Đặc sản xưa ít người dám ăn, giờ được các nhà hàng "săn lùng" vì hương vị độc đáo, 250.000 đồng/kg

Google News

Sâu măng có giá khá đắt đỏ, chừng 200.000 – 250.000 đồng/kg, tuỳ từng thời điểm.

Sâu măng là loại sâu sống trên cây măng, là đặc sản của người dân ở những vùng núi như Sơn La, Mường Lát (Thanh Hoá). Chúng có đặc điểm to bằng đầu đũa, màu trắng sữa, dài cỡ 2 đốt ngón tay.

Mùa của sâu măng thường vào thời gian sau trận mưa dài ngày, nắng bắt đầu lên. Khi ấy người dân sẽ mang gùi vào rừng đi bắt sâu măng về chế biến thành món ngon hoặc đem ra chợ bán.

Chị Kiều Giang (29 tuổi, Sơn La) cho biết: “Bắt sâu măng không khó nhưng để bắt được nhiều lại khá tốn công. Chúng tôi chỉ cần mang theo dao và giỏ đựng rồi lên rừng tìm bụi nứa bụi măng.

Sâu măng có đặc điểm to bằng đầu đũa, màu trắng sữa, dài cỡ 2 đốt ngón tay.

Hễ cây măng nào có biểu hiện héo ngọn, thân cong queo, mắt cây có u thì chúng tôi biết rằng đây chính là nơi trú ngụ của những chú sâu. Những cây bị sâu ăn thường lên đến tầm thắt lưng là đã phát hiện ra, song phải là những cây đã cao quá đầu người hoặc cao chừng 3m thì mới có sâu lớn và số lượng nhiều hơn”.

Thông thường mỗi cây măng cho từ 200 - 300 gram sâu măng. Người bắt sâu hạ gục cây măng xuống rồi đổ sâu trong ống nứa vào giỏ. Nếu may mắn một người có thể bắt được từ 1 – 1,5 kg sâu măng/ngày.

Sâu măng xào lá chanh là món ăn ngon nhất.

“Hiện tại sâu măng có giá khá đắt đỏ, chừng 200.000 – 250.000 đồng/kg, tuỳ từng thời điểm. Chúng tôi chỉ cần bắt về đem ra chợ một lúc là người mua đến lấy, thường là chủ các nhà hàng hoặc khách sạn”, người phụ nữ nói.

Cũng theo chị Kiều Giang, trước khi chế biến sâu măng, người dân sẽ được đem đi phơi khô hoặc luộc sơ qua để sâu cứng lại. Sau đó mới được đem đi chế biến các món như: xào, chiên, băm chả...

“Món ăn được cho là ngon và độc đáo nhất là sâu măng xào với lá chanh. Cách chế biến chũng khá đơn giản. Theo đó sâu măng sau khi được rửa sạch, ướp gia vị thì đem đi xào trong chảo dầu nóng.

Khi sâu măng chuyển sang màu vàng nhạt cho thêm lá chanh thái chỉ và đảo đều là đã có thể thưởng thức ngay. Khi ấy, sâu măng có màu vàng ruộm, mùi thơm rất hấp dẫn và chúng tôi thường dành để tiếp đón khách quý”, chị Kiều Giang bày tỏ.

Xưa sâu măng chỉ đơn thuần là món ăn của người đồng bào ở các vùng núi. Song dần dần chúng đã trở thành đặc sản của núi rừng, xuất hiện trong các nhà hàng… Vì thế người dân thi nhau vào rừng bắt về bán, cải thiện kinh tế gia đình. Thậm chí thương lái từ các thành phố lớn cũng tìm về mua.

K.T