bị gù vẹo cột sống. Sau đó, trẻ được chuyển đến bệnh viện để phục hồi chức năng cho trẻ.
Với trường hợp của bệnh nhi này, bác sĩ Lan cho biết phác đồ điều trị sẽ phải tập phục hồi vận động, nắn chỉnh lại cột sống và mất nhiều thời gian, kinh phí. “Hiện chưa thể nói trước được khả năng hồi phục, mà còn phải phụ thuộc nhiều vào sự kiên trì của gia đình”, bác sĩ Lan cho hay.
Theo bác sĩ Lan, cong vẹo cột sống ở độ tuổi nhỏ thường gặp ở trẻ vận động kém, bại não. Thậm chí có trẻ mới 10 tháng tuổi đã bị cong vẹo cột sống do vận động kém, kết hợp với có sẵn bệnh lý nền. Với trẻ bình thường, cong vẹo cột sống (cấp tính) thường gặp ở trẻ từ 10 tuổi trở lên, nguyên nhân thường gặp là do ngồi sai tư thế trong thời gian dài.
Với việc cho trẻ tập ngồi, tập đứng sớm, bác sĩ Lan cho rằng đây là việc tuyệt đối phải tránh, vì nó gây ảnh hưởng đến hệ xương khớp của trẻ. Thậm chí, ngay cả những trẻ phát triển trước như biết đứng, biết ngồi trước lứa tuổi cũng đừng vội mừng. Bởi khi đó xương của trẻ chưa sẵn sàng để chịu áp lực, việc đứng sớm khiến xương bị ảnh hưởng, biểu hiện rõ ràng nhất là chân hình chữ O.
Hình ảnh phim chụp thể hiện cột sống của trẻ bị gù vẹo. Ảnh: BSCC.
Ngược lại, có trẻ phát triển muộn, đến tuổi chưa đi được, bò được, gia đình sốt ruột nhưng không đi khám mà bắt trẻ đứng. Khi đó cơ thể trẻ chưa sẵn sàng, việc bỏ qua các cấp vận động có thể khiến cho hệ xương, cơ của trẻ bị thay đổi, làm cho trẻ có dáng đi xấu và rất khó sửa.
Bác sĩ Lan cũng nhắn nhủ, các bậc cha mẹ cần phải biết con có phát triển vận động đúng với lứa tuổi hay không. Trong trường hợp trẻ phát triển không đúng tuổi vận động, gia đình cần đưa trẻ đi viện thăm khám để biết trẻ đang gặp vấn đề gì.
“Việc bắt ép trẻ ngồi, hay đi không đúng theo mốc vận động sẽ ảnh hưởng tới hệ xương, cột sống của trẻ. Do vậy, khi trẻ vận động chậm cha mẹ cần đưa trẻ đi khám. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường về cột sống, cha mẹ cũng cần phải cho trẻ đi khám sớm để phát hiện bệnh và can thiệp kịp thời”, bác sĩ Lan lưu ý.
LÊ PHƯƠNG.