Hiện tại, một số tỉnh miền núi phía Bắc vẫn đang bị ngập lụt khá nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Để san sẻ khó khăn, nhiều nhà hảo tâm đã chung tay ủng hộ, giúp đỡ các nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt là lương thực, thực phẩm phục vụ người dân.
Theo đó, người dân vùng lũ chủ yếu nhận được đồ cứu trợ như mỳ tôm, sữa, lương khô, nước lọc, cơm hộp, bánh chưng… Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc lựa chọn đồ ủng hộ cũng cần phải hết sức lưu ý, vì ngoài số lượng cần đảm bảo chất lượng và nhu cầu sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết, trong lúc khó khăn do lũ lụt, đồ cứu trợ đều rất đáng quý, nhưng cần phải phân phối sao cho phù hợp để không bị thừa cái nọ, thiếu cái kia. Hơn nữa, trong lúc nước lũ dâng cao, môi trường không đảm bảo, không có điện và nước sạch thì mặt hàng cần thiết nhất đó là nước sạch đóng chai, nước này có thể dùng để uống hoặc chế biến thực phẩm.
Việc hút chân không một số thực phẩm ăn liền, đồ hộp theo suất sẽ đảm bảo an toàn, dễ bảo quản với người dân. Ảnh: MXH.
Về thực phẩm, nên ưu tiên đồ ăn sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp vì chúng đảm bảo hơn là những mặt hàng như cơm suất, bún-cháo-phở. Bởi ngoài việc tiện lợi khi sử dụng, chúng còn dễ bảo quản trong môi trường bình thường. Với giò chả hay bánh chưng, ở vùng lũ thường mất điện nên không bảo quản được như ngày Tết. Khi đó, nếu bảo quản không đảm bảo dễ khiến vi khuẩn, chuột hay côn trùng tấn công gây hỏng hoặc gây bệnh.
Vị chuyên gia này cũng khuyên, nếu có điều kiện các mạnh thường quân có thể chia đồ cứu trợ thành suất, hút chân không rồi phát cho từng người với những thực phẩm khô, đồ chế biến sẵn để vừa không bị lãng phí, lại dễ bảo quản ở vùng ngập lụt. Tùy điều kiện, suất ăn có thể là một chai nước, một hộp sữa, một chiếc bánh mỳ và hai chiếc xúc xích ăn liền. Như vậy là đủ nhu cầu một bữa ăn đơn giản, tạm cung cấp đủ năng lượng.
Dưới góc độ dinh dưỡng, TS.BS Từ Ngữ cho biết, một khẩu phần ăn cơ bản của một người trưởng thành cần đầy đủ 4 nhóm chất đó là tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Thực phẩm cần được nấu chín trước khi sử dụng, như vậy mới đảm bảo được vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Với điều kiện lũ lụt, rất khó để một bữa ăn đáp ứng đủ nhu cầu trên, mà nên sử dụng đồ ăn tiện lợi nhất như lương khô, sữa, mì tôm hay các loại thịt nguội, đồ đóng hộp ăn liền.
Việc hỗ trợ bánh chưng hay xôi chỉ nên ăn trong ngày, vì điều kiện vùng lũ rất khó bảo quản dùng lâu dài như dịp Tết. Ảnh: MXH.
Trên mạng xã hội, một số người cũng kêu gọi không nên nấu cơm, gói bánh ủng hộ người dân vùng lũ và nhận được sự đồng tình của dư luận.
Các chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, rất khó để đưa ra một khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn trong điều kiện ngập lụt, ưu tiên hàng đầu vẫn là tiện lợi và an toàn để giải quyết nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên, dù là đồ ăn được nấu chín hay đồ ăn liền cũng phải đảm bảo một số điều kiện sau:
- Phải dùng nước sạch chế biến thực phẩm; có thể dùng nước đóng chai hoặc nước sạch đun sôi để nguội dùng để uống.
- Với thực phẩm tươi cần chế biến chín trước khi ăn; nguồn gốc thực phẩm an toàn, không dùng động vật chết do lũ để làm thực phẩm.
- Không ăn rau sống khi đang sinh sống trong vùng có lũ.
- Với thực phẩm đóng hộp cần đặc biệt lưu ý: Không dùng thực phẩm quá hạn; không dùng thực phẩm khi hộp méo, bao bì bị rách; Không dùng khi có hiện tượng bị mốc, thiu; Không dùng khi thực phẩm bị ẩm ướt do dính nước lũ, dù chưa thiu.
- Rửa sạch tay trước khi ăn.
- Nơi tập kết hoặc chế biến thực phẩm phải cao ráo, tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
LÊ PHƯƠNG.