Lịch Gregorian hay Dương lịch có giá trị trên toàn cầu. Theo lịch này, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đón năm mới vào ngày 1/1 hàng năm. Tuy nhiên, do sự chênh lệch múi giờ, sẽ có những quốc gia đón năm mới trước và những quốc gia đón năm mới sau. Điều đó có nghĩa là khi bạn đang tận hưởng những giờ cuối cùng của năm 2022 thì người dân ở một số đất nước khác đã bước sang năm mới 2023.
Nơi đón năm mới đầu tiên
Có 3 nơi đón năm mới 2023 đầu tiên trên thế giới. Đầu tiên là Samoa - một quốc gia nằm ở phía Tây quần đảo Samoa, thuộc nam Thái Bình Dương. Nước này sẽ chào đón năm mới 2023 lúc 17h ngày 31/12 (giờ Việt Nam), tức là sớm hơn so với Việt Nam tới 5 tiếng.
Bên cạnh Samoa, Vương quốc Tonga - một quốc đảo nằm ở phía nam Thái Bình Dương; cùng với đảo Christmas của Cộng hòa Kiribati, cũng là 2 khu vực đón giao thừa đầu tiên trên thế giới. Điều thú vị là Cộng hòa Kiribati nằm ngay phía nam đảo Hawaii, trong cùng một đường kinh tuyến, nhưng lại đón giao thừa sớm hơn gần như 1 ngày. Cũng nhờ điều này, Cộng hòa Kiribati đã thu hút rất nhiều khách du lịch tới đất nước của mình mỗi dịp năm mới bởi nhiều người muốn được là những người đầu tiên trên thế giới đón giao thừa.
Nơi đón năm mới cuối cùng
Sau khi đi chu du khắp thế giới, cuối cùng thì năm mới cũng đến thật trọn vẹn khắp Trái đất. Những đảo không có người ở Howland và Baker Islands, gần Mỹ là những nơi cuối cùng trên Trái đất đón năm mới. Thời khắc giao thừa ở đây diễn ra vào khoảng 19h ngày 1/1/2023, theo giờ Việt Nam.
Trên thực tế, đất nước Samoa từng là một trong những quốc gia đón năm mới cuối cùng trên thế giới. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, chính quyền nước này đã quyết định chuyển đổi từ phía Đông của đường phân ngày quốc tế sang phía Tây. Từ đó, quốc đảo nằm ở phía nam của Thái Bình Dương này thành quốc gia đầu tiên chào đón năm mới thay vì cuối cùng.
Nam Cực - nơi có tất cả các múi giờ
Nam Cực trải dài trên tất cả các múi giờ, vậy năm mới ở vùng đất này sẽ được tính như thế nào? Theo nhà khoa học máy tính Paul Eggert, mỗi trạm nghiên cứu đặt ở Nam Cực đều nằm rải rác khắp các châu lục nên sẽ tuân theo Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC) của quốc gia ở đó. Ví dụ, Trạm McMurdo tuân theo giờ New Zealand (UTC+12), Trạm Palmer tuân theo giờ Chile (UTC-3). Thế nhưng khi sống ở Nam Cực, giờ giấc thực sự không quá quan trọng bởi tại đó sẽ có 6 tháng chỉ có ban ngày và 6 tháng chỉ có ban đêm.
Có nhiều điều thú vị khác liên quan đến múi giờ năm mới 2023. Ví dụ, Trung Quốc chỉ có một múi giờ mặc dù về mặt địa lý, quốc gia này có thể có tới 5 múi giờ. Quốc gia này áp dụng giờ Bắc Kinh, tức là cả đất nước rộng lớn tuân theo múi giờ của thủ đô Bắc Kinh. Điều này gây ra bất tiện cho một số nơi, như thành phố Urumqi, nằm cách thủ đô Bắc Kinh hơn 3.200 km về phía tây nên vào lúc 10h sáng, mặt trời ở đây vẫn chưa mọc.
Điều này cũng có nghĩa là nếu bạn đi qua biên giới phía tây của Trung Quốc vào đêm giao thừa, bạn có thể phải chỉnh lại đồng hồ của mình tới ba tiếng rưỡi. Đó là bởi vì một số quốc gia trên thế giới - bao gồm Afghanistan, Ấn Độ và Miến Điện - sử dụng lệch nửa giờ hoặc một phần tư giờ so với giờ tiêu chuẩn.
Dưới đây là thứ tự đón năm mới 2023 theo vòng quay Trái đất (theo giờ Việt Nam):
17h ngày 31/12: Đảo Tonga, đảo Christmas của Cộng hòa Kiribati và quốc đảo Samoa (Tây Samoa)
18h: New Zealand
20h - 22h15’: Úc
22h: Nhật Bản và Hàn Quốc
22h30’: Triều Tiên
23h: Trung Quốc, Philippines, Singapore
0h ngày 1/1/2023: Indonesia, Việt Nam, Lào, Campuchia...
0h30’: Myanmar và Quần đảo Cocos
1h: Bangladesh
1h15’: Nepal
1h30’: Ấn Độ và Sri Lanka
2h: Pakistan
2h30’: Afghanistan
3h: Azerbaijan
3h30’: Iran
4h: Mátxcơva/Nga
5h: Hy Lạp
6h: Đức
7h: Vương quốc Anh
9h – 10h: Brazil
10h: Argentina, Paraguay
10h30’ – 15h: Mỹ, Canada
16h: Alaska
17h: Hawaii
18h: Đảo Samoa thuộc Mỹ (Đông Samoa)
19h: Đảo Baker, đảo Howland (Mỹ).
DOÃN KỲ