Gặp 9x lan toả lối sống xanh, đi xin chai nhựa, mảnh vụn thuỷ tinh để "biến" thành đồ chơi đầy nghệ thuật

Google News

Vốn thiệt thòi ngay từ thời điểm sinh ra khi một phần cơ thể bị liệt, nhưng với ý chí và nghị lực của mình, nam thanh niên quê Bắc Ninh vẫn làm nhiều người không khỏi ngưỡng mộ bằng những tác phẩm đầy nghệ thuật được làm từ vật dụng tái chế.

Không chịu khuất phục trước số phận, tự mày mò học chữ

Ngay từ khi chào đời, anh Đinh Đồng Giang (SN 1997, quê Bắc Ninh) đã không may mắn khi bị liệt nửa người bên trái gồm cả chân và tay. Thuở nhỏ, anh thường xuyên bị sốt khiến bố mẹ lo lắng, đứng ngồi không yên. Trước hoàn cảnh ngặt nghèo, bố mẹ của anh Giang cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối.  

Anh Giang phải nhờ đến sự hỗ trợ của bố mẹ từ việc đánh răng, rửa mặt cho đến ăn uống. Tuổi thơ của anh là những năm tháng chống chọi với bệnh tật. “Lúc đó, tôi chỉ khao khát có được một cuộc sống bình thường giống như bao bạn cùng trang lứa. Tôi ước mình được đi học để biết chữ, đọc sách”, anh Giang nhớ lại thời thơ ấu của mình.

Trải qua chuỗi ngày đầy khó khăn, anh Giang bắt đầu học mọi thứ, tự tìm tòi kiến thức để vượt lên chính mình. Năm 10 tuổi, anh Giang được đi học tại trường chuyên biệt, bắt đầu chạm tay đến những trang sách, con chữ đầu tiên. Cứ thế, anh Giang sau khi quen được mặt chữ, một mình anh tự cầm bút viết ra giấy những nét chữ ngoằn ngoèo. Nhờ sự kiên nhẫn, chăm chỉ của mình mà đến nay anh có thể đọc, viết thành thạo, dù cho cơ thể phải thường xuyên bị bệnh tật hành hạ.

Tưởng chừng cuộc sống của anh Giang đã chìm trong bóng tối nhưng cuối cùng, một tia sáng ở phía cuối đường hầm đã tiếp thêm động lực để anh chiến đấu. Năm 2013, anh được hỗ trợ kinh phí thực hiện ca phẫu thuật tại Hà Nội. May mắn đã mỉm cười với anh khi sau nhiều ngày nằm trên giường bệnh, anh Giang có thể tự đi lại chậm rãi trên đôi chân của mình.

Hậu phẫu thuật, tình hình sức khoẻ của anh Giang đã có tiến triển rõ rệt. Song, tay và chân bên trái của anh vẫn còn yếu nên trong sinh hoạt thường ngày không thể nhanh nhẹn như người bình thường, không thể làm những việc nặng...

Trong khoảng thời gian nằm ở nhà nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, anh Giang theo dõi trên truyền hình, thông qua những bản tin về tình hình lũ lụt, hình ảnh về môi trường đang bị rác thải đe doạ nên anh mong muốn tìm cách để bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức người dân và giảm thiểu rác thải sinh hoạt.

“Tôi nghĩ nhà nào cũng sẽ có rác thải sinh hoạt, thay vì chúng ta bỏ vào thùng rác để vứt đi. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng lại và sáng tạo ra làm những món đồ chơi xinh xắn cho các em nhỏ chơi hoặc làm một số đồ để trang trí cho căn nhà có thêm sức sống?” - anh Giang chia sẻ về quyết định biến rác thải thành những món đồ chơi, vật phẩm trang trí đầy sáng tạo. Từ đó, anh bắt tay tìm kiếm nguyên liệu, thử sức với công việc này.

Nhờ đam mê sáng tạo, anh Giang tự mày mò học hỏi để thực hiện những món đồ chơi, mô hình bằng các vật dụng tái chế. Đa phần, các sản phẩm sau khi hoàn thành được anh trưng bày tại nhà hoặc trao tặng cho trẻ em và gửi đến các trường học để các giáo viên làm mô hình giảng dạy.

