Đại gia nức tiếng Sài Gòn xưa: Từ kẻ vô gia cư thành tỷ phú nhờ có mánh khóe kinh doanh, là ông chủ của chợ Lớn

Google News

Từ kẻ vô gia cư không người thân thích, Quách Đàm trở thành một trong những tỷ phú thế kỷ 20, là người đặt nền móng cho sự ra đời của khu chợ có quy mô lớn nhất khu vực miền Nam.

Những năm tháng cơ cực, tôi luyện ý chí tỷ phú Sài Gòn xưa

Quách Đàm (1863-1927) tên thật là Quách Diệm. Ông là người Triều Châu, Trung Quốc. Theo ghi chép từ cuốn sách "Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa", Quách Đàm từ nhỏ vốn mồ côi cha mẹ. Thuở nhỏ, ông có cuộc sống cơ cực, vất vả. Đến năm 14 tuổi, ông trôi dạt sang Việt Nam, đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của khu chợ Lớn - Sài Gòn mưu sinh với nghề mua bán phế liệu để kiếm sống qua ngày.

Bởi không có nhà cửa, không người thân thích nên ông cứ đi lang thang mua bán ve chai cả ngày, tối về ngả lưng dưới mái hiên các ngôi nhà. Dù sống cảnh đời bấp bênh, cơ cực là vậy nhưng Quách Đàm luôn nuôi chí lớn. Sau vài năm làm lụng cật lực, ăn uống kham khổ, thậm chí còn từng bị bọn xấu rình trộm, đánh cắp vốn liếng nhưng ông không nản chí. Quách Đàm quyết tâm làm lại từ đầu, để rồi cũng dành dụm được số vốn kha khá.

Ban đầu, Quách Đàm sử dụng số tiền tích cóp này để buôn bán các mặt hàng lạ và hiếm như da trâu, vi cá. Về sau, ông mướn một căn nhà trên đường Quai de Gaudot (đường Hải Thượng Lãn Ông bây giờ) để mở cửa hiệu. Ông lấy chữ đầu của hai câu "Thông thương sơn hải - Hiệp quán càn khôn" là "Thông Hiệp" đặt cho hiệu buôn.

Sau đó, Quách Đàm tiếp tục mướn tiếp một căn nhà ở khu vực chợ Kim Biên ngày nay. Ông chuyển sang kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm và chủ yếu thu mua lúa gạo ở các tỉnh miền Tây nhờ tận dụng địa thế ngôi nhà thuê nằm ngay bờ kênh. Từ hiệu buôn nhỏ sau phát triển lớn dần, ông trở thành nhà thầu cung cấp gạo lớn nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn thời bấy giờ.

Hình ảnh hiếm hoi còn lại của Quách Đàm

Kể về mánh làm ăn giúp Quách Đàm trở nên giàu có, học giả Vương Hồng Sển trong “Sài Gòn năm xưa” có ghi lại câu chuyện. Lần nọ, Quách Đàm gom lúa miền Tây đưa về trữ ngập trong các nhà kho, chờ ngày xuất bán sang nước ngoài. Nhưng vì nắm chưa kỹ thông tin thị trường, giá lúa quốc tế năm đó sụt giảm nặng. Ông đứng trước nguy cơ lỗ nặng, phá sản nên người nhà, nhân công đều hết sức lo lắng.

Dù vậy, Quách Đàm vẫn bình tĩnh như thường. Ông cho người tiếp tục thu mua lúa giá như cũ, thậm chí trả giá cao hơn các lái thương khác để gom hết. Tiếp đến, ông cho người tung tin đồn giá lúa thế giới sắp tăng vọt. Các thương lái thấy vậy đua nhau mua lúa trong nước với giá cao chờ bán kiếm lời.

Lúc này, ông âm thầm dừng mua lúa đồng thời xuất lúa chứa trong kho ra bán. Khi các nhà buôn khác phát hiện bị lừa, lượng lúa của Quách Đàm trong kho đã vơi dần. Các thương lái, nhà buôn đành chia nhau gánh thay phần lỗ của ông. 

