Hiện nay, tình trạng mang thai ngoài ý muốn đang diễn ra ngày càng phổ biến, trong đó không ít người đang còn là học sinh, sinh viên. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, học tập, cũng như tương lai của những người trẻ tuổi. Thậm chí, đây còn là cú sốc lớn, gây ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn tới những bệnh lý tâm thần cần phải điều trị.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, bà từng tiếp nhận nhiều ca bệnh bị stress, trầm cảm, rối loạn tâm lý do mang thai ngoài ý muốn, hoặc rối loạn tâm thần sau sinh con. Điển hình như trường hợp của N.Q (20 tuổi, ở Hà Nội), lỡ mang bầu khi đang là sinh viên năm thứ hai một trường đại học.
Việc mang thai, sinh con ngoài ý muốn rất dễ bị các rối loạn tâm thần. Ảnh minh họa.
Do liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, Q đã giữ thai và sinh con, nhưng phải tạm thời nghỉ học để có thời gian chăm con. Đang tuổi ăn, tuổi học phải dừng lại để sinh con, rồi dành nhiều thời gian chăm con khiến cô nữ sinh trẻ đối mặt với nhiều vấn đề như mất ngủ, căng thẳng, lo lắng, stress…
Theo chia sẻ của Q, cô không có tình cảm, cảm xúc với con, luôn cảm thấy mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần khi nghe thấy con khóc. Đặc biệt, sau gần một năm chăm sóc con, Q không nhận được sự động viên, mà chỉ nhận được những lời trách móc từ những người xung quanh.
“Dù cháu đã cố gắng hết sức, nhưng mọi người cứ gặp là trách móc, chê bai không biết chăm con để con còi cọc, biếng ăn, hay ốm đau…”, Q chia sẻ với bác sĩ. Chính điều này khiến Q rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần ngày càng nặng, thậm chí còn có tình trạng ảo thanh khi liên tục nghe tiếng trẻ con khóc, dù con khi đó không hề quấy khóc.
Mỗi khi bị stress như vậy, Q thường tìm cách tự hành hạ bản thân để giải tỏa. Cụ thể, nhiều lần cô tự cào cấu, đánh tát vào mặt, hay thậm chí là dùng vật sắc nhọn để cắt cơ thể. “Mỗi lần làm như vậy cháu cảm thấy mọi ức chế, bực dọc trong người muốn được giải tỏa”, Q nói.
Sau khi thăm khám, bác sĩ Thu chẩn đoán, Q bị trầm cảm, kèm theo đó là mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân và phải điều trị bằng thuốc, kết hợp liệu pháp tâm lý. Phía gia đình cũng cần có sự động viên, quan tâm hơn nữa để người bệnh cảm thấy được yên tâm hơn khi chăm con.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu cho biết, hội chứng tự ngược đãi bản thân ngày càng phổ biến, nhất là ở những người trẻ.
TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, BV Bạch Mai) cho biết, hội chứng tự ngược đãi bản thân là một dạng rối loạn tâm thần, biểu hiện thông qua các hành vi tiêu cực. Bệnh nhân mắc triệu chứng này thường dùng bất kể vật gì để tự hủy hoại bản thân, phổ biến là dùng dao lam với những vết cắt nông, rỉ máu để thỏa mãn bản thân mà không gây nguy hại cho tính mạng.
Sau mỗi lần làm tổn hại bản thân, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế. Có những bệnh nhân nhập viện với vài chục vết cứa trên tay và chân. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn xuất hiện tình trạng tự đánh, tát, cào cấu, nhịn ăn, cố tình ăn mặc xấu xí, hay trẻ nhỏ bỏ ăn đập đầu vào tường…
Ngoài việc tự hủy hoại, người mắc chứng tự ngược đãi còn có trạng thái ức chế, chán nản, mệt mỏi, dễ cáu giận, rối loạn giấc ngủ, lo âu… rất giống trầm cảm. Nhưng theo bác sĩ Tâm, khác biệt với trầm cảm là kéo dài nhiều giờ, nhiều tháng, chứng tự ngược đãi giảm đi rất nhanh sau khi được thỏa mãn bằng cách tự làm hại bản thân.
“Tự ngược đãi bản thân thường gặp ở lứa tuổi vị thành niên, người cầu toàn hay đòi hỏi, người có nét nhân cách phô trương, người hay lo lắng… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Tâm cảnh báo.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu khuyến cáo, cách tốt nhất để cải thiện hội chứng tự ngược đãi bản thân là chia sẻ cảm xúc với người thân và bạn bè; tìm kiếm sự hỗ trợ từ các mối quan hệ xung quanh. Ngoài ra, việc thay đổi phương pháp giáo dục và tăng cường quan tâm đối với cảm xúc và suy nghĩ của con cái rất quan trọng để ngăn chặn và cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả.
LÊ PHƯƠNG.