Sâu muồng là một trong những món ăn độc đáo nhất định bạn phải thử khi đi du lịch tới vùng đất Tây Nguyên.
Chị Mai (ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ sâu muồng chỉ xuất hiện vào mùa khô, khoảng tháng 3 đầu tháng 4 âm lịch và chỉ có trong vòng một tháng.
"Vào khoảng thời gian này, ở Tây Nguyên xuất hiện những cơn mưa trái mùa, cây muồng ra lá non. Lúc đó những con sâu sẽ ăn lá muồng rồi lột thành nhộng. Trước đây bà con nhặt nhộng sâu muồng về chế biến món ăn. Những con sâu muồng nhả tơ cố định vào lá, chờ thành nhộng và không còn ngọ nguậy là ăn ngon, bổ nhất", chị Mai chia sẻ.
Sâu muồng sau khi trưởng thành sẽ bám xuống dưới chiếc lá, nhả tơ và hóa thành nhộng.
Theo quan sát, con sâu muồng nhỏ, lưng màu vàng, hai bên mình có sọc đen, trơn, di chuyển bằng cách cong thân mình lại và bắn về phía trước. Những con sâu này ăn lá muồng rồi đóng kén thành nhộng muồng dưới các tán lá.
Chị Mai nói thêm, cây muồng được trồng để những cây tiêu bám vào, còn loài sâu này chỉ ăn lá muồng, không ăn lá tiêu nên người ta không phun thuốc, chờ đến lúc nó đóng kén rồi đem về ăn.
Từ nhộng sâu muồng có thể làm thành các món: chiên, xào, lăn bột, luộc... Nhiều người nhận xét nhộng muồng thơm và ngon hơn nhộng tằm, ăn không bị ngấy.
Nếu trước đây nhộng sâu muồng có đầy, không ai biết đến, thì giờ đây chúng thành đặc sản có hương vị lạ được du khách gần xa tìm để thưởng thức. Nhìn thấy nhộng sâu muồng lần đầu, nhiều chị em thấy e dè, nhưng khi lấy hết cam đảm để thử sẽ thấy món ăn này vừa béo vừa bùi lại ngọt, vô cùng hấp dẫn.
Nhộng sâu muồng là món đặc sản độc nhất vô nhị ở Tây Nguyên, ít người được thưởng thức
Để bắt được sâu muồng, người dân phải đi từ sáng sớm, vạch những tán lá phía dưới gốc muồng hoặc trèo lên cây cao để bắt sâu muồng. Sâu muồng giờ đây cũng ít hơn xưa, nếu chịu khó, mỗi ngày một người chỉ bắt được 1-2 kg thành phẩm. Sau khi bắt về, sâu muồng được thương lái và các nhà hàng thu mua tận nơi.
"Nhộng sâu muồng bây giờ cũng hiếm hơn nhưng rất nhiều người hỏi mua nên giá cả vì thế mà tăng cao. Có thời điểm 1kg sâu muồng được bán với giá lên tới 200.000 đồng. Bạn bè tôi ở ngoài Bắc nhờ mua hộ nhưng loài này nếu để lâu sẽ chết, mất ngon nên thường phải luộc sơ qua, đóng đá rồi bảo quản thùng xốp sau đó mới gửi xe", anh Ngọc (ở Đắk Lắk) chia sẻ.
Anh Ngọc cho hay, nhộng sâu muồng bắt về, sau khi chần qua nước sôi, để ráo nước, phi hành tỏi với dầu mỡ cho thơm rồi cho nhộng vào đảo nhẹ tay. Nêm muối, đường, hạt tiêu, mắm, ớt, thêm lá chanh thái nhỏ hoặc lá móc mật vào cho thơm rồi bắc ra ăn với bánh đa. Sau khi rang chín, nhộng có màu vàng, béo, bùi và rất ngậy.
Theo người dân địa phương, nhộng sâu muồng rất ngon và bổ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được vì một số người ăn không quen sẽ bị dị ứng, nổi mề đay. Vì vậy, trước khi ăn phải nếm thử 1-2 con, nếu không thấy hiện tượng lạ mới tiếp tục sử dụng nhộng sâu muồng làm thức ăn.
H.A