“Thổi hồn" cho rác thải thành món đồ chơi hữu ích, tặng miễn phí cho trẻ em 

Anh Giang bắt đầu nhặt nhạnh những thứ bỏ đi rồi biến chúng thành những món đồ chơi. Ban đầu, những món đồ chơi mà anh Giang tái chế cũng khá đơn giản, bắt đầu từ những sợi dây đồng bị bỏ đi. Sau đó, anh cặm cụi thực hiện, bằng bàn tay khéo léo của mình, tạo nên những món đồ chơi bắt mắt. 

Khi bắt đầu quen với nhịp độ của công việc, anh Giang liên tục sản sinh ra ý tưởng mới và bắt đầu thực hiện những tác phẩm với kích cỡ lớn và đòi hỏi sự cầu kỳ hơn. Thấy lông gà có màu sắc rất đẹp, lại bóng và mượt nên anh Giang quyết định nhặt đem về nhà, làm sạch nguyên liệu và phơi khô. Khi có đủ số lượng cần thiết, anh cắt tỉa gọn gàng và xếp lại thành một bức tranh hoàn chỉnh. Hoặc anh tận dụng những vỏ chai nước, lắp thành những con robot, người máy thu hút sự chú ý đến từ mọi người.

“Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh với tôi thì rất khó. Do tay và chân bên trái bị yếu nên trong sinh hoạt hằng ngày cũng khó hơn với những người khỏe mạnh. Đầu tiên để thực hiện, tôi phải tìm kiếm nguyên liệu, hình dung trong đầu về hình dáng, kích cỡ của sản phẩm. Sau đó, tôi sẽ gọt, cắt tỉa nguyên liệu cho phù hợp rồi liên kết chúng bằng keo dán hoặc dây nối. Mỗi sản phẩm tuỳ thuộc vào độ chi tiết, kích cỡ mà sẽ có độ khó khác nhau" - anh Giang chia sẻ. 

Về nguồn nguyên vật liệu, anh Giang tìm kiếm ngay trong ngôi nhà của mình. Khi không đủ nguyên liệu, anh đi khắp xóm, xin vỏ chai nhựa, thuỷ tinh, lông gà, dây đồng, ống nhựa, sỏi đá, ống nước vụn… để tiếp tục sáng tạo, thổi hồn cho các vật dụng tưởng chừng bị bỏ đi trở thành tác phẩm trưng bày đầy nghệ thuật. 

Ngoài chai nhựa, lọ thuỷ tinh, anh Giang còn sáng tạo dựa trên những chất liệu tưởng chừng không thể tái sử dụng như lông gà, vỏ ốc, vỏ sò, sỏi đá... Thời gian để thực hiện các tác phẩm có thể kéo dài từ 1 tuần đến 1 tháng.

Với 5 năm theo đuổi công việc "hô biến" rác thải trở thành những món đồ có giá trị về nghệ thuật, anh Giang đã làm ra hơn 300 sản phẩm tái chế. Sau khi hoàn thiện các sản phẩm, anh Giang chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội và nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng. Từ đó, anh Giang càng có thêm động lực để làm ra những sản phẩm tái chế từ rác thải nhiều hơn. Nhiều sản phẩm tâm huyết của anh Giang đã được tặng cho trẻ em, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Theo anh Giang, việc tái chế rác không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang đến cho các bạn nhỏ những món đồ chơi độc đáo và tiết kiệm chi phí. 

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh ấp ủ mở một quán "cà phê tái chế” để trưng bày tất cả vật dụng đều là sản phẩm xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế như: Ống hút bằng tre, cốc làm từ những vỏ chai thủy tinh cắt nửa và mài nhẵn, đèn trang trí được bằng chai lọ thuỷ tinh…

Thông qua những tác phẩm của mình, anh Giang mong muốn cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường: "Tôi hy vọng việc làm của mình sẽ truyền cảm hứng sống xanh đến tất cả mọi người. Chúng ta hãy tận dụng lại rác thải để trở thành nguồn nguyên liệu xanh, cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường, giúp không gian sinh sống trở nên xanh sạch đẹp hơn".

TẤN PHƯỚC