Tượng Quách Đàm tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Ý chí làm giàu và tài kinh doanh của thương nhân họ Quách khiến nhiều người phải nể phục. Thời hưng thịnh, ông cho mua lại các doanh nghiệp nợ nần, sắp phá sản. Vào tay ông, các công ty này được vực dậy, mang lại cho gia đình Quách Đàm thêm nhiều của cải.

Ông còn lập hãng tàu biển Nguyên Lợi hoạt động vận tải các tuyến Sài Gòn - Singapore, Hồng Kông, Quảng Châu, Sán Đầu… Công việc kinh doanh phát đạt đến mức thương gia họ Quách được mệnh danh "vua lúa gạo" Nam Kỳ.

Mưu sâu nhưng khó thắng thời thế và di sản chợ Bình Tây

Năm 1925, chánh tham biện Chợ Lớn thấy khu vực thành phố đất chật người đông nên muốn mở rộng thêm địa giới ra ngoại thành. Chánh tham biện bèn hỏi điền chủ một khu vực đất hàng chục mẫu giáp ranh nhưng giá khá chát.

Là người mưu trí, Quách Đàm biết tin liền chớp lấy thời cơ. Ông đề nghị hiến tặng ba mẫu đất ở xóm Bình Tây, sẵn sàng bỏ cả tiền túi để xây một cái chợ thật lớn cho chính quyền thành phố. Đổi lại, ông xin xây hai dãy nhà phố quanh chợ và được dựng tượng mình trong chợ. 

"Yêu sách" thứ hai vốn không đơn giản. Bởi bấy lâu nay, chỉ những danh nhân mới được dựng tượng. Thế nhưng cuối cùng, chính quyền thực dân cũng thông qua vì tượng chỉ đặt trong chợ.

Bức ảnh chợ Bình Tây cũ, lúc chưa được xây dựng lại

Chợ Bình Tây không chỉ là một trung tâm thương mại mà còn là 1 địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Chợ xây dựng mang tên chợ Bình Tây nhưng hầu hết người Nam bộ đều gọi bằng cái tên Chợ Lớn mới, thay cho chợ Lớn cũ bị thiêu rụi sau một trận hỏa hoạn. Theo tính toán của Quách Đàm, chợ Bình Tây có quy mô lớn nhất khu vực Nam Bộ. Toàn bộ khu chợ được thiết kế theo lối Á – Âu, tạo các gian hàng rập khuôn rồi mời các tiểu thương vào buôn bán. 

Bỏ ra nhiều tiền của, thiết kế, nhân lực để xây chợ, tâm tư Quách Đàm không chỉ nhằm mỗi mục đích dựng tượng.  Ý định thâm sâu của ông là dời được trung tâm buôn bán của thành phố Chợ Lớn về chợ Bình Tây để thu lợi.

Nhưng "người tính không bằng trời tính", khi mọi công đoạn chuẩn bị xây chợ đã hoàn thành, Quách Đàm qua đời vào năm 1927, thọ 64 tuổi. Việc xây chợ bị dời lại 1 năm. Đến năm 1928, các con của ông thay cha đứng ra xây chợ Bình Tây và hoàn thành vào năm 1930.

Mặc dù chợ Bình Tây to lớn là vậy nhưng thưa thớt người buôn bán. Bởi lẽ, người Hoa đã có chỗ kinh doanh ổn định, họ ngại không muốn dời về chợ mới. Chỉ có người mới ra là về chợ buôn bán, thành thử đây được xem là một thất bại hiếm hoi của Quách Đàm. Phải hơn chục năm sau chợ Bình Tây mới sầm uất nhưng lúc này, cơ ngơi dòng họ Quách đã không còn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1933.

Đài thờ Quách Đàm tai chợ Bình Tây

Bức tượng Quách Đàm được đặt ở công viên nhỏ giữa chợ sau khi hoàn thành việc xây dựng chợ Bình Tây. Nhưng sau 1975, tượng Quách Đàm bị tháo dỡ. Sau nhiều năm nằm kho tại phòng Văn hóa Thông tin quận 6, đến năm 2003, bức tượng được dời về lại Bảo tàng Mỹ thuật.

HÀ ANH