Sam biển là một loài hải sản đắt đỏ được tìm thấy ở vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bình Thuận... Trong đó, sam biển ở Quảng Ninh được đánh giá là nhiều và ngon hơn cả.
Con sam có hình thù lạ mắt, vỏ cứng như mai cua, mình dẹt, đường kính khoáng 20cm. Chúng bơi rất chậm và bò như cua. Điểm đặc biệt là loài này thường sống thành từng cặp cho hết đời nên dân gian mới có câu "dính nhau như sam". Sam cái có kích thước lớn hơn sam đực. Một con sam cái thường nặng từ 1,5 - 3kg, có khi nặng hơn. Còn sam đực nhỏ hơn một nửa, chỉ từ 1 - 2kg.
Sam là đặc sản hiếm và vô cùng bổ dưỡng ở vùng biển Quảng Ninh
Theo tìm hiểu, sam có 4 mắt, trong đó có 2 mắt lồi ra ở bên thân thể và 2 mắt còn lại ở trên đầu nằm sát vào nhau. Con sam sống ở các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Hơn nữa, sam biển chỉ sống được tối đa 3 ngày sau khi rời biển nên giá sam tươi sống rất đắt đỏ.
Từ sam biển có thể chế biến thành các món thơm ngon và bổ dưỡng, có thể nướng, hấp, làm gỏi, nấu súp, cháo, xào lá lốt…, trong đó nộm thịt sam và chân sam xào chua ngọt là 2 món được ưa chuộng nhất. Quy trình chế biến sam biển rất kỳ công, không phải ai cũng biết làm. Những người có kinh nghiệm cho biết không nên ăn quá nhiều trứng và thịt sam biển cùng lúc bởi các chất độc trong rong và tảo biển - thức ăn của sam có thể chưa phân hủy hết sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe người dùng.
Sam được bán theo cặp, mỗi cặp có giá 800.000 - 1.200.000 đồng tuỳ kích thước và thời điểm.
Chị Hoài (chủ một cửa hàng hải sản ở Hạ Long) cho biết trước đây ít người biết tới sam biển nên giá rẻ. Vài năm gần đây, loài này thành đặc sản nổi tiếng, hàng có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Chúng được bán theo đôi, khoảng 800.000 - 1.200.000 đồng/đôi tuỳ kích thước và thời điểm.
"Tôi thu mua của bà con rồi bán nhưng số lượng cũng không có nhiều. Nhiều khách ở Hà Nội cũng đặt mua nhưng đôi khi họ phải chờ cả tuần hoặc vài tuần mới có hàng. Sam biển ngon nhưng chế bến cũng kỳ công và phải những người có kinh nghiệm mới làm được. Khi cắt tiết sam, phải cắt làm sao cho thành tia thì mới không làm mất đi độ chát của thịt sam. Riêng phần gan, ruột sam cần lọc thật khéo. Nếu không may sơ ý làm vỡ gan hoặc ruột của sam biển sẽ khiến chất độc dính vào phần thịt, có thể gây dị ứng hoặc đau bụng, ngộ độc với người ăn", chị Hoài nói thêm.
Món chân sam xào chua ngọt
Ngoài là một món hải sản thơm ngon, máu của loài này còn có giá trị lớn. Theo đó, máu sam biển có màu xanh dương vô cùng độc đáo. Một gallon (khoảng 3,7 lít) máu của sam biển có mức giá là 60.000 USD (khoảng hơn 1,4 tỷ đồng). Điều này có nghĩa là mỗi lít máu của sam biển có giá là hơn 400 triệu đồng. Trong máu sam biển có một chất làm đông đặc biệt. Chất này được dùng để pha chế thuốc.
H.A